Những điểm đặc biệt trong phong tục Tặng Quà ở Nhật Bản

Ở Việt Nam, người ta chỉ tặng quà vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, quốc tế phụ nữ, kỷ niệm ngày cưới và đối tượng thường là người thân, bạn bè. Nhưng với đất nước Nhật Bản, việc tặng quà đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc biệt, là phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Và số lần tặng của người Nhật cũng nhiều nhất so với những nước khác, từ các ngày lễ như Valentine, giáng sinh đến các dịp như mừng sinh con, tốt nghiệp, nhập học, lễ trưởng thành, đậu kỳ thi lên lớp, kết hôn, đi công tác về…

Không nói quá khi bảo rằng người Nhật rất thích tặng quà. Đó như là một cách thể hiện sự yêu mến và kính trọng lẫn nhau, cũng như để xác định các mối quan hệ xã hội.

Image of Japanese style gift

Trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển,  hợp tác làm ăn, kết bạn với người Nhật, tình trạng du học, xuất khẩu lao động ở nước bạn ngày càng nhiều thì việc hiểu nét văn hóa của họ là điều cần thiết. Trong bài viết này, Japo xin giới thiệu một số điểm đặc biệt trong phong tục tặng quà ở Nhật Bản.

Được tặng quà nhất định phải đáp trả lại

Ở Nhật khi được tặng quà thì người nhận sẽ tìm dịp thích hợp để đáp trả lại, là chuyện bình thường. Dù người tặng có nói “không cần trả lại đâu, không cần khách sáo làm gì” nhưng chỉ trừ trường hợp quá thân thiết, còn lại phải mua quà đáp lễ là quy luật “ngầm” mà ai cũng biết.

Có khá nhiều người nước ngoài không hiểu điều này do phong tục tặng quà nước họ chỉ đơn giản là ở “tấm lòng”, không nhất thiết phải đáp lại. Còn người Nhật thì vừa trao “tấm lòng thành” của mình và phải có nghĩa vụ đáp lại tấm lòng đó, là một trong những điểm độc đáo của họ.

Omiyage (quà lưu niệm)

Nếu bạn làm trong một công ty Nhật Bản thì sẽ thấy, mỗi lần người Nhật đi công tác hoặc du lịch về đều mua quà lưu niệm tặng cho nhân viên. Dù chỉ là bánh kẹo nho nhỏ nhưng đó thể hiện một nét văn hóa đáng quý của người dân đất nước Mặt trời mọc.

Việc đi chơi xa mua quà về không phải là không có ở những nước khác nhưng nó chỉ giới hạn với bạn bè, người thân thiết trong gia đình. Còn người Nhật, họ mua cả cho những người cùng làm việc với mình.

Cách chọn Omiyage cũng rất đặc biệt. Họ thường chọn những món dễ phân chia như kẹo, bánh (còn gọi là Kubarimiyage), tránh tình trạng thiếu phần. Nên các quà lưu niệm ở cửa hàng tại Nhật đa phần là hộp bánh kẹo được chia rõ ràng như hộp 6 cái hoặc 10 cái…

Trọng hình thức hơn nội dung

Một trong những điểm độc đáo khác ở phong tục tặng quà của người Nhật Bản là phần gói quà. Họ rất cầu kỳ và kỹ lưỡng trong việc chọn giấy gói cho đến cái ruy băng, vì với họ, hình thức món quà đẹp thể hiện tấm lòng và sự kính trọng với người được tặng. Nó còn cho thấy nghệ thuật văn hóa giao tiếp rất tinh tế của người Nhật.

Có những món quà nhìn cách gói tuy đơn giản nhưng lại toát lên một vẻ đẹp kỳ lạ, giản dị mà sang trọng, hệt như con người Nhật Bản vậy.

Nên khi nhận quà đừng vội vã bóc lớp giấy ra mà hãy trân trọng nó, vì đó là cả một tấm lòng gửi gắm bên trong.

Lúc nào cũng nói “đây chỉ là chút quà nhỏ, không đáng gì…”

Câu cửa miệng của người Nhật khi tặng quà là “Tsumaranai mono desuga…” (tạm dịch “đây chỉ là chút quà nhỏ…”). Mặc dù giá trị món quà bên trong không lớn nhưng họ vẫn nói lời như vậy để không làm người nhận cảm thấy bối rối, áp lực. Luôn nghĩ đến cảm giác của đối phương là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Nhật.

Vì vậy, hãy học cách nói những câu này khi tặng quà cho họ nhé! Đảm bảo họ sẽ ngạc nhiên và thấy vui lòng đấy.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu thêm nữa về một phong tục tốt đẹp ở người Nhật Bản, để khi sang đó du học hoặc làm việc sẽ không phải bỡ ngỡ và dễ dàng nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa của họ.

Kim Ngân

Sử dụng Nến Rousoku là một nghệ thuật của người Nhật

Furoshiki- Chiếc khăn “thần kỳ” của người Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: