Họa sĩ truyện tranh Nhật Bản – nghề kiếm bộn tiền từ lao động khổ sai

Nói về thế giới truyện tranh, cho đến bây giờ, chưa đất nước nào đánh bại được tượng đài bất diệt mang tên “Nhật Bản” với những bộ truyện huyền thoại như Conan, One Piece, Naruto, Doraemon …

Với sức hút và độ phổ biến như thế, chắc hẳn sẽ có không ít người nghĩ những hoạ sĩ truyện tranh nổi tiếng ở Nhật có mức thu nhập “khủng”, được làm điều mình thích mà không phải lo chuyện cơm ăn áo mặc. Thật là một nghề lý tưởng trong mắt bao người!

Nhưng thực tế, đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Chính vì độ phổ biến và sức hút của truyện tranh Nhật Bản đã khiến ngành nghề này trở nên rất khốc liệt nơi đây. Với thu nhập bấp bênh, hằng năm có hàng trăm đầu truyện của các tác giả vô danh ra đời rồi ngay lập tức biến mất không một dấu vết.

Một trong những lý do là tiền nhận được khi hoàn thành xong bản thảo trừ đi hết các khoản chi cần thiết thì bị rơi vào tình trạng lỗ, nếu truyện không bán chạy sẽ khiến tình trạng thâm hụt liên tục kéo dài.

Không chỉ hoạ sĩ mà các trợ lý cũng rất khổ cực khi đồng lương họ nhận được theo giờ chưa đến 500 yên (ở Nhật lương làm thêm tối thiểu từ 800 yên ~).

Nhưng nghịch lý là dù tác phẩm của mình được yêu thích, bán chạy trên thị trường, họa sĩ vẫn không thể an nhàn hưởng thụ được. Nhiều người vẫn rơi vào tình trạng lao động “khổ sai”, nhất là những họa sĩ vẽ cho các tạp chí xuất bản theo tuần. Họ hầu như không có ngày nào để nghỉ ngơi đúng nghĩa.

Mỗi ngày họ phải nghĩ ra thật nhiều ý tưởng hay trong đầu và đến một giai đoạn nào đó, có không ít người rơi vào chứng trầm cảm.

Bạn tin là có những họa sĩ có đến 3 ngày deadline liên tiếp không? Chuyện này phải kể đến tác giả Tezuka Osamu được biết đến với bộ manga nổi tiếng Astro Boy và Bác sĩ kinh dị.

Vào thời điểm đó, mặc dù chỉ còn 5 ngày là đến thời hạn deadline nhưng trên bàn của ông đã có 8 tập bản thảo. Chỉ mỗi chuyện đó thôi đã thấy quá khủng rồi. Thế mà tôi nghe một họa sĩ khác kể rằng, trên bàn của họa sĩ Osamu đặt 3 bản thảo của 3 truyện khác nhau và ông đã vẽ chúng cùng lúc. Thật quá sức kinh dị!”.

Còn họa sĩ Oda Eiichiro, tác giả bộ manga nổi tiếng One Piece cũng lâm vào tình cảnh lao động “kiệt sức” mỗi ngày. Bạn hãy xem lịch làm việc một ngày của ông như sau:

Thức dậy lúc 5 giờ sáng và bắt đầu làm việc.

Tiếp tục làm việc trong ngày, chỉ có một thời gian ngắn ngắt quãng cho các hoạt động ăn uống.

Đi ngủ lúc 2h sáng.

Như vậy có thể thấy ông chỉ có 3 tiếng để ngủ và đó là lịch làm việc bình thường, chưa tính những lúc bận rộn khiến thời gian ngủ của ông lại càng rút ngắn hơn. Cả khi có được ngày nghỉ hiếm hoi, ông cũng dùng nó để trau dồi thêm kiến thức, tìm ý tưởng cho tác phẩm của mình.

Có thể nói đằng sau ánh hào quang của thành công là sự trả giá đến tận cùng sức khỏe, thời gian cho gia đình. Nhưng đó cũng xuất phát từ tâm huyết, tình yêu của Oda dành cho đứa con tinh thần và không muốn phụ lòng sự mong chờ của độc giả.

Như vậy, họa sĩ truyện tranh là một nghề không chỉ cần sự đam mê, tài năng mà trên hết, nó đòi hỏi nhiều sự hy sinh và lao động cật lực, đầy nhiệt huyết và một trái tim hướng đến độc giả. Để có thể cầm trên tay một quyển truyện tranh lôi cuốn, hấp dẫn là cả bao mồ hôi, nước mắt của người nghệ sĩ.

Kim Ngân

 Đằng sau ánh hào quang của đất nước Nhật Bản đương đại
Bức tâm thư của nhân viên nhà ga gửi đến học sinh tốt nghiệp
Từ văn hóa xe buýt Việt – Nhật, người Việt hãy cảnh tỉnh!
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: