Người mẹ kiên cường – Người phụ nữ âm thầm tiễn đưa những chiến binh cảm tử
Người mẹ kiên cường – Người phụ nữ âm thầm tiễn đưa những chiến binh cảm tử
Trong những ngày tháng đen tối của Thế chiến thứ hai, khi tình hình trở nên bất lợi, Nhật Bản đang dần rơi vào thế yếu, một chiến lược đầy bi thương đã ra đời.
Những chàng trai trẻ, mang theo trái tim yêu nước và giấc mơ dang dở, điều khiển những chiếc máy bay chỉ đủ nhiên liệu cho một chiều, mang theo bom lao thẳng vào chiến hạm của kẻ địch.
Đó là những đội quân cảm tử – Thần Phong đặc công (Kamikaze).
Không chỉ có máy bay, mà còn có cả những con tàu cũng mang sứ mệnh ra đi không trở về.
Tổng cộng có 6.371 người con của đất nước Nhật Bản đã ngã xuống, để bảo vệ quê hương.
Và giữa những hy sinh thầm lặng ấy, có một người phụ nữ đã ở lại, dõi theo, chăm sóc, và âm thầm tiễn đưa những người thanh niên cảm tử đến giây phút cuối cùng.
Người ta gọi bà là “Người mẹ của các chiến binh cảm tử” – bà Tome Torihama, nhân vật chính trong câu chuyện lần này.
Hôm nay, chúng ta hãy cùng lắng nghe câu chuyện về bà, về một người mẹ không máu mủ ruột rà, nhưng đã tiễn bước những đứa con anh dũng trong nước mắt và niềm tự hào. Bà đã tiễn họ đi bằng cả trái tim, bằng tất cả tình thương của một người mẹ, người mẹ của chiến tranh, người mẹ của hy sinh.
Năm 1929, bà Tome mở một quán ăn nhỏ.
Đến năm 1942, khi sân bay quân sự được xây dựng gần đó, quán ăn của bà được chọn làm nơi phục vụ chính thức cho quân đội, và từ đó, cuộc đời bà dần bước sang một ngã rẽ khác.
Năm 1945, Nhật Bản bị dồn vào đường cùng và bắt đầu thực hiện chiến lược cảm tử nói trên.
Và chính bà Tome là người đã tiễn đưa những chàng trai trên đoạn đường cuối của cuộc đời khi lên đường thực hiện nhiệm vụ cuối cùng.
Họ là những thanh niên rời xa vòng tay cha mẹ, biết rõ rằng chuyến bay này sẽ không có ngày trở lại.
Người trẻ nhất chỉ mới 16 tuổi, độ tuổi mà lẽ ra còn đang cắp sách đến trường, vui đùa bên bạn bè chứ không phải là với vai trò của một người lính.
Nỗi sợ hãi, lo lắng, và cô đơn là điều không thể tránh khỏi, và người luôn dang rộng vòng tay đón nhận những cảm xúc ấy, chính là bà Tome.
Trước khi rời đi, họ gửi gắm cho bà những bức thư cuối cùng, lời chào tạm biệt gửi đến gia đình, lời xin lỗi chưa kịp nói, và cả ước mơ chưa kịp thực hiện. Rồi họ lên máy bay, một chuyến bay không có ngày trở lại.
Với mong muốn trở thành chỗ dựa tinh thần cho những chàng trai trẻ sắp ra đi, bà Tome đã mở cửa quán ăn đến tận đêm khuya, mặc dù điều đó trái với quy định thời bấy giờ.
Không lâu sau, bà bị quân đội chú ý và cuối cùng bị bắt giữ.
Giây phút đó bà đã thốt lên tiếng lòng mình, đầy xúc động:
- “Có những đứa trẻ ngày mai sẽ chết. Chẳng lẽ không thể cho chúng ăn một bữa cơm ngon cuối cùng sao?!”
Lời nói ấy đã chạm đến trái tim của các chiến binh cảm tử, ngay khi hay tin, rất nhiều người trong số họ đã tụ họp lại để đứng về phía bà.
- “Nếu các người dám bắt bà Tome đi, thì cho dù phải giết các người, chúng tôi cũng sẽ ngăn cản đến cùng.
Ngày mai chúng tôi đều sẽ chết. Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ bà ấy!”
Nhận ra không thể ngăn được ngọn lửa quyết tâm ấy, quân đội đành phải nhượng bộ và thả tự do cho bà Tome.
Sau chiến tranh, dù nhiều lần được đề nghị mở lại quán ăn để phục vụ cho binh lính Mỹ đóng tại Nhật Bản, bà Tome vẫn kiên quyết từ chối.
Người ta nói rằng, trên mảnh đất hoang tàn, nơi từng là sân bay nay chỉ còn lại dấu tích đổ nát, bà dựng lên một bia tưởng niệm nhỏ bằng những tấm ván gỗ đơn sơ và ngày ngày, bà đều đặn dâng hoa tươi và thắp hương, không một ngày quên tưởng nhớ những người đã khuất.
Dù bị một số nhóm hoạt động vì hòa bình và nhiều người khác chỉ trích rằng hành động ấy như đang tôn vinh chiến tranh, bà vẫn không dừng lại.
Với bà, đó không phải là ca ngợi chiến tranh, mà là lòng thương tiếc dành cho những chàng trai trẻ, giống như những đứa con ruột của bà, đã ra đi mãi mãi trong những ngày u tối ấy.
Rốt cuộc thì ngày ấy, bà đã mang tâm trạng như thế nào khi tiễn những chàng trai trẻ lên đường, tận mắt nhìn chuyến bay cất cánh?
Những người đã coi bà như người mẹ thứ hai, từng người, tùng người một, lần lượt ra đi không hẹn ngày trở lại… Chắc hẳn, trái tim bà đã như muốn vỡ òa trong đau đớn, mỗi lần cánh máy bay khuất dần vào bầu trời.
Mong rằng những thảm kịch như thế này sẽ không bao giờ lặp lại, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở bất cứ nơi nào trên thế giới là điều mà tôi luôn thành tâm cầu nguyện từ tận đáy lòng,
Tác giả: Abe Kengo
Biên dịch: Lê Phương Kỳ