Bạn biết gì về thể thơ “quý tộc” ra đời sớm nhất Nhật Bản?

Những chiếc lá xanh nảy nở trên cành – đó là cách mà đời sống phát tiết cái đẹp và tình yêu.

Tập thơ đầu tiên trong kho tàng văn học Nhật cũng từ đó mang một cái tên Vạn Diệp tập tức là góp nhặt mười nghìn chiếc lá.

Vạn Diệp tập ra đời vào TK VIII, là tuyển tập được viết theo một thể thơ được xem là mẫu mực và cổ điển của văn học xứ Phù Tang – thể thơ Tanka.

Sách Vạn Diệp tập

Nguồn: revolvy.com

Nguồn gốc

Tanka (Waka: đoản ca, hòa ca) vốn có nguồn gốc là một thể thơ truyền thống ra đời sớm nhất ở Nhật Bản, được ghi chép vào thời Nara. Khởi nguyên của thể thơ này đó là “Cổ ký sự”- bộ sử rất quan trọng của người Nhật ghi lại một huyền thoại kể rằng thần bão tố Susano chính là người đã sáng tạo ra bài thơ đầu tiên gồm 31 âm tiết.

Nguồn:Tanka_burning

Hình thức và ngôn ngữ

Hình thức của Tanka rất ngắn, gồm 5 dòng thơ và 31 âm tiết (theo cách cấu tạo của chữ Nhật). Nó được chia một cách bắt buộc: 5 -7 -5 -7 -7. Với 31 âm tiết, bài Tanka không quá 12 từ nhưng diễn đạt ý tình đều trọn vẹn. Và đó là thể thơ ngắn thứ hai chỉ sau Haiku.

Sở dĩ Tanka được người Nhật yêu thích và sáng tác nhiều hơn Haiku bởi nó không bắt buộc phải có quý ngữ (Kigo). Mặc khác, Tanka còn được gieo vần tự do hơn.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ Tanka là loại ngôn ngữ quý tộc nên được trau chuốt một cách tinh tế, mượt mà, dễ lay động lòng người.

若(わか)の浦(うら)に

潮(しお)満(み)ち来(く)れば

潟(かた)を無(な)み

葦(あし)辺(べ)をさして

鶴(たず)鳴(な)き渡(わた)る

赤(あか)人(ひと)

Trên bờ vịnh Waka

Sóng triều dâng ngập lối

Nhớ thương lau sậy

Một đàn hạc khóc

Bay về phương xa

(Bài số 919 của Akahito)

Đề tài 

Nội dung lớn nhất, đặc trưng quan trọng nhất của Tanka là tiếng nói tình yêu nam nữ. Tanka được coi là thể thơ tình của người Nhật.

Có thể ví những vần thơ Tanka như hình ảnh các nàng Geisha thấp thoáng dưới bóng hoa anh đào: đẹp diễm tình và buồn man mác.

Bước vào thế giới “tao nhã và dịu dàng” ấy, người đọc sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và tình yêu trong tâm hồn con người Nhật, đặc biệt là người phụ nữ.

Khi nhắc đến thể thơ Tanka, người ta thường nhớ đến bóng dáng vĩ đại của nhà thơ Kakinomoto Hitomaro, dù viết về đề tài nào đi nữa thì thơ của ông vẫn đầy sức mạnh trữ tình.

Nguồn: revolvy.com

Một bài thơ của Kakinomoto Hitomaro:

夏(なつ)野(の)ゆく

雄(おし)鹿(か)の角(つの)の

束(つか)の間(ま)も

妹(いも)が心を

忘れて思へ(え)や

人(ひと)麻(ま)呂(ろ)

Trên đồng mùa hạ

Lang thang con nai

Sừng còn nhỏ quá

Cho dù một khắc

Tôi chẳng quên ai

(Bài số 502)

Cái linh thiêng của đời sống nằm trong cặp sừng còn quá nhỏ của con nai tơ bởi vì nó còn phát triển, chắc chắn sẽ lớn lên thành một cặp sừng dũng mãnh, như cỏ cây trên cánh đồng mùa hạ, như tình yêu tôi dành cho em.

Tanka diễn tả mọi cung bậc của tình yêu – yếu tố bản thể, thuộc tính thiêng liêng nhất của con người. Từ những cảm xúc nhẹ nhàng, man mác của tình cảm chớm nở chảy tràn trong tim, đến mãnh liệt, tha thiết như sóng triều dâng, Tanka diễn tả nỗi khắc khoải trong tình yêu khi phải chia xa.

相(あい)思(おも)はぬ

人(ひと)を思(おもう)は

大(お)寺(でら)の

餓(が)鬼(き)の後(しりえ)に

額(ぬか)づくごとし

Người không yêu tôi

Tôi vẫn yêu người

Như kẻ vào chùa

Cầu xin quỷ đói

Cho đến tàn hơi!

(Bài số 608)

Bên cạnh Kakinomoto Hitomaro, còn phải nhắc đến nhiều bậc tiểu thư, quý tộc khác làm nên thành công của Tanka  như công chúa Nukada, Tiểu thư Kasa và Tiểu thư Sakanoe.

Công chúa Nukada

Nguồn: nang-nukata

Komachi – một trong 6 ca tiên, người con gái nổi tiếng tài sắc đến nỗi cuộc đời nàng đã trở thành huyền thoại. Komachi còn là chủ nhân của những bài Tanka diễm tình nhất. Tình yêu của nàng luôn cháy bỏng đam mê. Đó là một tâm hồn đa cảm, khao khát tình yêu, khao khát tri âm, tri kỷ:

Từ khi tôi nhìn thấy

Người tôi mong chờ

Trong một giấc mơ

Thì niềm tin từ đấy

Tôi đặt vào trong mơ”

 Nguồn: sterbapoet.com

Ngoài đề tài tình yêu thì thiên nhiên cũng là một khía cạnh được đề cập đến trong Tanka.

Khác với thiên nhiên trong thơ Haiku thường được nhìn dưới góc độ khách quan, thì thiên nhiên trong Tanka đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của con người. Thiên nhiên là đối tượng để con người ký thác, giãi bày tâm sự.

Vì vậy, thiên nhiên trong Tanka là những bức tranh đẹp diễm tình với vẻ đượm buồn của cảnh, gửi gắm tâm sự của thi nhân về tình yêu và nỗi sầu nhân thế.

Một trong số tác giả viết về thiên nhiên có Pháp sư Egyo:

 “Trong cỏ dại

Mái lều nằm sâu

Giữa niềm cô tịch

Dù không khách viếng

Mùa thu ghé vào”

Bài thơ như một cơn gió dịu nhẹ thoảng qua nhưng chứa đầy thi vị. Hình ảnh “mùa thu ghé vào” “mái lều nằm sâu trong niềm cô tịch” “trong cỏ dại” kia dường như đã thâu tóm được khoảnh khắc linh diệu của đất trời khi có sự hiện diện của mùa thu. Thu đang về trong một mái lều nơi “không khách viếng”, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao sự bí ẩn, diệu kì…

Nguồn: lich-su

Đặc trưng nổi bật nhất, cũng là linh hồn của mỗi bài Tanka chính là chất “Yoji”  (dư tình)  tức là những dư ba của xúc cảm bâng khuâng, xao xuyến, dịu dàng, lắng đọng lại sau mỗi bài thơ. Nó được tạo ra từ những cảm thức thẩm mĩ truyền thống của người Nhật như: Aware, Yugen, Sabi, Wabi…. Quan trọng nhất là cảm thức Aware.

Nguồn: BlogType

Trải qua 13 thế kỉ, đến nay, Tanka vẫn sống trong tâm thức của người Nhật như một biểu tượng của niềm hoài vọng cổ xưa, của tính nữ vĩnh cửu trong văn hóa, văn học. Cùng với Haiku, Tanka là bộ phận quan trọng trong nền thơ Nhật Bản nói riêng và thi ca nhân loại nói chung.

 Tanka như những cánh hoa anh đào kiêu sa nở giữa cuộc đời, chắc chắn sẽ làm say lòng bất cứ ai đến với nó.

Nếu yêu mến văn học Nhật Bản, bạn đừng bỏ qua thể thơ lớn này nhé. Biết đâu, một lúc nào đó, bạn sẽ mượn Tanka để gửi lời yêu thương đến một nửa của mình.

Koibito Yo

Thơ Haiku phiên bản Pháp mở đường cho việc sáng tác Haiku phiên bản Việt

Cuộc sống của quý tộc thời Heian như thế nào?

Người đàn bà đẹp: Định vị trào lưu vai trò nữ quyền đầy thú vị ở Nhật Bản

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: