“Đạo đức” – Môn học độc đáo ở Nhật Bản

“Đạo đức” Môn học đc đáo ở Nhật Bản

 

 

Quốc ngữ, toán học, khoa học tự nhiên, nghiên cứu xã hội, tiếng Anh…

Có rất nhiều môn học được giảng dạy ở các trường học trên thế giới, nhưng ở Nhật Bản lại có một môn học khá đặc biệt mang tên là “Đạo đức”.

Đối với học sinh lớp 01 tiểu học, học sinh sẽ học 34 tiết đạo đức trong một năm.

Từ lớp 02 đến lớp 09 (hết cấp hai), số tiết học đạo đức được quy định là 35 tiết mỗi năm. Với số lượng tiết học đáng kể như vậy, môn học này được cho là giúp hình thành nên hình ảnh “người Nhật thân thiện và lịch sự”.

Tuy nhiên, tiếc thay, có những người không được như vậy mặc dù họ cùng được học từ một nền giáo dục như nhau.

 

Trên thực tế, môn giáo dục đạo đức này cũng có thể được học ở nhà.

Hãy cùng tìm hiểu xem trong các tiết học đạo đức ở trường, học sinh được học những gì Quý vị nhé!

 

 

Cùng nhau đọc truyện

Chúng tôi cùng nhau đọc nhiều câu chuyện khác nhau phù hợp với từng độ tuổi, nhưng về cơ bản đều là những câu chuyện giúp người nghe suy ngẫm về lễ nghĩa, công lý và sự quý giá của sinh mệnh.

Ví dụ như những câu chuyện kể về điều gì xảy ra với một người sống nghèo khổ nhưng luôn trung thực dù bị mọi người xung quanh coi thường và chế giễu, hoặc những người hay bắt nạt người khác rồi họ sẽ nhận lại điều gì.

 

Mỗi khối lớp sẽ có một chủ đề riêng như sau:

 

Lớp 01 đến lớp 03 tiểu học:

Kết bạn và hòa thuận với bạn bè, biết chào hỏi, biết xếp hàng theo thứ tự, v.v.

 

Lớp 04 đến lớp 06 tiểu học:

Chính nghĩa và lòng dũng cảm, sự bắt nạt và hành vi nhân đạo là như thế nào?

 

Trung học cơ sở:

Quy tắc và tự do, giá trị của sinh mệnh, cách cư xử đúng mực trên mạng xã hội, sống là chính mình.

 

 

Thảo luận cùng mọi người

Nội dung cuộc thảo luận xoay quanh các câu hỏi như sau:

Cảm nghĩ của từng cá nhân như thế nào sau khi đọc câu chuyện?

Nếu là bạn thì bạn sẽ làm gì?

Lẽ ra nhân vật trong câu chuyện nên làm gì?

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thực hiện nhập vai như trong một vở kịch để trải nghiệm lại tình huống một cách giả lập.

 

 

Mục tiêu không phải là “trở thành một người tốt” sao?

Mục tiêu của các môn học thông thường là hiểu bài học và đạt điểm cao.

Vậy mục tiêu của tiết học đạo đức có phải là “trở thành người tốt” hay không? Điều thú vị là không phải vậy.

Cụ thể mục tiêu của môn học này là để giúp cho mọi người có thể:

  • Suy nghĩ từ góc nhìn của người khác
  • Nhận ra sự công bằng và lòng tốt trong chính bản thân mình
  • Suy nghĩ về cách cùng nhau chung sống dù mỗi người đều khác biệt.

 

 

Đạo đức – Môn học độc đáo của Nhật Bản với mục tiêu đặc biệt.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Nếu sử dụng những câu chuyện này, chúng ta có thể dễ dàng tổ chức một buổi học đạo đức ngay tại nhà.

Đây không phải là nền giáo dục nhằm vào việc thi vào trường cấp trên, mà là nền giáo dục hướng đến sự hoàn thiện nhân cách con người.

Quý vị nghĩ sao về việc cùng con em mình thực hiện điều này tại nhà ạ?

 

 

Tác giả: Abe Kengo

Biên dịch: Lê Phương Kỳ

Xem thêm: