Chú chó hoang và bầy hổ… Những câu chuyện khiến bạn rơi nước mắt
Công viên Sở thú Ueno là vườn thú đầu tiên tại Nhật Bản, mở cửa vào năm 1882, tính đến thời điểm hiện tại nơi này đã tồn tại hơn 130 năm.
Trải qua khoảng thời gian dài cùng với chiến tranh, nơi này có lúc tưởng chừng như đã bị phá huỷ hoàn toàn bởi bom đạn của quân đội Hoa Kỳ trút xuống khu vực Tokyo, thế nhưng may mắn thay là chúng (những con vật) đã vượt qua được, cùng với đó là những câu chuyện cảm động đi vào lòng người, đã gắn bó cùng với vườn sở thú này.
1. Chú chó hoang và đàn hổ con
Năm 1958, một cặp hổ là Wan (đực) và Shufu (cái) được chuyển đến từ Vườn thú Thượng Hải, chúng có tình cảm rất thân thiết với nhau. Sau hơn 10 năm chung sống, cặp hổ này sinh sản 12 lần, tổng cộng 43 chú hổ con đã được ra đời.
Tuy sinh sản rất nhiều, nhưng ở lứa đầu tiên vì sức khoẻ yếu, nên hổ mẹ đã không thể chăm sóc được con của chúng.
Lúc bấy giờ, mọi thứ không được tiên tiến như hiện nay, sữa bột cho động vật không phổ biến, sữa bò và sữa dê cũng không đủ để nuôi đàn hổ con khôn lớn, vì thế những người quản lý vườn thú đã đưa ra một ý tưởng chưa từng có trước đó là tìm cho bầy hổ con một “vú nuôi”.
Bingo là một chú chó hoang được mọi người tìm thấy và mang về sở thú chăm sóc, hoàn cảnh của nó cũng rất tội nghiệp, những đứa con của nó đã chết ngay sau khi sinh.
Nhân cơ hội này, những người quản lý sở thú đã ghép “những mảnh đời bất hạnh” lại với nhau, chú chó hoang cùng đàn hổ con.
Cứ tưởng việc này sẽ khó khăn, nhưng ngược lại rất thuận lợi, Bingo không những chịu cho đàn hổ bú, nó còn âu yếm liếm sạch những chú hổ chẳng khác gì những đứa con của chính nó.
Một thời gian ngắn sau, bầy hổ lớn nhanh như thổi và tất nhiên là to hơn hẳn “mẹ chó” của chúng. Mặc dù vậy, lúc nào những chú hổ cũng xem Bingo như mẹ của mình, và luôn nấp sau lưng của mẹ mỗi khi cảm thấy sợ hãi và không an toàn.
Khi đám hổ con đến tuổi trưởng thành, người ta bắt buộc phải tách chúng khỏi Bingo, chúng được đưa đến những công viên sở thú khác nhau.
Còn mẹ chó thì được một gia đình yêu động vật nhận về nuôi và qua đời 16 năm sau đó.
2. Tình cảm chú voi và người huấn luyện
Cũng trong khu vườn sở thú này, đã từng xảy ra trường hợp một chú voi trưởng thành to lớn, bị những chú voi khác đánh, đuổi và húc văng ra khỏi chuồng.
Sau khi ra ngoài chú voi đã đi khắp nơi, làm mọi người xung quanh phải hốt hoảng và lo lắng.
Lúc này lực lượng bảo vệ an ninh đã được huy động, họ đã lên kế hoạch sẵn sàng bắn hạ chú voi, nhưng những người trong sở thú đã xin thêm thời gian để liên hệ với một người tên là Ochiai.
Ochiai vốn là người huấn luyện và dạy dỗ chú voi này từ bé, nhưng lúc này ông đang bị bệnh ung thư và nằm điều trị trong bệnh viện.
Mặc dù khi nghe tin, các bác sĩ khuyên ông không nên ra ngoài nhưng ông đã quyết định đi đến sở thú gặp chú voi, vì ông không muốn nó bị bắn.
Sau khi đến nơi, Ochiai tiến lại gần và mắng chú voi rằng “Như vậy là không được, phải biết nghe lời chứ”.
Sau lời nói đó, chú voi đã không còn hung hăng, nét mặt dịu xuống tỏ ra vẻ ân hận, và 10 phút sau chú đã lẳng lặng đi về chuồng mà không cần phải dùng đến bất cứ biện pháp gì cả.
Về phần Ochiai, không biết chuyến đi đến sở thú có làm sức khoẻ yếu hơn hay không nhưng ông đã qua đời 8 ngày sau đó.
Ueno không những là sở thú lâu đời nhất ở đất nước Mặt trời mọc, mà nơi đây còn gắn liền với những câu chuyện cảm động đầy nước mắt của các loài động vật.
Bạn có biết, động vật cũng có tình cảm không?
Kengo Abe
Sở thú Nhật tiêu hủy 57 con khỉ mang gien ‘sinh vật ngoại lai’