4 hành vi tham gia tàu điện mà người Nhật rất ghét

Ở Nhật Bản, tàu điện (densha) là phương tiện công cộng phổ biến, quen thuộc nhất trong cuộc sống thường ngày của người dân. Dù đi làm, đến trường hay đi chơi, người Nhật vẫn thường di chuyển bằng xe điện.

Với lượng người dùng đông như thế sẽ không tránh khỏi việc xảy ra những hành vi không mấy “đẹp mắt” khi sử dụng tàu điện, như để điện thoại chế độ âm thanh, nói chuyện ồn ào, ăn uống, vứt rác bừa bãi… Những lỗi ấy ở một mức độ nào đó có thể du di cho qua.

Nhưng có những vi phạm mà người Nhật cực kỳ ghét, gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Trong bài viết này tôi xin kể 4 lỗi điển hình nhất.

1. Chen nhau để giành chỗ

“Tôi từng chứng kiến cảnh người ta chưa kịp xuống tàu thì một chú đã chen lên để giành chỗ trống”, một người dùng Twitter cho biết. Không chỉ chen lấn lúc xe đông mà cả khi bình thường cũng xô đẩy để giành chỗ ngồi. Không chỉ người nước ngoài mà một bộ phận người Nhật cũng mắc phải hành vi không đẹp đó.

 

2. Xô đẩy người để giành lên trước

Hẳn cảnh xô đẩy chen nhau lên xe buýt không phải quá xa lạ với người Việt Nam, nhưng là hành vi rất xấu trong mắt người Nhật. Việc chen lấn trong dòng người đông nghịt khi lên xe không giúp vào nhanh hơn, mà ngược lại càng làm ùn tắc, không di chuyển được, dẫn đến trễ chuyến tàu chạy.

Hành vi này không chỉ người nước ngoài mà ở một bộ phận người Nhật cũng mắc phải. Dù sao đi nữa, nếu có việc quan trọng thì hãy ra khỏi nhà thật sớm, đừng xô đẩy nhau, làm ảnh hưởng xấu đến người xung quanh.

3. Mang balo cồng kềnh lên xe điện

Vào những giờ cao điểm, xe điện đông nghịt người thì việc mang balo to, cồng kềnh trên vai, đặc biệt ở nam giới sẽ ảnh hưởng đến người đứng phía sau.

Nên vào giờ cao điểm, người Nhật thường hạn chế mang hành lý cồng kềnh. Nếu tưởng tượng bạn đi làm về, đứng chen chúc trên xe điện chật cứng, bỗng một người mang balo to bước lên xe làm người càng thêm nghẹt thở. Đó chính là một trong những nỗi “sợ” của người Nhật khi lên xe điện vào giờ cao điểm.

 

4. Đứng bất di bất dịch, không có tinh thần hợp tác

Giả sử trên chuyến tàu đông đúc người, bạn đứng ngay sát cửa  và khi đến ga, cửa mở, người phía sau bạn muốn xuống. Lúc ấy bạn sẽ làm gì?

Rất nhiều người trả lời rằng họ sẽ tạm thời bước xuống để người phía sau thuận lợi ra, rồi bước vào. Nhưng cũng có một số người cứ đứng bất di bất dịch, làm người phía sau chật vật, chen chúc để bước ra. Hành động đó trong mắt nhiều người Nhật là “không biết cách cư xử”.

Vì theo họ, trên chuyến tàu đông đúc, nếu mỗi cá nhân có tinh thần hợp tác, cùng giúp đỡ nhau sẽ khiến chuyến đi dễ chịu hơn, vừa giúp người mà cũng giúp mình.

Trên đây là 4 hành vi mà người Nhật rất ghét khi tham gia tàu điện. Hầu hết đều là những lỗi mà người Việt Nam hay mắc phải. Các bạn du học sinh, thực tập sinh nên lưu ý điều này để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh và mau chóng hòa nhập với văn hóa Nhật Bản.

Kim Ngân

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: