Nỗi ái ngại mang tên “Cảnh sát Kimono” ở Nhật

Trang phục truyền thống của Nhật Bản là Kimono, được thiết kế đẹp mắt và độc đáo, gây được tiếng vang cả ở nước ngoài. Tuy nhiên Kimono chỉ được mặc vào các ngày quan trọng như Lễ trưởng thành hay Lễ thành hôn.

Trước kia người Nhật vẫn mặc Kimono như trang phục hằng ngày, nhưng từ khi có sự du nhập của Âu phục, phong cách của người Nhật cũng dần đổi khác.

Tuy nhiên có một nguyên nhân khác dẫn tới sự “thoái trào” của Kimono, đó là sự tồn tại của hiện tượng “cảnh sát Kimono”.

“Cảnh sát Kimono” ở đây ám chỉ những bà cô phiền toái thích bắt bẻ ai đó mặc Kimono. Về bản chất họ là những người rất yêu mến trang phục truyền thống Nhật Bản, có kiến thức chuyên sâu về Kimono, nhưng chính họ lại tạo ra rào cản khiến cho nền văn hóa Kimono suy tàn.

Những “cảnh sát Kimono” này đang làm gì?

Thuyết giảng….thuyết giảng…và thuyết giảng…

Những người trẻ không quen sẽ không thể tự mình mặc Kimono. Ở Nhật có một dịch vụ gọi là Kitsuke, nôm na là hỗ trợ mặc Kimono. Nhưng dù yêu cầu dịch vụ, bản thân những người trẻ tuổi này cũng không thể chắc chắn rằng kiểu mặc Kimono đã “chuẩn” hay chưa.

Đó là chưa nói đến chỉ riêng việc thắt Obi (đai thắt lưng trong Kimono) đã có vô số kiểu, do đó hoàn toàn có thể ngẫu hứng sáng tạo.

Ấy thế mà…các “cảnh sát Kimono” chỉ cần nhìn thấy một điểm không chuẩn là sẽ:

“Này cháu, cách mặc Kimono của cháu có chút kỳ lạ đấy”

hay

“Bọn trẻ ngày nay đúng là không biết cách mặc Kimono mà”.

Đó là chưa tính đến một số “cảnh sát Kimono” nghiêm khắc sẽ lôi bạn vào Toilet rồi tháo Obi của bạn ra. Dù biết là cô chỉ muốn sửa giúp Obi nhưng tự nhiên từ đâu xuất hiện một bà cô không quen không biết, đòi cởi Obi của bạn, có phải rất kỳ không?

Có người còn sờ vào mông người khác cơ…

Có câu chuyện rằng một người đang mặc Kimono và đi dạo trong cửa hàng bách hóa, bỗng có bà cô đến nói “Obi trông hơi kỳ này” rồi chạm luôn vào mông. Hẳn là bà cũng chỉ muốn sửa Obi cho thôi, nhưng tự nhiên có người lạ chạm vào những bộ phận khá nhạy cảm, chắc chắn ai cũng cảm thấy không thoải mái.

Tôi hiểu rằng vì yêu Kimono nên họ mởi có thái độ như thế, nhưng Kimono dù là trang phục truyền thống, cũng có những thích ứng với thời đại. Ngày xưa Kimono không lộng lẫy như hiện tại, từ chất liệu đến cách mặc, cả cách thắt Obi cũng thay đổi rất nhiều. Khi lối sống đã khác đi, tác phong cũng phải thay đổi.

Tôi vô cùng tán đồng quan điểm “cách tân” Kimono cũng như thay đổ cách mặc Kimono sao cho phù hợp với thời đại. Đương nhiên những người muốn bảo vệ phong cách truyền thống cũng có lý do của họ. Và cả những người muốn tạo ra nền văn hóa mới cũng chỉ vì những điều tốt đẹp hơn.

Chấp nhận dung hòa những sự đổi mới, nhưng vẫn hiểu được các giá trị cổ truyền, đó mới là cách để bảo tồn nền văn hóa. Sự áp đặt một chiều cũng là hành vi hủy hoại văn hóa Kimono. Hy vọng các “cảnh sát Kimono” có thể sớm nhận ra điều này.

Kengo Abe
Xem thêm: