Gần 750 tỉ đồng và bất ngờ về lòng tham lam của người Nhật

Từ những con người bình thường

Con người là một thể hợp nhất phức tạp đa dạng và tính cách là trong những số đó. “Chín người, mười ý” là câu mà người ta vẫn thường dùng, khi nói về sự khác nhau giữa các cá nhân trong một tập thể xã hội.

Vâng, có lẽ nhiều dân tộc trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã nghe nhiều về những đức tính tốt đẹp của người Nhật như lễ phép, lịch sự, cần cù, ý thức cao… Vậy còn lòng tham thì sao?

Môi trường giáo dục từ bé

Việc gì cũng có cơ sở, đường lối đúng đắn, thực hiện một cách hệ thống và cần một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt và việc “trồng người”.

Cách đây hàng trăm năm, nền giáo dục nước Nhật đưa ra tiêu chí “người tốt đi trước, người tài đi sau”, qua đó cho thấy việc giáo dục nhân cách mới là ưu tiên hàng đầu ở quốc gia này.

Điển hình như khi bắt đầu vào mẫu giáo thì trẻ em Nhật được thầy cô dạy những qui tắc ứng xử cơ bản, đặc biệt là bài học về lòng tham và cách làm thế nào để kiểm soát được “ham muốn vật chất” của bản thân. Các giáo viên còn dạy cho bé cách tưởng tượng, đặt mình vào vị trí của người khác khi gặp một sự mất mát, để các em hiểu được cảm giác đó mà ý thức về những hành động của bản thân.

Một vị cảnh sát Nhật đã nói 1 cách vui vẻ như thế này: “Trong suốt sự nghiệp, tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp các em bé nhặt được của rơi mang đến giao cho đồn cảnh sát, trong số những món đồ đó, có nhiều thứ quí giá như tiền, đồ trang sức… Cũng có những thứ không hề đáng giá, chẳng hạn như cái móc khoá, tai nghe… Nhưng điều quan trọng là tôi cảm thấy rất vui khi nhìn thấy hình ảnh đó, mỗi lần như thế tôi đều cho chúng kẹo như một sự trao đổi và tất nhiên các em đã rất vui vẻ”.

Những con người trong xã hội

Theo thống kê mới đây, chỉ tính riêng ở Tokyo thì tổng số tiền mặt của mọi người bị đánh rơi mà sở cảnh sát nơi này đã nhận lại được là 3,76 tỉ yên (khoảng 750 tỉ đồng), ngoài ra còn có vô số các món đồ cá nhân khác như túi xách, áo, điện thoại… Chỉ cần nhìn vào những số liệu thống kê, bạn cũng có thể phần nào hiểu được sự thật thà, cũng như lòng tham lam của người dân nơi đây như thế nào rồi đúng không?

Pháp luật Nhật có qui định gì?

 

Luật nhặt của rơi ở Nhật được ban hành hơn 100 năm về trước, nhưng vào tháng 12.2007 chính phủ nước này đã tiến hành chỉnh sửa thời gian bảo quản của rơi từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.

Lý do của việc thay đổi này là do, số của rơi được giao nộp cho cảnh sát tăng lên theo mỗi năm. Năm 2006 có 12,22 triệu (số lượng) được giao nộp, tăng 0,7 triệu so với 1 năm trước đó ( 2005), điều này làm tăng đáng kể khối lượng công việc (lập hồ sơ, tìm người mất, bảo quản, trả lại…) của cảnh sát. Thậm chí, những vật không đáng giá như sách, móc khoá… thì cảnh sát giữ 2 tuần là phải xử lý ngay hoặc chuyển đi nơi khác, nếu không sẽ không có chỗ để cất giữ.

Ngoài ra, pháp luật Nhật Bản còn có những quy định về các hình thức thưởng cho người nhặt được của rơi là, bất cứ ai nhặt được tài sản giao nộp cho cảnh sát, thì sẽ được hậu tạ 10% trên tổng giá trị tài sản đó sau khi hoàn trả cho chủ nhân. Nếu trong vòng 3 tháng không tìm được người đánh rơi, thì người nhặt được quyền sở hữu toàn bộ số tiền đó.

Ngược lại, nếu ai cố tình giữ lại số tài sản nhặt được (dù với giá trị nhỏ) mà không giao nộp, khi bị phát hiện sẽ bị cảnh sát kết tội (nặng hay nhẹ tuỳ vào giá trị, hành vi, mục đích) và quan trọng hơn là những người đó sẽ bị một “vết bẩn” trong lý lịch bản thân, cũng như phải đón nhận những ánh mắt không mấy thiện cảm từ những người xung quanh.

Câu chuyện bản thân

Bản thân Tôi cũng đã ít nhất 1 lần được nhận lại món đồ đánh rơi của mình từ cảnh sát. Lúc đó Tôi đi trên một chuyến tàu điện và đã ngủ quên, khi giật mình dậy Tôi vội vàng xuống tàu mà không kiểm tra đồ đạc. Một lúc sau tôi mới phát hiện ví của mình bị mất, sau khi tìm kỹ xung quanh không thấy Tôi đã trình báo với đồn cảnh sát gần đó, đồng thời liên hệ với ban quản lý nhà ga.

Chỉ một ngày sau tôi đã nhận được liên lạc từ cảnh sát là tài sản của mình đã tìm lại được, khi đến nhận đồ Tôi kiểm tra thì thấy tất cả tài sản hoàn toàn đầy đủ không mất thứ gì, cùng những giấy tờ cá nhân.

Tôi đã hỏi thông tin người nhặt để cảm ơn, nhưng cảnh sát bảo rằng người nhặt yêu cầu được giấu tên, cũng như không cần hậu tạ.

Đây có thể là một hành động bình thường của người Nhật nhưng đối với Tôi, ngoài niềm vui nhận lại được tài sản, còn có một sự tôn trọng và khâm phục dành cho những con người ở đất nước này.

Vậy, lòng tham của người Nhật là gì?

Mọi sự vật trên đời chỉ mang tính tương đối và xã hội con người cũng như thế. Tôi không thể khẳng định rằng tất cả người Nhật đều trung thực, không tham lam, nhưng từ các số liệu, những việc nhìn thấy và câu chuyện bản thân thì Tôi nghĩ rằng hầu hết người Nhật đều ý thức, kiểm soát được các hành động và ham muốn của bản thân, đặc biệt là lòng tham.

Nếu nói người Nhật có lòng tham cũng không sai, nhưng không phải là tham lam tài sản người khác, mà có chăng là họ tham công tiếc việc, tham giành trách nhiệm về mình, tham học hỏi, tham phấn đấu mà thôi.

Hải Âu

Người Nhật cúi đầu xin lỗi: Có còn đáng tin?

Toilet và chuyện làm ăn với người Nhật

Tôi lặng người xấu hổ khi nhiều người bạn Nhật nói thẳng “Người Việt sang đây làm gì mà lắm thế, toàn thấy sang trộm cắp”

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: