Quốc hoa của Nhật Bản có phải là hoa anh đào?

Nói đến Nhật Bản, người ta thường nghĩ đến hoa anh đào. Hoa anh đào mang trong mình ý nghĩa về tinh thần và sức mạnh của người dân đất nước mặt trời mọc.  Loài hoa mỏng manh nhưng kiên cường và đầy quyến rũ ấy còn đại diện cho tinh thần võ sĩ đạo bất khuất, kiên trung. Không chỉ vậy, du khách năm châu thường biết đến Nhật Bản với cái tên “xứ sở hoa anh đào”. Có lẽ chính vì vậy đã khiến nhiều người hiểu lầm rằng hoa anh đào chính là quốc hoa của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong Hoàng thất hay pháp luật, loài hoa đảm nhận vai trò cao cả ấy chính là hoa cúc – loài hoa biểu tượng cho sự đầy đặn, phúc hậu và bản chất tốt đẹp.

Huy hiệu hoàng gia Nhật Bản, còn được gọi là Cúc Văn (kikumon), Cúc Hoa Văn (kikukamon) hoặc Cúc Ngự Văn (kikunogomon), là một huy hiệu được Thiên hoàng cùng những thành viên trong hoàng thất Nhật Bản sử dụng, và cũng là quốc huy của nước Nhật Bản hiện đại kể từ năm 1867. Huy hiệu là hình ảnh một bông hoa cúc màu vàng có viền màu đen, cấu trúc gồm một hình tròn nhỏ làm tâm được bao bọc bởi 16 cánh hoa thuộc lớp trước, và ẩn bên dưới là 16 cánh hoa lớp sau được xếp xen kẽ và được vẽ dưới dạng những đường vân tròn.

Huy hiệu Hoàng gia Nhật Bản

1. Hoa cúc vàng

Hoa cúc vàng có danh pháp là ‘Chrysanthemum’ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạpchrysos nghĩa là ‘vàng’ và anthemon nghĩa là ‘hoa’, do Carl von Linné đặt vào năm 1753. Hoa là những cây lâu năm hoặc cây bụi dạng thảo mộc. Lá cây xếp xen kẽ, chia thành nhiều lá chét thường có mép hình răng cưa. Cụm hoa phức gồm một dãy đầu hoa hoặc một đầu hoa đơn độc. Đế hoa được bao phủ bởi các lớp lá bắc.

Hoa cúc đại diện cho mùa thu ở Nhật Bản

Hoa cúc Nhật Bản hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại Trung Hoa đại lục, loài hoa này gắn liền với một truyền thuyết cảm động. Chuyện kể về một cô bé hiếu thảo đi khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cảm động trước tấm lòng của em, Đức Phật đã tặng cô bé một bông hoa thần dược giúp chữa khỏi bệnh cho người mẹ. Theo lời dặn của Đức Phật, mỗi năm hoa sẽ rụng đi một cánh, bông có bao nhiêu cánh thì người mẹ sẽ sống được bấy nhiêu năm. Tuy nhiên, hoa chỉ có 5 cánh. Thương mẹ, cô bé đã xé nhỏ từng cánh hoa cho đến khi không còn đếm được bông có bao nhiêu cánh. Bà mẹ nhờ đó mà sống đến trăm tuổi bên người con hiếu thảo. Bông hoa vô số cánh đó được người đời gọi là hoa cúc. Loài hoa biểu tượng của sự sống, ước mơ trường tồn này đã theo chân các sứ giả, học giả du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản cách đây khoảng 1 000 năm.

Hoa cúc vàng được trồng đầu tiên ở Trung Quốc để làm thảo dược từ thế kỷ 15 TCN. Ban đầu cây có hoa nhỏ và màu vàng, sau nhiều thế kỷ gieo trồng, số lượng giống đã tăng lên đáng kể. Sách viết về hoa cúc thời nhà Tống ghi chép được 35 giống, đến thời nhà Nguyên đã tăng lên thành 136 giống. Sách ‘Bản thảo cương mục’ thời nhà Minh liệt kê hơn 900 giống cúc. Ngày nay đã có hơn 3 000 giống ở Trung Quốc. Giống hoa cúc biểu tượng cho Nhật Bản là Atsu-mono hay còn được biết đến với tên gọi Hậu vật cúc. Nó thuộc loại đại cúc, mỗi bông có khoảng 300 cánh hoa, các cánh hoa ở dạng hình cong hướng lên phía trên, chúng xếp tuần tự lên nhau tạo thành môt đóa hoa to tròn, đầy đặn thể hiện cho sự phúc hậu.

2. Biểu tượng của Mặt trời

Huy hiệu bông hoa cúc 16 cánh cũng chính là biểu tượng của Mặt trời đang tỏa chiếu. Nước Nhật là quốc gia nằm ở vùng cực đông, là nơi đầu tiên đón nhận ánh mặt trời vào mỗi buổi sáng, nên còn được gọi là ‘Đất nước Mặt trời mọc’. Còn theo thần thoại Nhật Bản, tổ tiên của người Nhật là nữ thần Mặt trời Amaterasu (Thiên chiếu đại thần), Hoàng gia Nhật Bản và Thiên hoàng tự coi mình là hậu duệ trực tiếp của bà, chính vì thế mà biểu tượng Mặt trời cũng được long trọng đặt trên lá Quốc kỳ của Nhật Bản.

Quốc kỳ Nhật Bản

3. Hoa cúc vàng trong văn hoá Nhật Bản

Đối với người Nhật, hoa văn hình hoa cúc đã trở nên rất phổ biến và rất được ưa chuộng. Chúng là hình ảnh không thể thiếu để tô điểm cho những chiếc kimono truyền thống.

Họa tiết hoa cúc trên kimono


Những ngôi đền Thần đạo thường dùng Cúc Văn hoặc bổ sung những yếu tố họa tiết khác để tạo thành biểu tượng riêng của mình, nổi tiếng nhất là Đền Yasukuni ở Tokyo.

Mùa thu hàng năm, thành phố Nihonmatsu, tỉnh Fukushima lại tổ chức Triển lãm búp bê hoa cúc tại phế tích Lâu đài Nihonmatsu. Sự kiện văn hóa độc đáo này có lịch sử tồn tại liên tục trong hơn 50 năm qua. Lễ hội tái hiện hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật Bản thông qua những con búp bê hình nhân mặc kimono kết từ hoa cúc. Để có những tác phẩm hoàn mỹ trưng bày trong lễ hội là cả một quá trình lao động miệt mài và sự sáng tạo tích lũy kinh nghiệm của các nghệ nhân làm vườn Nhật Bản. Sự cống hiến của họ đã được cả thế giới công nhận bởi lẽ khi nói đến nước Nhật, người ta thường nghĩ ngay đến hoa cúc – loài hoa được xem là quốc hoa của đất nước Nhật Bản.

Triển lãm búp bê hoa cúc Nihonmatsu
Còn từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, Hội chợ Triển lãm Hoa cúc Kik-ka-ten được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật. Hội chợ triển lãm là cơ hội để những người trồng hoa cúc tranh tài với nhau thông qua sự đánh giá, bình chọn của ban giám khảo. Những cuộc triển lãm hoa cúc được tổ chức thường xuyên để mọi người cùng bình phẩm, chọn ra các giống hoa đẹp nhất. Đó cũng là động lực thúc đẩy nghề trồng hoa cúc phát triển.

Triển lãm búp bê hoa cúc

4. Trở thành biểu tượng quốc gia

Vào thời Heian, thế kỉ thứ 8, hoa cúc được xem là loài hoa cao quý, tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp và sự trường thọ. Chúng chỉ xuất hiện trong cung đình và các gia đình quý tộc. Giới quý tộc thời kỳ này có thói quen trồng hoa cúc trong vườn nhà nhằm cầu mong sự thịnh vượng, bách niên và lòng hiếu thảo của con cái.

Thiên hoàng Go-Toba
Vào thế kỉ thứ 9, hoàng gia Nhật Bản khởi xướng lễ hội trưng bày hoa cúc Kiku no Sekku. Lễ hội diễn ra vào ngày 9 tháng 9 hàng năm và được duy trì cho đến tận ngày nay. Thiên hoàng Go-Toba trị vì Nhật Bản dưới thời Kama-kura, thế kỉ 12 đã sử dụng hoa cúc làm hoa văn trang trí các vật dụng ưa thích của ông. Bằng chứng là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hình hoa cúc khắc trên thanh kiếm Takana của Thiên hoàng Go-Toba mà họ đã khai quật được. Hình ảnh hoa cúc 16 cánh cũng được sử dụng làm con dấu của Thiên hoàng và Hoàng thất kể từ thời kỳ này.

Thiên hoàng Minh Trị
Sau đó, vào thời Chiến quốc Sengoku, giữa thế kỉ 15, rất nhiều phù hiệu hoa cúc với hình dáng khác nhau được lãnh chúa các địa phương và dòng dõi quý tộc dùng làm vật biểu trưng riêng.

Đến thời Edo, thế kỉ 17, hoa cúc được trồng phổ biến trong dân chúng và trở thành loài hoa rất được người Nhật ưa chuộng.

Vào thời Minh Trị, thế kỷ thứ 19, chỉ riêng Thiên hoàng mới có quyền sử dụng huy hiệu Cúc Văn. Vì vậy, mỗi thành viên trong hoàng thất dùng các phiên bản Cúc Văn phải có các sửa đổi khác nhau. Ngày nay, các thành viên hoàng thất dùng phiên bản có 14 cánh hoa, trong khi phiên bản 16 cánh hoa được cài trên áo của những thành viên trong nội các.

Theo nationalsymbolss.com

Chàng trai Nhật với tình yêu hoa cúc ở dưới chân núi Langbiang

Những sự thật thú vị đằng sau Quốc kỳ Nhật Bản

Lắng nghe loài hoa yêu thích kể về chuyện tình yêu của bạn

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: