Huyền thoại bóng đá già nhất Nhật Bản: câu chuyện về giấc mơ vươn ra thế giới
Ngoài bóng chày thì bóng đá là một trong những môn thể thao rất được ưa thích và vô cùng phát triển ở xứ sở Hoa Anh Đào. Đất nước này cũng là nơi đào tạo ra nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trong nước và trên thế giới. Trong đó phải kể đến huyền thoại Kazuyoshi Miura, cầu thủ đạt kỷ lục cao tuổi nhất thế giới vẫn tiếp tục ra sân thi đấu ở tuổi 50.
Vậy động lực nào, nguồn sức mạnh nào đã tiếp thêm năng lượng để Kazuyoshi Miura tiếp tục đá bóng trên sân cỏ đầy nhiệt huyết và khát khao đến thế? Hãy cùng Japo tìm hiểu về cuộc đời của vị cầu thủ huyền thoại này nhé.
Năm 1967, Kazuyoshi Miura sinh ra ở vùng Shizuoka, nơi mà môn thể thao bóng đá rất được ưa chuộng. Miura chơi bóng cho đến khi lên trung học phổ thông thì nghỉ học, một mình chuyển đến sống ở Brazil. Dù đã ký hợp đồng với một đội bóng nhưng do thân hình thấp bé, lại không có một tài năng nào đặc biệt nên Miura đã tiếp tục niềm yêu thích bóng đá trong sự khổ cực luyện tập vất vả.
Đã từng có lúc ông muốn bỏ cuộc về lại Nhật Bản nhưng nhìn những đứa trẻ sống ở khu ổ chuột vui vẻ chơi bóng đá tại công viên, Miura lại tiếp tục cố gắng.
“Chúng (chỉ những đứa trẻ) không có giày đẹp, chơi bóng tốt mà vẫn hăng say như vậy.
Mình vừa có giày tốt, bóng đẹp thì tại sao cứ phiền não vì những chuyện không đâu?”
Cuối cùng vào năm 1987, Miura đã trở thành người Nhật Bản đầu tiên tham dự trận đấu chuyên nghiệp toàn quốc ở Brazil.
Cứ như thế, một thiếu niên 20 tuổi mang tình yêu, niềm đam mê với bóng đá, một mình cố gắng nơi đất khách quê người, đã dần trưởng thành, đứng trong hàng ngũ cầu thủ chuyên nghiệp tại Brazil.
Đến năm 1990, Miura trở về Nhật Bản khi nhận thấy giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (viết tắt là J.League) sắp tổ chức vào năm 1993. Và ông đã giành chiến thắng với thành tích tuyệt đối ở mùa đầu tiên.
Năm 1994, Miura chuyển đến Ý, trở thành cầu thủ Châu Á đầu tiên chơi ở Seria A.
Kết thúc hợp đồng 1 năm với Seria A, ông quay lại Nhật Bản, trở thành vua phá lưới ở J.League.
Tiếp theo đó, Miura ký hợp đồng với A.League ở Australia rồi lại quay về Nhật, cứ lặp lại như thế và tuổi đời của ông ngày càng nhiều. Ông tiếp tục cuộc phiêu bạt ở khắp thế giới cho đến năm 2005, Miura về hẳn Nhật Bản, gia nhập Yokohama FC và từ đó đến nay, ông không chuyển CLB nữa.
Điều hối tiếc nhất trong cuộc đời thi đấu bóng đá của Miura là chưa từng góp mặt tại một kỳ World Cup nào.
Kazuyoshi Miura đã từng đến Hồ Chí Minh vào năm 2011 cùng với cầu thủ bóng đá Hàn Quốc Park Ji Sung và một số người khác để tham dự trận đấu giao hữu từ thiện với đội Navibank Saigon trên sân Thống Nhất.
Với một cầu thủ bóng đá, điều đáng sợ nhất chính là thời gian. Nó làm bào mòn thể lực, khiến con người yếu dần theo năm tháng. Dù còn sức khỏe nhưng sự khắc nghiệt, những chấn thương phải chịu trong môn thể thao này khiến cho trên thế giới hiếm có cầu thủ nào trụ được ngoài 30 tuổi.
Thế nhưng, năm nay Kazuyoshi Miura vừa đón sinh nhật 50 tuổi và sẽ tham dự mùa giải J.League tiếp theo với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp. Một trường hợp độc nhất vô nhị trên thế giới và đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness là cầu thủ bóng đá cao tuổi nhất.
Có thể ông không nổi tiếng như cầu thủ Ronaldo nhưng với người dân đất nước Mặt trời mọc.
Miura là một tượng đài bất khuất, không từ bỏ lòng yêu say mê bóng đá, sự nỗ lực kiên trì vượt thời gian.
Chứng minh rằng một con người bình thường cũng có thể làm nên điều phi thường chỉ cần có tình yêu và nghị lực.
Kengo Abe
Thần đồng bóng đá 12 tuổi Nhật Bản
Nhật Bản và môn thể thao “vua”
Cầu thủ Shoya Nakajima chỉ cao 1m64 nhưng có lối đá rất khó chịu