Tìm hiểu các doanh nhân Nhật Bản – Cựu chủ tịch tập đoàn Panasonic

Chắc hẳn chúng ta đều biết Nhật Bản là nước có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới sau Mỹ, Trung Quốc. Xứ sở hoa anh đào phát triển được như bây giờ chính là nhờ vào sự nổ lực của tất cả mọi người. Sau đây là câu chuyện riêng về Konosuke Matsushita – một doanh nhân thành công và là Chủ Tịch tập đoàn công ty sản xuất đồ điện lớn nhất Nhật Bản.

 

Công ty Panasonic ngày này (nguồn internet).

Thời kì khởi nghiệp.

Konosuke Matsushita sinh ra trong một gia đình nông dân đông con. Ngay từ còn bé, Matsushita khởi đầu bằng việc bán than. Sau đó, ông được nhận vào làm “thằng nhỏ” phụ bán hàng trong một cửa hàng bán xe đạp. Từ nhỏ ông đã thể hiện cho mọi người thấy tài năng của một nhà kinh doanh lỗi lạc. Sau vài năm làm việc, Matsushita được lòng tin của chủ cửa hàng.

Một hôm, cậu bé cùng làm với ông ăn cắp đồ trong cửa hàng, ông chủ cửa hàng vì thương tình cậu bé nhà nghèo nên bỏ qua cho. Nhưng Matsushita không đồng tình với ông chủ. “Tôi không thể làm việc chung với một người ăn cắp, như thế tôi đã bị tiếng xấu. Nếu ông không đuổi cậu ta thì tôi sẽ tự đuổi chính tôi”.

Khi trưởng thành, Matsushita nộp đơn thôi việc. Ông suy nghĩ ” Sau này khi giao thông mở rộng, ngành xe đạp không thể phát triển, chỉ có ngành điện mới có thể phát triển”. Sau đó, ông nộp đơn xin vào làm việc tại công ty đèn điện Osaka.

 

Ông Matsushita và vợ ông (nguồn inernet)

Năm 21 tuổi, Matsushita cưới vợ, nhận thấy sức khỏe của mình không được tốt ông nghĩ vợ con ông sẽ sống ra sao nếu ông mất. Năm 23 tuổi, ông xin thôi làm ở công ty đèn điện Osaka, tự đứng ra mở cửa hàng riêng với số vốn chỉ…97 yên.

Đến chiếc áo Kimono, của hồi môn và trang sức của vợ ông cũng lấy làm vốn. Ông miệt mài nghiên cứu và thành công đầu tiên là chiếc đuôi đèn. Sau đó ông xin cấp bằng sáng chế và đó là 1 trong những 5 vạn tấm bằng của ông sau này.

 

Sáng chế đầu tiên của ông Matsushita (nguồn internet)

Với “sứ mệnh chân chính là sản xuất những vật dụng chất lượng cao và phổ biến rộng cho nhân dân Nhật Bản và toàn thế giới” và phương châm “Xây dựng sản nghiệp là yêu nước”, Matsushita đã từng bước khẳng định vị trí của mình trên thương trường.

Đối với công nhân, ông xác định “tuyệt đối không giảm bớt công nhân và tiền lương của họ”, đối với sản phẩm thì “tuyệt đối không hạ giá bán”. Còn đối với bản thân, Matsushita xác định “bất luận trong trường hợp nào cũng không thể để mất đi lòng tự tin”. Những nguyên tắc sống, những phương châm của ông đã tạo nên một con người “khổng lồ”, lỗi lạc, tài ba trong thời kỳ phát triển đất nước.

Năm 1923, ông chế tạo thành công chiếc đèn hình viên đạn có thể hoạt động suốt 40 giờ mà không cần sạc. Lúc này ông gởi thẳng mẫu hàng mới của mình đến các cửa hàng xe đạp và nhận được sự hoan nghênh từ khách hàng.

Năm 1931, tiếng tăm của ông đã vang dội cả nước với 200 loại sản phẩm điện, dụng cụ nối điện, máy thu thanh, pin… Công nhân làm việc dưới sự lãnh đạo của ông đã lên tới con số hơn 1.000 người.

Năm 1935, công xưởng Matsushita trở thành Công ty công nghiệp điện khí Matsushita. Đến năm 1938, ông chế tạo được mô hình máy thu hình đưa công ty của ông lên một tầm cao mới. Năm 1941, công ty của ông trở thành một doanh nghiệp lớn với hơn 10.000 công nhân.

Chiếc đèn có thể hoạt động 40 tiếng đồng hồ không cần sạc (nguồn internet)

Thời gian khó khăn nhất.

Thế chiến thứ 2 bùng nổ, tất cả các công xưởng, thiết bị, công nhân của công ty bị quân đội trưng dụng. Chiến tranh kết thúc, ông mất trắng tất cả, vốn cũng không còn chỉ còn lại cái tên và vài mảnh đất trơ trội. Không những thế ông bị ghép tội giúp quân Nhật tham chiếm do sự dèm pha của các nhà công nghiệp Mỹ.

Sau 3 năm cố gắng giải thích và nhận được sự ủng hộ của công nhân, ông đã được đưa ra khỏi danh sách “tội phạm chiến tranh” và được quyền kinh doanh trở lại. Lúc này ông không có gì cả, phải đi vay nợ để sống. Nhưng những công nhân theo ông trong suốt 3 năm đã cùng ông xây dựng lại sự nghiệp trên mảnh đất hoang tàn.

Năm 1951 là năm ông xây dựng lại sự nghiệp Matsushita của mình. Lúc này ông sang châu Âu và Mỹ, nhưng sự kì thị vẫn còn đối với người Nhật và hàng hóa của họ. Không trùng bước, ông liên kết với hãng Philip của Hà Lan và tập trung nghiên cứu để cải tiến những sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất và dễ sử dụng nhất.

 

Máy thu thanh của công ty Panasonic (nguồn internet)

Ông cho rằng: “Sản phẩm được chấp nhận và hoan nghênh hay không là do những gì chúng ta cung ứng cho nhu cầu của đời sống, thỏa mãn được mọi người. Điều sống còn là chúng ta phải coi trọng chất lượng sản phẩm chứ không hoàn toàn chú ý đến việc tiêu thụ.

Chỉ cần sản phẩm có chất lượng tốt, dù giá có cao hơn một chút, người ta vẫn sẵn sàng mua. “Về phía đại lý, ông cẩn trọng và nghiêm khắc nói. “Đại lí phải là hiệu buôn có uy tín, khiến cho khách hàng cảm thấy an toàn khi mua hàng của chúng ta”.

Matsushita – cái tên vang dội khắp thế giới.

Năm 1960, công ty Matsushita đã là công ty đứng thứ 74 trong 100 công ty lớn nhất thế giới. Hai năm sau, lần đầu tiên trong lịch sử tạp chí Times của Mỹ phá luật in hình ông Matsushita – chân dung của một doanh nhân Nhật Bản, đưa lên trang bìa với dòng chữ “Ông chủ công ty Matsushita, một công ty có tiếng tăm trên thế giới, hàng hóa có chất lượng tốt nhất và sử dụng có hiệu quả nhất”.

 

Ông Matsushita lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Times (nguồn internet)

Trong thời kỳ chiến tranh khắc nghiệt và gian khổ, ông không hề sa thải bất kì công nhân nào. “Mọi người ta lúc khó khăn, rồi lại sa thải người ta lúc thịnh vượng là điều không thể chấp nhận được”. Khi phát biểu trước mọi người tại Hiệp hội các nhà quản lí thế giới, ông nhấn mạnh chữ “nhân” để xác định phát huy sức mạnh nội bộ, đoàn kết cao độ. Ông nói “Trong công ty của chúng tôi, mọi người đều là chỉ huy”.

Về già, ông nhường chức vụ tổng giám đốc lại cho con rể và chỉ đảm nhận chức chủ tịch hội đồng quản trị. Năm 1964, ông ra giúp giải quyết những vấn đề khó khăn của công ty trên cương vị tổng giám đốc.

Sau lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập công ty, ông dành nhiều thời gian cho việc viết sách và phát triển triết lí của mình. Ông có nhiều tựa sách được nhiều người biết đến như “Nước Nhật bên bờ vực”, “Những suy nghĩ về con người”…

Ông còn dùng quỹ cá nhân của mình thành lập nên Matsushita về Chính trị – Kinh tế học, nhằm đào tạo các thợ giỏi và phát triển các nhà lãnh đạo có khả năng biến các ý tưởng đơn giản thành hiện thực, đóng góp vào quá trình tiến bộ và phát triển Nhật Bản.

 

Ông Matsushita đang vẫy tay chào mọi người (nguồn internet)

Konosuke Matsushita trở thành nhân vật tượng trưng cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ của xã hội Nhật Bản. Chính phủ đã trao tặng ông huân chương Mặt trời. Năm 90 tuổi, công ty ông được xếp hạng 19 trong số 100 công ty to lớn nhất thế giới và được Thiên hoàng Nhật Bản trao tặng huân chương cao quý nhất của đất nước – Huân chương Húc Nhật Đại Thụy.

Chủ tịch tập đoàn Panasonic là một trong những doanh nhân thành công nhất nước Nhật được nhiều người kính trọng và biết đến như một người khổng lồ.

Hẹn gặp các bạn vào bài viết lần tới và hãy đoán xem nhân vật mà chúng ta tìm hiều lần sau là ai.

Ashirogi

Hình bóng người phụ nữ bí ẩn đằng sau các doanh nhân hàng đầu Nhật Bản

Giáo dục Nhật Bản: Nhân cách quan trọng hơn kiến thức nhưng thi cử vẫn quyết định tương lai của học trò

Học sinh Nhật Bản dành thời gian học toán nhiều nhất trên thế giới

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: