Hoàng tử Nhật học trường bình dân, tự tay cuốc đất khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Hoàng tộc Nhật Bản luôn nhận được sự tôn trọng và kính yêu của mọi người, chính bởi vậy mà lối sống của các thành viên trong Hoàng tộc có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của người dân xứ sở Hoa Anh đào.
Trong nhiều thập kỷ, những công chúa và hoàng tử của nước Nhật đều được hưởng đặc ân từ ngôi trường danh giá dành riêng cho những thành viên Hoàng gia, Gakushuin.
Trường hoàng tộc
Ngôi trường được Nhật hoàng Ninko thành lập vào năm 1947, khoảng cuối thời kỳ Edo tại Kyoto. Tuy nhiên, sau này khi hoàng cung dời về Tokyo, ngôi trường cũng được dời về theo. Ban đầu, luật hoàng gia quy định tất cả những ai thuộc dòng dõi hoàng tộc đều phải theo học tại trường Gakushuin hoặc trường nữ sinh Gakushuin.
Hoàng tử Hisahito được chị của mình giới thiệu về các loại cây rau củ.
Tuy nhiên, quy định đã được bãi bỏ sau chiến tranh và ngôi trường trở thành trường tư thục. Gakushuin gồm hệ thống trường học từ bậc tiểu học đến đại học, có trách nhiệm giảng dạy cho những hoàng tử, công chúa và con cháu của các gia đình dòng dõi Hoàng gia hoặc gia đình quý tộc.
Tại đây, các học viên đều được gọi là “miya sama” (hoàng tử hoặc công chúa). Ngoài ra, ông Motomasa Higashisono, quản lý cấp cao của trường Gakushuin cho biết nhiều học sinh trong trường đều là con cháu của các cựu thành viên Hoàng gia hoặc quý tộc.
Ở những trường như Gakushuin, các thành viên Hoàng gia thường xuyên được nghe những bài giảng được thiết kế riêng cho mình. Ví dụ như Hoàng Thái tử Naruhito từng được nghe những bài giảng về Luận ngữ của Khổng Tử khi ông học tiểu học. Theo quan điểm giáo dục của cha mình, ông cũng được học về những thành tựu và những việc làm của các vị hoàng đế đời trước trong thời gian học trung học.
Lần đầu tiên sau thế chiến
Tuy nhiên, Hoàng tử bé Hisahito không được gửi đến học ở Gakushuin như chị của mình là Công chúa Aiko, mà lại theo học ở một ngôi trường bình dân dành cho tất cả các tầng lớp xã hội, đó là Trường tiểu học thuộc Đại học Ochanomizu ở Bunkyo, Tokyo.
Hoàng tử Hisahito là thành viên nam đầu tiên trong gia đình Hoàng gia thời kỳ hậu Thế chiến II không theo học trường tiểu học Gakushuin. Hoàng tử và Công chúa Akishino tin rằng để trở thành biểu tượng của nhà nước trong tương lai, Hoàng tử bé phải có những trải nghiệm quý báu khi được học tập với những đứa trẻ có nguồn gốc khác nhau và phải hiểu được cảm xúc của những người dân bình thường.
Đây là ngôi trường với bề dày lịch sử, phát triển qua 140 năm, trường đã đóng góp cho xã hội Nhật nhiều thế hệ học sinh, sinh viên ưu tú. Tại Đại học Ochanomizu, chương trình giáo dục tập trung vào 3 nguyên tắc cơ bản: kiến thức, tư duy bình luận và sự khoan dung. Chính nhờ việc bồi dưỡng phẩm chất cá nhân, ngôi trường này trở thành nền tảng để tiếp nhận một nền giáo dục mà ở đó con người không chỉ học kiến thức mà còn học để làm người.
Cho dù là theo học tại bất kỳ ngôi trường nào, dành cho dòng dõi hoàng tộc hay bình dân, tất cả các thành viên Hoàng gia đều đề cao giáo dục đạo đức và nhân cách làm người. Việc giáo dục này được xuyên suốt qua 5 đức tính căn bản mà nền giáo dục Nhật Bản chú trọng trau dồi cho thế hệ mầm non của đất nước.
Những đức tính căn bản
Đầu tiên, đó là sự lễ phép. “Lễ” trong văn hóa của người Nhật thể hiện qua từng cử chỉ. Từ hành động cúi chào đến sự trung thực, tôn trọng bình quyền, tất cả đã gây được ấn tượng sâu sắc về những con người châu Á nhỏ bé với tư tưởng tiến bộ, lớn lao.
Nhật Bản là một quốc gia khiêm nhường, danh vọng không đi chung với quyền lực mà sánh ngang cùng thái độ cung kính và khiêm nhường. Bởi vậy, tất cả các nhân vật trong Hoàng gia ngay từ sớm đã được giáo dục cung cách lễ phép và lịch sự với mọi người xung quanh.
Từ trái qua: Hoàng tử bé Hisahito – Hoàng tử Akishino – Công nương Kiko cùng với Công chúa Aiko.
Thứ hai, giáo dục tại Nhật Bản luôn chú trọng bồi dưỡng năng khiếu của mỗi cá nhân. Ngay từ khi còn nhỏ, Công chúa Aiko đã được học những môn nghệ thuật như thư pháp hay chơi đàn. Sở thích của Aiko là viết chữ Kanji, thư pháp, nhảy dây, chơi piano, violin và làm thơ. Năm 2014, Công chúa và cha biểu diễn trong một dàn nhạc giao hưởng tại Trường đại học Gakushuin.
Thứ ba, tự lập – không làm phiền người khác – là một trong những giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử của người Nhật. Điều này có nghĩa là không làm bất kỳ một cá nhân nào khác phải bận tâm hay cảm thấy phiền phức về những hành vi của mình, kể cả khi đó là một người xa lạ hoặc là chính thành viên trong gia đình. Cũng chính bởi vậy, các em nhỏ người Nhật ngay từ bé đã được bố mẹ rèn luyện thực hành nguyên tắc này từ rất sớm. Có lẽ bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi trông thấy bức hình công chúa hay hoàng tử tại Nhật Bản dù nhỏ tuổi đều phải tự đeo cặp xách hay đi bộ tới trường mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ.
Thái tử Naruhito cho biết ông từng lo lắng Công chúa Aiko có thể nghĩ mình có xuất thân cao quý nên cần đối xử đặc biệt hơn so với người khác. Ông cho rằng việc nuông chiều con cái có thể hình thành trong cô bé suy nghĩ rằng “mình là số 1”. Vì thế, dù Đông Cung cách trường khoảng 15 phút lái xe nhưng Thái tử chỉ đưa con gái tới nơi cách trường 200m thay vì vào tận cổng trường. Theo cách nghĩ của ông, làm như vậy sẽ giúp Aiko ít gây sự chú ý hơn và không có cảm giác được cha mẹ bảo bọc. Bốn vệ sĩ bảo vệ Công chúa cũng không được theo Aiko quá sát.
Thứ tư, biết yêu thiên nhiên. Mỗi dịp sinh nhật của Hoàng tử bé Hisahito là một dịp đặc biệt. Không bánh kem, pháo bông hay bên bạn bè rộn rã tưng bừng mà Hoàng tử bé sẽ được trải nghiệm một ngày khám phá thiên nhiên bên gia đình. Lần sinh nhật gần đây nhất, mừng Hoàng tử bé tròn 10 tuổi, Hoàng tử Hisahito đã cùng gia đình đi thăm ruộng lúa trong khuôn viên Hoàng cung, học cách xới đất và được nghe các chị gái của mình giới thiệu về các loại cây rau củ.
Hoàng tử cuốc đất trong sinh nhật lần thứ 10 của mình
Không như những câu chuyện về những nàng công chúa đỏng đảnh, chàng hoàng tử ngỗ ngược sống trong nhung lụa, xa hoa và lạnh lùng trong phim truyện, câu chuyện đời thực về những thành viên trong Hoàng gia Nhật Bản thật sự đã dẫn nhiều người đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lối sống giản dị, mộc mạc, cung cách nhún nhường, nhã nhặn không chỉ khiến người ta cảm giác gần gũi mến yêu mà thực sự cảm phục.
Có lẽ, cũng bởi lý do này mà Hoàng gia Nhật Bản trở thành nền quân chủ tồn tại lâu đời nhất trên thế giới tính đến nay. Qua đây, người ta cũng nhận ra rằng nguồn cội của lâu bền và yêu thương thật sự là giản đơn và khiêm nhường.
Theo Khánh Ngân/ CSTC
5 điều bí ẩn về Hoàng gia Nhật Bản: Chỉ có tên mà không có họ, nhiều nữ hoàng nhất thế giới
Ngất ngây vẻ đẹp thiên thần của công chúa xinh nhất Nhật Bản
Học được gì từ phong cách ăn mặc của các nàng công chúa hoàng gia Nhật Bản?