Văn hoá đặt đũa theo chiều ngang của người Nhật

Văn hoá đặt đũa theo chiều ngang của người Nhật

 

 

Dù có cùng văn hoá sử dụng đũa khi dùng bữa, tuy nhiên nếu đã từng có lần tiếp túc với đối tác hoặc bạn bè người Nhật trên bàn ăn, không biết Quý vị có nhận ra rằng, khi đặt đũa xuống, người Nhật đều sẽ đặt theo chiều ngang hay không?

Nếu có nhận thấy, liệu Quý vị đã từng bao giờ thắc mắc về cách đặt đũa này hay chưa?

Thật ra thì điều này là do người Nhật có quan niệm cho rằng đũa là nơi quan trọng để hội ngộ với các vị thần, giống như đền thờ vậy.

 

Ở Nhật Bản, đũa được đặt theo chiều ngang giữa người và thức ăn. Điều này có cùng ý nghĩa với cổng đền ( trong tiếng Nhật gọi là cổng torii ), tức cổng ra vào tại các đền thờ. Cổng torii ở đền thờ là ranh giới giữa thế giới nơi con người sinh sống và lãnh thổ của các vị thần.

Do đó, người đi qua cổng torii cần phải giữ cho mình một tâm hồn trong sạch.

 

Tương tự như đũa.

Ở Nhật Bản, nếu đặt câu hỏi rằng “Ai đã cho chúng ta bữa ăn?”, thì câu trả lời không phải là người nấu cho ta bữa ăn, cũng không phải đấng sinh thành vất vả cày cuốc để kiếm tiền nuôi ta. Mà người Nhật Bản tin rằng thức ăn là thứ quý giá do thần linh ban tặng.

Vì lý do đó, đũa được đặt như ranh giới giữa thế giới con người và bàn ăn nơi các vị thần ngự trị.

Vì vậy, tuyệt đối không thể đặt đũa theo chiều dọc chỉ vì cho rằng đặt theo chiều ngang gây bất tiện hơn.

 

Hầu hết người Nhật ngày nay đặt đũa theo chiều ngang mà không hiểu ý nghĩa của nó.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm rằng, tại các nhà hàng Nhật Bản cao cấp, người ta sẽ để ý xem khách dùng bữa tại nhà hàng có vị nào thuận tay trái không, nếu nhận ra có người thuận tay trái, họ sẽ chủ động đổi ngược chiều đũa để phù hợp hơn.

Bản thân tôi thuận tay trái và có vẻ như họ có thể nhận ra điều này qua một cử chỉ thông thường không lâu ngay sau khi tôi bước vào. Thật ấn tượng khi không chỉ đũa, họ còn đổi cả cách sắp xếp toàn bộ bàn ăn để phù hợp với người thuận tay trái.

 

Thêm nữa, một văn hoá không thể bỏ sót của người Nhật là khi bắt đầu dùng bữa, tất cả người Nhật đều sẽ nói “Itadakimasu!”, câu này có nghĩa là “Tôi xin được nhận lấy sự sống này!”.

Vạn vật nuôi chúng sinh. Chúng ta được ban tặng sự sống của các loại động vật và cả thực vật để nuôi dưỡng bản thân và tồn tại, vì vậy, nên biết ơn với điều đó và ăn hết thức ăn, không bỏ thừa và lãng phí.

Tôi cho rằng nếu trong lúc dùng bữa mà cứ mãi mê, tay không rời khỏi điện thoại thay vì tập trung vào bữa ăn là hành động thể hiện sự thiếu biết ơn, thực sự không nên.

 

 

Thêm nữa, đũa được sử dụng trong các dịp lễ của Nhật Bản được làm theo cách đặc biệt.

Quý vị có từng để ý rằng đũa Nhật Bản luôn có đầu nhọn không ạ?

Lý do đũa có đầu nhọn là để dễ dàng tách thịt cá nướng ra khỏi xương, nhưng trong các dịp lễ, người ta lại sử dụng đũa có đầu nhọn ở cả hai đầu. Điều này cũng liên quan đến tín ngưỡng của người Nhật.

Phía mà chúng ta đưa vào miệng là dành cho con người chúng ta, và phía còn lại dành cho các vị thần.

Điều này có nghĩa là khi chúng ta dùng bữa, thần linh cũng đang dùng bữa cùng lúc.

 

Nhật Bản là vùng đất nơi có ít tài nguyên và phải chịu đựng mùa đông khắc nghiệt. Nơi đây, lương thực là thứ mà mọi người vô cùng trân quý, có lẽ đây cũng chính là lý do nền văn hóa này ra đời.

 

Dân số toàn cầu đang tăng lên và người ta nói rằng sẽ có tình trạng thiếu lương thực trong tương lai. Có thể chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên mà mọi người đều nhận thấy tầm quan trọng của lương thực và biết ơn vì có thứ để ăn, tương tự như ở Nhật Bản trước đây.

 

 

Trong suy nghĩ của người Nhật luôn biết ơn tất cả mọi thứ tạo hoá đã ban tặng và quý trọng những gì mà mình có được.

Tôi cho rằng cách suy nghĩ này chính là nền móng tạo ra nền hòa bình. Quý vị có quan điểm như thế nào sau khi theo dõi nội dung này ạ?

 

 

Tác giả: Abe Kengo

Biên dịch: Maeri Phương Kỳ

Xem thêm: