Nỗi ám ảnh mang tên “câu lạc bộ” ở trường học Nhật Bản

Ở các trường học Việt Nam gần như không tổ chức câu lạc bộ, nếu có thì chỉ hoạt động một cách lẻ tẻ và lỏng lẻo, không duy trì được lâu dài.

Ngược lại tại Nhật Bản, văn hóa câu lạc bộ rất mạnh mẽ, đến mức tất cả các trường học trên cả nước đều có câu lạc bộ và bất cứ học sinh nào cũng đều phải tham gia, nếu không muốn nói là bắt buộc.

Câu lạc bộ Judo

Mục đích ban đầu của việc thành lập câu lạc bộ là giáo viên muốn tạo một môi trường để các em có thể thoải mái làm điều mình thích sau những giờ học vất vả. Câu lạc bộ cũng tạo ra những luật lệ riêng, các quy tắc ứng xử trên dưới ngoài xã hội cũng được thể hiện rất rõ, nên có người ví “câu lạc bộ giống hệt một xã hội thu nhỏ”.

Chính vì vậy, việc tham gia sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong việc trưởng thành, học được cách tự chủ, độc lập, tinh thần đoàn kết. Và các thầy cô sẽ đóng vai trò là người cố vấn, huấn luyện học sinh ở các câu lạc bộ.

Nhưng mục đích đó ngày càng bị biến chất, và đến năm 1970 – 1980 thì thay đổi một cách rõ rệt. Câu lạc bộ bị sử dụng như là một nơi để quản lý và kiểm soát học sinh. Nên không còn là tham gia tự nguyện nữa mà bị “cưỡng chế”, “bắt ép” vào và không thể rời khỏi.

Hơn nữa, hoạt động của câu lạc bộ cũng cực kỳ khắc nghiệt. Học sinh phải tham gia trước và sau giờ học hàng ngày, thậm chí cả thứ bảy chủ nhật. Thời gian luyện tập có khi kéo dài đến 10h, 11h tối.

Ở các câu lạc bộ võ thuật như Judo, Karate… việc học sinh thường xuyên mang thương tích về nhà là chuyện bình thường. Vốn là bộ môn để tăng cường sức khỏe, nâng cao thể lực nhưng bị biến tướng ở nhiều câu lạc bộ, biến nó thành nơi huấn luyện khủng khiếp, với các kỹ thuật quá khó, không phù hợp với các em.

Do đặc tính văn hóa của người Nhật Bản là không chịu từ bỏ nên dù bị thương, bị đánh đập, các em vẫn cố gắng nhẫn nhịn chịu đựng. Và hậu quả là hàng năm luôn có nhiều trường hợp bị chấn thương nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Không chỉ chịu sự luyện tập khắc nghiệt mà học sinh còn bị kiểm soát bởi mối quan hệ tiền – hậu bối (tiếng Nhật là sempai – Kohai). Những sempai là người đi trước, chịu trách nhiệm hướng dẫn, dìu dắt thế hệ sau nên có vai trò rất lớn trong câu lạc bộ. Các Kohai mới vào bắt buộc phải chào hỏi Sempai không chỉ ở câu lạc bộ mà tất cả mọi nơi, phải nói chuyện lễ phép và không được trái lời.

Chính vì sự nghiêm ngặt trên mà nhiều sempai đã lạm dụng nó để phục vụ mục đích cá nhân như thường xuyên sai vặt, bắt nạt kohai, thậm chí là lợi dụng.

Ở các câu lạc bộ đại học, thông thường khi có thành viên mới thì sẽ tổ chức tiệc mừng (gọi là nomikai). Tại đó, các Sempai thường mời rượu và kohai không được từ chối mà phải uống cho cạn. Đã xảy ra nhiều trường hợp các kohai là nữ bị chuốc uống đến say để lợi dụng, sờ mó…

Vì vậy, đối với nhiều người, câu lạc bộ không còn để thoải mái làm những chuyện mình thích, rèn luyện tính tự chủ nữa, mà trở thành nơi bị quản lý, tước đoạt mất tự do. Nếu như xui xẻo tham gia vào câu lạc bộ “đen” thì sẽ bị hành hạ về mặt thể xác, chịu sự hướng dẫn vô lý.

Tất nhiên vẫn tồn tại những câu lạc bộ tốt, mang mục đích đúng đắn nhưng không thể phủ nhận sự hà khắc ở thời gian tập luyện, sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định do câu lạc bộ đặt ra khiến nhiều học sinh ngao ngán, cảm thấy mệt mỏi.

Do xảy ra nhiều sự việc không hay liên quan đến hình ảnh câu lạc bộ nên ngày nay, sự hà khắc đã giảm bớt, cường độ luyện tập và những quy định chặt chẽ cũng vơi dần.

Lên đại học, khi đã trở thành sinh viên thì việc tham gia câu lạc bộ cũng trở nên thoải mái hơn, chứ không chịu sự quản thúc như hồi còn trung học. Và đó là nơi để các sinh viên nghỉ ngơi, vui chơi, làm những điều mình thích trước khi bước chân vào xã hội, trở thành một Shakaijin (người đi làm nói chung).

Tóm lại, nhắc đến trường học Nhật Bản, không thể không nhắc đến vai trò của các câu lạc bộ trong nền giáo dục. Đối với những người Nhật thế hệ ngoài 40 thì đó là năm tháng luyện tập kinh khủng, là nỗi ám ảnh mà đến bây giờ vẫn không thể quên.

Nhưng chúng vẫn không thể so với nỗi vất vả khi phải cố gắng tồn tại trong xã hội cạnh tranh đầy khắc nghiệt này.

Kim Ngân

Một ngày đi học của trẻ em Nhật Bản

10 điều khác thường ở trường học Nhật Bản

Người Việt cho con vào học lớp 1 ở Nhật Bản: Những chuyện chưa kể

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: