Khác biệt về hình phạt giữa trộm cắp ban ngày và trộm cắp vào đêm

Khác biệt về hình phạt giữa trm cắp ban ngày và trm cắp vào đêm

 

 

Ngày nay, Nhật Bản được cho là quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp, nhưng trước đây không phải vậy. Cụ thể là vào thời kỳ Edo, thời đại của samurai, việc phạm tội xảy ra khá nhiều.  Hình phạt để trừng trị tội phạm thời đấy cũng nghiêm khắc hơn so với ngày nay, và đã từng có những quy tắc kỳ lạ.

 

Cũng là trộm cắp, nhưng giữa trộm cắp ban ngày và trộm cắp vào ban đêm lại có những hình phạt khác nhau.

Rốt cuộc chuyện là như thế nào, xin mời Quý vị cùng theo dõi trong nội dung lần này!

 

Trong nhà thường dân không có tiền

Thuở bấy giờ, Edo là thành phố đông dân nhất thế giới. Vào thời này, nhà cửa được xây từ gỗ, nhiều ngôi nhà gỗ tập trung dày đặc khiến hoả hoạn xảy ra thường xuyên và nhiều ngôi nhà thường bị cháy rụi trong hỏa hoạn. Vì vậy, người dân không giữ tài sản của mình ở nhà.

 

Vào thời đấy thù lao sẽ được trả cho người lao động sau mỗi ngày làm việc. Nhận được thù lao người ta sẽ tiêu hết chứ không để lại hay có kế hoạch gì cho tương lai.

Tuy là không giống với người dân Nhật Bản ngày nay, nhưng việc họ nghĩ rằng thà tiêu hết còn hơn mất trắng trong hỏa hoạn cũng là điều dễ hiểu.

Nhà của thường dân hầu như không có tiền, nên rất ít khi bị trộm đột nhập, vì chẳng có gì để lấy. Cửa cũng không cần phải khóa, nhìn vào sẽ nghĩ ngay đây là một thời đại vô cùng bình yên. Nhưng… cũng không hẳn là như vây.

 

Những ngôi nhà giàu có của tầng lớp thương gia

Vào thời Edo, thương gia là tầng lớp giàu có kiếm được rất nhiều tiền. Khác với thường dân, họ phải tiết kiệm tiền và lập kế hoạch để tiếp tục kinh doanh. Một số người còn cho vay tiền, điều này đồng nghĩa với việc họ cất giữ lượng lớn tiền bạc trong nhà. Số tiền họ kiếm được mỗi ngày nhiều hơn số tiền họ có thể chi tiêu.

 

Như vậy, nếu nói đến việc muốn trộm tiền trong thời kỳ Edo thì chắc chắn là không nơi nào khác, kẻ trộm nhất định sẽ đột nhập vào nhà của một thương gia.

Để đối phó với trộm cắp, một số thương gia thuê người canh gác, bảo vệ cho ngôi nhà và tài sản, tuy nhiên, đôi lúc việc thuê người canh gác này lại đồng nghĩa với việc dẫn sói vào nhà. Lính gác và những người phụ việc trong nhà đôi khi chính là kẻ thông đồng với bọn trộm.

Có người trụ lại trong nhiều năm chỉ để nắm rõ bố trí của ngôi nhà và chiếm được lòng tin của gia chủ. Họ nắm bắt chi tiết giờ giấc sinh hoạt, thời gian vắng mặt của chủ nhà, vị trí cất giữ chìa khoá cũng như tài sản có giá trị… Sau khi xác định chắc chắn, những tên nội gián sẽ thông qua đồng bọn truyền tin đến cho bọn trộm bên ngoài.

 

Vào ban ngày, việc bảo vệ tài sản là trách nhiệm của chủ tài sản

Trở lại chủ đề chính, trộm thì vẫn là trộm, nhưng hình phạt cho kẻ trộm lại khác nhau tùy thuộc vào việc đó là ban ngày hay ban đêm.

Vào ban ngày, chủ tài sản có trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình. Còn ban đêm là thời gian ngủ của mọi người, nên không thể đổ lỗi rằng gia chủ đã lơ là, không biết tự bảo vệ tài sản của chính mình. Vậy thì lỗi nặng hơn nằm ở kẻ trộm. Luật thời đấy chính là như vậy.

Như vậy, trộm cướp vào ban ngày sẽ bị phạt nhẹ hơn là vào ban đêm, vì người ta cho rằng một phần trách nhiệm thuộc về phía chủ tài sản.

Chính vì lý do này, những tên trộm sẽ “hành nghề” vào ban ngày, để lỡ nếu không may bị bắt thì hình phạt sẽ nhẹ hơn.

Nhưng vào lúc trời sáng, người người qua lại đông đúc, rõ ràng là việc trộm cắp sẽ dễ bị phát giác hơn.

Giữa lúc ban ngày, tuy bị phạt nhẹ nhưng dễ bị phát hiện, và trong đêm tối tuy bị bắt thì sẽ bị phạt nặng nhưng lại khả thi hơn, đâu mới là thời điểm lợi thế đây Quý vị nhỉ?

 

 

Đã trôi qua nhiều thời đại, điều luật này không còn tồn tại trong xã hội ngày nay, dù vậy khi xem lại cũng có phần thú vị.

Nhân đây tôi cũng xin được chia sẻ thêm, một trong những hình phạt cho tội phạm trộm cắp thời Edo chính là bị xăm lên người, những hình xăm đó sẽ lưu lại trên da thịt, để người khác biết rằng họ đã từng phạm tội. Đó chính là lý do vì sao cho đến ngày nay, ở Nhật Bản vẫn còn khá nhiều người kỳ thị hình xăm. Đồng thời, tại Nhật Bản, những người có hình xăm trên người thường sẽ bị cắm sinh hoạt ở các khu tập thể chẳng hạn như suối nước nóng hoặc hồ bơi.

 

 

Dù thế nào đi nữa, không tự thân lao động mà trộm cắp tài sản của người khác là việc xấu mà chúng ta không nên mắc phải dù là trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Bởi để kiếm được số tiền, gầy dựng lên được số tài sản đó, người ta đã tốn biết bao thời gian, công sức, mồ hôi và cả nước mắt để đổi lấy. Hưởng thụ sung sướng trên đau khổ của người khác là một hành động vô nhân đạo, cần được lên án và bài trừ trong xã hội.

 

 

Tác giả: Abe Kengo

Biên dịch: Maeri Phương Kỳ

Xem thêm: