Kỳ lạ tình yêu đồng giới của Samurai thời Edo
Samurai được xem như là biểu tượng tinh thần, niềm tự hào của người dân đất nước Mặt trời mọc, hiện lên với hình ảnh dũng mãnh, kiên cường và trung thành với bề trên. Nhưng xét cho cùng, họ vẫn chỉ là những con người bình thường có cuộc sống riêng tư như bao người khác.
Và ít ai biết một điều rằng, vào thời kỳ Edo (từ năm 1603 đến năm 1868) thịnh hành trào lưu tình yêu đồng giới nam, không chỉ ở tầng lớp Samurai mà ngay cả lãnh chúa Tokugawa, người thống trị Edo cũng mắc phải. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Một trong những lý do dẫn đến hiện tượng này được cho là xuất phát từ sự bất mãn đối với chế độ hôn nhân.
Thời Edo, đối với nhiều Samurai, kết hôn vì tình yêu chỉ là một giấc mơ xa vời, việc thấy mặt đối tượng kết hôn vào đúng ngày cưới là chuyện bình thường.
Họ phải chịu sự sắp đặt của bố mẹ để lấy người mình không yêu; đối với họ, kết hôn chỉ đơn thuần là nghĩa vụ mà các Samurai phải đảm nhận để thực hiện việc duy trì nòi giống. Nên nó như bị vẩn đục bởi những mưu đồ, mục đích cá nhân.
Vì vậy, với họ thứ tình yêu thuần khiết, không chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài chính là tình yêu đồng giới giữa các Samurai. Họ có thể tự do qua lại với người cùng giới để thỏa mãn nhu cầu sinh lý và cảm xúc mà không chịu sự phê phán nào.
Đến đây sẽ nảy sinh một câu hỏi: tại sao tình yêu đồng giới không chịu sự phê phán của người dân?
Nó liên quan đến một lý do khác nữa đã thúc đẩy các Samurai rơi vào con đường đồng tính luyến ái, chính là nhờ Thần giáo (Shinto) và Đạo giáo. Cả hai tôn giáo đều đóng vai trò quan trọng và phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ Edo.
Thần giáo giữ một ý thức rất tích cực về tình dục, nên dù là quan hệ nam nữ hay đồng tính, chỉ cần có tình dục đều được xem là chuyện bình thường.
Còn Phật giáo, thời Edo có không ít con em của các Samurai được gửi vào đào tạo tại đền chùa. Mà ở chốn linh thiêng ấy thường nghiêm cấm tơ tưởng đến nữ giới, cho rằng “nữ giới là sự tồn tại dơ bẩn”.
Vì vậy chuyện yêu đương với nam giới không trở thành cái tội nên được chấp nhận và cho phép. Thậm chí ở các tu viện Phật giáo còn lưu truyền các tác phẩm nói về mối quan hệ đồng tính nam giữa các Samurai như Hagakure.
Nguồn: Japaaan
Chính vì ảnh hưởng của hai tôn giáo đó mà tình yêu đồng giới không bị phán xét, ngăn cấm, ngược lại còn được cho là “thuần khiết” so với tình yêu nam nữ. Từ tầng lớp cao quý như Lãnh chúa, Tướng quân đến các võ sĩ thấp hèn, phần lớn đều rơi vào con đường “nam sắc” (tên gọi của đồng tính nam).
Nhắc đến Lãnh chúa phải kể đến Mạc phủ Tokugawa thống trị thời Edo. Trong số đó có Tokugawa Iemitsu, cháu của Tokugwa Ieyasu, nổi tiếng với giai thoại “có tố chất nam sắc từ thời ấu thơ”.
Có tư liệu cho rằng, ngay từ nhỏ ông đã rất thích xem biểu diễn Kabuki của các nam diễn viên trẻ tuổi và thường hay trang điểm cho bản thân đẹp lên rồi bắt chước các điệu nhảy trong đó.
Theo sách “Tokugawa Thực Kí”, năm 16 tuổi, ông có người tình là Sakabe Gozaemon, người hầu cận và cũng là người bạn thời thơ ấu của ông. Nhưng khi nghe tin đồn Sakabe có mối quan hệ bất chính với người khác, vốn tính ghen tuông bậc nhất, ông đã ra tay sát hại khi hai người đang ở trong bồn tắm vào năm 20 tuổi.
Và đó là bắt đầu cho con đường rơi vào “tình yêu đồng giới” của Tokugawa Iemitsu cùng nhiều người tình khác. Ông không có hứng thú với nữ giới và người vợ ông lấy về chỉ đơn thuần vì mục đích chính trị.
Tình hình diễn biến đến mức, nếu cứ tiếp tục thế này, gia tộc Tokugawa sẽ không có người nối dõi, buộc vợ của ông đã phải nhờ đến một mỹ nhân từ Kyoto có nét mặt gần giống với nam giới để gây hứng thú với Iemitsu.
Nếu không nhờ người phụ nữ đó thì sẽ không có Tokugawa Ietsuna, Tokugawa Tsunayoshi trong lịch sử.
Qua bài viết này, ta có thể thấy tình yêu đồng tính đã xuất hiện từ rất sớm ở Nhật Bản và không phải là chuyện lạ lùng, đáng bị phê phán. Hiện tại cứ 100 người lớn là có 5 người đồng tính, tức chiếm khoảng 5%.
Nhưng chủ đề này vẫn vô cùng nhạy cảm và chịu cái nhìn soi mói, áp lực của xã hội. Dù đã có nhiều cuộc hôn nhân đồng tính được chấp nhận nhưng đất nước này vẫn cần nhiều động thái hơn nữa để cái nhìn của người dân về vấn đề đồng tính trở nên thoáng hơn như tổ tiên của họ.
Kim Ngân
Nhật Bản: 40% thiếu niên đồng tính và song tính từng bị bắt nạt