Ở Nhật có một ngày là ngày an ủi linh hồn những cây kim bị gãy

Hôm nay ngày 8 tháng 12, được biết đến là ngày Harikuyo (針供養) ở Nhật. Đây là ngày mà những người thợ may, có công việc gắn liền với cây kim sẽ đến Đền và tham gia vào lễ tưởng niệm dành cho những cây kim bị gãy. Trong từ Harikuyo, Hari có nghĩa là cây kim còn Kuyo là lễ tưởng niệm linh hồn của ai hoặc cái gì đó.

Vào ngày này, bạn sẽ thấy nhiều người mang những cây kim gãy đến Đền, cắm vào tofu (đậu hũ), konnyaku hoặc mochi. Với suy nghĩ rằng những cây kim lúc nào cũng phải cố gắng hết sức để đâm sâu vào những bề mặt cứng (vì vậy mà chúng bị gãy), chí ít đến khi ra đi, hãy cắm chúng vào nơi nào đó mềm mại. Đây là cách người dân thể hiện sự biết ơn đến những cây kim. Suy nghĩ này thật đáng yêu đúng không !

Ảnh https://kyo-ya.net/info

Ngôi Đền nổi tiếng cho ngày Harikuyo là Awashima Jinja (淡島神社) ở tỉnh Wakayama, được xem là nơi thờ Thần phụ nữ. Sensoji (浅草寺) ở Tokyo cũng là một nơi khác nổi tiếng cho lễ tưởng niệm các cây kim, nhưng thường tổ chức vào ngày 8 tháng 2 thay vì tháng 12. Những người đến lễ tưởng niệm thường là ngư dân địa phương, sinh viên ngành dệt may hoặc bác sĩ, y tá.

Ảnh https://commons.wikimedia.org/wiki/File:%E9%87%9D%E4%BE%9B%E9%A4%8A.jpg

Tuỳ vào khu vực mà Harikuyo được tổ chức vào tháng 12 hoặc tháng 2. Tháng 12 mang ý nghĩa kết thúc công việc của năm trong khi tháng 2 là thời điểm bắt đầu. Vì vậy nếu bạn đã bỏ lỡ ngày hôm nay, hãy đến những nơi khác vào tháng 2 để có thể trải nghiệm buổi lễ độc đáo này.

Điểm thú vị là ngày này cũng là một ngày quan trọng trong Phật giáo. Ngày 8/12 là ngày mà Phật giác ngộ còn ngày 8/2 là ngày Phật ra đời. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Sau buổi lễ, tất cả các các cây kim đã bị gãy sẽ được chôn cất ở Hariduka (針塚/phần mộ của những cây kim) để chúng có thể yên nghỉ. Không riêng gì kim, ở Nhật có nhiều ngày để tưởng niệm linh hồn đồ vật, nổi tiếng nhất là lễ tưởng niệm búp bê cũ,…do suy nghĩ “vạn vật hữu linh”.

Đồng thời vào ngày Harikuyo, các thợ may sẽ ngừng làm việc để công cụ của họ được nghỉ ngơi. Nhân cơ hội này họ đến Đền, cầu chúc cho một năm may mắn và phúc lành cho công việc của họ được thuận lợi.

Sacchan

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: