Tại sao người Nhật không nói được câu “Anh yêu em”?
Bạn có biết “I love you” trong tiếng Nhật nghĩa là gì không?
Aishiteiru
“Anh yêu em”, “Em yêu anh” là những lời yêu ngọt ngào mà các cặp đôi dành cho nhau để biểu đạt tình cảm của mình.
Nhưng với người Nhật, họ hầu như không nói “Aishiteiru” với người yêu thương, vợ hoặc chồng mình. Điều đó làm nhiều người nước ngoài không khỏi thắc mắc, thậm chí nghi ngờ liệu đối phương có dành tình cảm thật cho mình.
Nhưng đừng hiểu lầm, đó chỉ là nét văn hóa đặc trưng của người Nhật mà khi Japo lý giải trong bài này, bạn sẽ không còn cảm thấy thắc mắc mà ngày càng cảm mến hơn con người ở Xứ sở Hoa anh đào này.
1. Vì xấu hổ
Vốn dĩ người Nhật khá kém trong việc bày tỏ thẳng thắn cảm xúc của mình với đối phương.
Nên không ít người cảm thấy xấu hổ mà chần chừ, do dự có nên nói ra hay là không.
Hơn nữa, “Aishiteiru” là một từ rất mạnh mẽ, quyết liệt, không phải nói ra dễ dàng mà cần rất nhiều dũng khí trong đó. Nó cũng khiến người nghe cảm thấy áp lực, ngay lập tức muốn kháng cự, từ chối.
2. So với “yêu” thì “thích” dễ dùng hơn
Trong tiếng Nhật còn một từ khác nữa để biểu đạt tình cảm, đó là Suki mang nghĩa “thích”.
Thật ra, với những cặp đôi có quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết với nhau, cũng có người nói “Aishiteru”.
Nhưng theo đại đa số người Nhật, so với “Aishiteiru”, thì “Suki” nghe nhẹ nhàng hơn và nói như đại văn hào Natsume Soseki từng đánh giá: “Từ Suki rất đẹp, hệt như vẻ đẹp của tình yêu vậy”.
Nên ông thường dùng “Suki” để dịch từ “I love you” chứ không phải “Aishiteiru”.
Khi muốn nhấn mạnh tình cảm hơn nữa thì dùng “Daisuki” nghĩa là “rất thích”. Ví dụ như “Anata ga daisuki” nghĩa là “Anh rất rất thích em”.
Nên trong truyện tranh, anime hoặc phim ảnh Nhật, các nhân vật hay nói “tớ thích cậu” khi tỏ tình với đối phương chứ hiếm khi thấy “Aishiteiru” xuất hiện.
3. “Yêu” là một từ nặng nề làm sao…
Một nguyên nhân khác nữa là từ “Aishiteiru” rất có sức nặng, tương đương khi bạn đi cầu hôn vậy.
Cho nên, nếu chưa xác định thật chắc chắn tình cảm thì người Nhật sẽ không nói từ này.
Vào một thời điểm nào đó, tự người trong cuộc cảm nhận thấy: “Đây rồi. Ngay lúc này!” thì cũng chính là lúc họ sẽ tự nhiên thốt lên “Aishiteiru” (Anh yêu em) với đối phương.
Và diễn tiến tiếp theo có thể là lời cầu hôn đầy lãng mạn.
Chính vì sức nặng như thế, nếu dễ dàng buông câu hỏi “Watashino koto, aishiteiru?” (Em có yêu anh không?) thì sẽ bị cho là đùa giỡn, chưa thật lòng. Các chàng trai hãy chú ý nhé.
4. Hành động minh chứng cho lời nói
Với văn hóa hạn chế biểu lộ cảm xúc thật, người Nhật có xu hướng dùng hành động để chứng minh.
Từng ánh mắt, cử chỉ quan tâm đều cho thấy yêu thương của họ dành cho đối phương. Nên họ mong đối phương có thể hiểu mà không nhất thiết phải nói rõ ra.
Có những người từ lúc hẹn hò cho đến khi kết hôn thành vợ chồng, cũng ít khi nghe thấy lời “Aishiteiru” từ đối phương.
Cùng là người Nhật thì không sao, nhưng nếu kết hôn với người nước ngoài, họ sẽ thắc mắc và hỏi rồi nhận được câu trả lời là “Vì anh/em là người Nhật!”.
Kỳ lạ đúng không nào?
Trái hẳn với người Việt Nam chúng ta, khi yêu là nói rất thẳng thắn, rõ ràng.
Nhưng cũng vì thế mà thứ tình cảm thiêng liêng chất chứa trong câu nói “Anh yêu em”/”Em yêu anh” cũng trở nên tầm thường, hời hợt.
Ngày nay, có những cô cậu mặt còn búng sữa đã thản nhiên buông lời yêu mà chưa chắc đã biết được sức nặng trong từ ngữ đó.
Vì vậy, có lẽ chúng ta nên học tập người Nhật ở điểm: trân trọng lời yêu thương hơn; xác định cho rõ tình cảm và thời điểm rồi mới nói ra.
Kim Ngân