Bạn có biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày sinh nhật lần thứ 60 của mình?

Ở Nhật mỗi bước ngoặc trong cuộc đời của bạn đều được ghi dấu vào những ngày kỉ niệm. Khi vừa mở mắt chào đời, bố mẹ làm lễ đầy tháng để chào mừng bạn đến với thế giới. Từ 3-7 tuổi, bạn sẽ được tham gia lễ Shichigosan. Tiếp đến, lễ thành nhân (Seijinshiki) ghi dấu cột mốc lớn trong sự trưởng thành của bạn, là khi bạn phải tự chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và hành động của mình.

Nhưng bạn có biết, ở Nhật, người ta còn làm lễ kỉ niệm cho ngày bạn được tái sinh. Ngày này rơi vào sinh nhật lần thứ 60 – hay còn gọi là Kanreki (還暦).

Xét về chữ Kanji, Kan (還 – Hoàn, toàn) có nghĩa là sự quay lại, sự trả về còn Reki (暦 – lịch) nghĩa là niên giám, niên lịch. Như vậy nghĩa đầy đủ của Kanreki là sự lặp lại của cuốn lịch, là khi tờ lịch cuộc đời bạn quay trở lại trang đầu tiên. Người Nhật quan niệm rằng vào sinh nhật lần thứ 60, bạn sẽ có cơ hội quay trở lại năm bạn được sinh ra, đồng nghĩa với việc bạn được phép tái sinh một lần nữa.

Nguyên nhân của Kanreki bắt nguồn từ cách người Nhật xưa tính năm dựa trên lịch Mặt trăng thay vì lịch Công giáo. Giống với Việt Nam, lịch Mặt trăng được chia thành 12 năm, tương ứng với 12 con giáp (Chi). Tuy nhiên, 12 con giáp này có chút khác biệt.

12 con giáp ở Nhật bao gồm Ne (子/ Chuột), Ushi (牛/ Bò), Tora (寅/ Hổ), U (卯/ Thỏ), Tatsu (辰/ Rồng), Mi (巳/ Rắn), Uma (馬/ Ngựa), Hitsuji (未/ Cừu), Saru (申/ Khỉ), Tori (酉/ Gà), Inu (戌/ Chó), I (亥/ Lợn).

Bạn đang thắc mắc tại sao chỉ có 12 con giáp đại diện cho 12 năm nhưng phải đợi đến 60 tuổi, lịch Mặt trăng mới lặp lại. Ở đây, bạn phải xét tới yếu tố Can bao gồm Kinoe (甲/Giáp), Kinoto (乙/Át), Hinoe (丙/Bính), Hinoto (丁/Đinh),Tuchinoe (戊/Mậu), Tuchinoe (戊/Mậu), Tsuchinoto (己/Kỉ), Kanoe (庚/Canh), Kanoto (辛/Tân), Mizunoe (壬/Nhâm), Mizunoto (癸/Quý).

Kết hợp 10 Can này với 12 con Giáp, chúng ta được tổ hợp 60. Như vậy, cứ 60 năm, lịch Mặt trăng sẽ lặp lại một lần.

Có rất nhiều quốc gia sử dụng lịch Mặt trăng, bao gồm cả Việt Nam, nhưng chỉ có người Nhật là đặc biệt chú trọng đến cột mốc 60 – lứa tuổi đánh dấu sự lặp lại của cuộc đời.

Còn một lý do nữa khiến tuổi 60 trở thành cột mốc trọng đại trong cuộc đời người Nhật. Trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, độ tuổi trung bình của Nhật Bản là 50, rất hiếm người sống đến 60 tuổi. Tuy nhiên so với nước Nhật ngày nay, 60 tuổi vẫn còn quá trẻ, trung bình một người Nhật có thể sống tới 80 tuổi. 60 tuổi, rất nhiều người Nhật vẫn còn sung sức, có người còn chưa nghỉ hưu. Nhiều người vẫn còn có thể chạy bộ 5-10 km mỗi tuần.

Đó là lý do ở tuổi 60, bạn vẫn còn khỏe mạnh để làm những điều trước kia chưa từng làm.

Vào ngày này, theo như truyền thống, bạn được tặng bộ vest màu đỏ gọi là chan-chanko (ちゃんちゃんこ) – Đây được xem như Kimono cho trẻ em. Ngoài ra, bạn còn được đội mũ đỏ và ngồi trên một chiếc ghế màu đỏ. Người Nhật tin rằng màu đỏ là màu có tính bảo vệ, đó cũng là lý do họ bọc những đứa bé mới sinh trong khăn đỏ để cầu mong sự bình yên cho đứa trẻ.

Thêm một lý do nữa đó là vì thời tiết ở Nhật rất lạnh, màu đỏ đem lại sự ấm áp, sưởi ấm cho những người yếu đuối như trẻ em và người già.

Trải nghiệm được trở thành một đứa trẻ khi đã có tuổi sẽ như thế nào nhỉ? Bạn có tưởng tượng ra không?

60 tuổi, người ta vẫn tin mình có thể một lần nữa quay lại ngày được sinh ra, để được sống một cuộc đời mới. Dù cuộc đời có bình yên phẳng lặng hay sóng gió khó khăn, ai cũng có những luyến tiếc, ai cũng muốn một lần trở về quá khứ để sửa chữa. Nhưng có vẻ như dù cho tờ lịch có lặp lại, thời gian đời người mãi mãi sẽ chẳng trở về. Đó là lý do ngay từ khi còn trẻ, chúng ta nên sống sao cho đừng cảm thấy hối tiếc những ngày đã qua.

Hãy để cho ngày Kanreki trở thành dịp để ôn lại những kỉ niệm chứ không phải là lúc nuối tiếc những gì chưa làm được.

Sachiko

Ám ảnh công việc dọn nhà người già chết trong đơn độc ở Nhật Bản

Không giống bất cứ đâu trên thế giới, người vô gia cư Nhật Bản sẽ khiến bạn sửng sốt

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: