Khuôn mặt của phụ nữ Nhật ngày xưa hơi đáng sợ phải không?
Khuôn mặt của phụ nữ Nhật ngày xưa hơi đáng sợ phải không?
Đôi môi nhỏ được vẽ trên khuôn mặt trắng toát. Hơn nữa lông mày nằm ở vị trí khác lạ.
Đây là bức hoạ vẽ một người phụ nữ thời Heian, thời kỳ mà các quý tộc đang tự hào với niềm hưng thịnh.
Nhìn vào hình ảnh phụ nữ Nhật Bản lúc bấy giờ, những câu như là “Trông rất đáng sợ không phải sao?”, hoặc là “Trông xấu nhỉ?” sẽ được thốt lên…
Vâng, là một người Nhật, tôi cũng nghĩ vậy.
Nếu bắt gặp khuôn mặt này vào ban đêm chắc chắn rằng Quý vị sẽ phải hét toáng lên.
Tại sao khuôn mặt của họ như vậy và gu thẩm mỹ khác với ngày nay, tôi sẽ giải thích về những điều này ngay sau đây.
Khái niệm cơ bản về trang điểm vào thời Heian
Dành cho Quý vị nào muốn thử kiểu trang điểm trông giống như trong phim kinh dị này, tôi sẽ giới thiệu các kỹ thuật trang điểm được sử dụng thuở bấy giờ.
Việc đầu tiên là loại bỏ toàn bộ lông mày.
Ngay cả khi lông mày được nhổ sạch, chúng vẫn sẽ mọc lại, vì vậy hãy thường xuyên nhổ chúng.
Sau đó chuyển sang các bước trang điểm cơ bản.
Với quan điểm da trắng là đẹp, nên khuôn mặt sẽ được thoa trắng. “Oshiroi”, ngày nay là các loại phấn nền, sẽ được bôi lên da mặt.
Có vẻ phấn trắng oshiroi được sử dụng thời đó có chứa chì và thuỷ ngân, điều này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, nên riêng phần này Quý vị hãy bỏ qua đừng làm theo.
Tiếp theo, thoa một ít son đỏ lên giữa môi.
Son này được làm từ một loại hồng hoa, tiếng Nhật gọi là “benibana”.
Sau đó, bằng cách tương tự, thoa một chút màu đỏ lên gò má.
Cuối cùng là lông mày.
Vẽ lông mày dáng tròn bên trên, cách xa vị trí lông mày gốc đã được nhổ.
Xong thao tác này là đã hoàn thiện các bước trang điểm để trở thành một mỹ nhân thời Heian.
Dù trông có chút đáng sợ.
Dù đây là xu hướng lúc bấy giờ nhưng tôi vẫn cảm thấy đáng sợ.
Cách trang điểm này trở nên phổ biến vì được coi là đẹp vào thời đó.
Vậy nên tôi đã nghĩ, thời bây giờ mọi người đang trang điểm rất đẹp, nhưng liệu sau hàng trăm năm sau, thế hệ sau này có nhìn lại chúng ta của bây giờ và thốt lên hai từ “đáng sợ”, giống như tôi đang nghĩ về thế hệ trước không nhỉ?
Tuy nhiên vẫn luôn có một thắc mắc, tại sao lại phải nhổ lông mày?
Tất nhiên vì đó là xu hướng thịnh hành lúc bấy giờ, tuy nhiên không phải tự nhiên, mà có lý do hẳn hoi để khiến nó trở nên thịnh hành.
Người ta cho rằng:
“Sẽ tốt hơn nếu những người phụ nữ cao quý và có học thức không để lộ cảm xúc, tâm trạng của mình quá nhiều.”
Và đây chính là lý do. Lông mày được cho là nơi thể hiện rất nhiều cảm xúc.
Đặc biệt vào thời đại này, phụ nữ thường không để lộ mặt.
Tuy nhiên việc che toàn bộ khuôn mặt bị xem là thất lễ, nên họ sẽ dùng quạt giấy cầm tay để che mặt nhưng vẫn để lộ lông mày. Đây là hành động để ám chỉ “Tôi vẫn đang lắng nghe cuộc nói chuyện”.
Vì vậy, có lẽ việc vẽ lông mày cách xa mắt sẽ thuận tiện hơn cho cử chỉ che mặt và chỉ để lộ lông mày này.
Văn hoá che mặt bắt nguồn từ Nhật Bản cổ đại
Thời kỳ Jomon, thời tiền sử ở Nhật Bản, kéo dài từ năm 13.000 trước công nguyên đến năm 2.300 trước công nguyên.
Vào thời này, có một loại tượng đất được nặn từ đất sét, gọi là dogu.
Trong số tượng đất sét này có những tượng phụ nữ và dường như trong đó có khá nhiều tượng phụ nữ đeo mặt nạ.
Có vẻ như từ xa xưa ở Nhật Bản đã có cảm giác rằng việc những người cao quý không để lộ mặt sẽ tạo nên sự tồn tại thần bí.
Tôi có thể hiểu được cảm giác phấn khích khi thoáng thấy thứ gì đó mà không phải lúc nào cũng nhìn thấy được.
Nói như vậy nghe có chút biến thái Quý vị nhỉ??
Vào thuở đó, đây là kiểu trang điểm được thực hiện dựa theo gu thẩm mỹ của thời đó.
Nếu có ai đó đồng điệu trong suy nghĩ, Quý vị có thể cùng nhau thử kiểu trang điểm này cho nhau và cùng trải nghiệm.
Dù tôi nghĩ sau khi thực hiện xong lớp trang điểm này ai gặp phải Quý vị vào ban đêm cũng phải hét toáng lên cả thôi.
Tác giả: Abe Kengo
Biên dịch: Lê Phương Kỳ