Isshou mochi (一升餅) – Nghi lễ cho em bé “cõng” Mochi trên lưng vào ngày thôi nôi có ý nghĩa như thế nào?
一升 (isshou), Shou trong Isshou là một đơn vị đo lường được dùng vào ngày xưa của Nhật, tương đương với khối lượng 1 hộp gạo hoặc muối. Isshou = 1,8 lít. Vậy nên chiếc bánh Mochi mà bố mẹ cho em bé “cõng” sẽ nặng chừng hơn 1 kí. Đối với một em bé có lẽ chừng đây cũng khá là nặng rồi nhỉ.
Ảnh https://japaniseme.com/issho-mochi/
一升 (isshou) trong tên gọi của nghi lễ đọc giống như一生(isshou), có nghĩa là một đời. Vậy nên ý nghĩa của nghi lễ chính là cả đời không bao giờ túng thiếu lương thực.
Có người nói rằng, hình tròn của bánh Mochi tượng trưng cho hòa bình, vậy cũng có thể hiểu là nghi lễ này cầu cho bé một cuộc sống yên bình.
Ngày nay, người ta có thể mua những set Mochi, trong đó bao gồm thêm những hình dán dễ thương, người ta cũng có Set gồm 900g Mochi và 900g gạo, sáng tạo nhưng đáp ứng đúng 1,8 Shou như truyền thống.
Ảnh https://thatjapanlife.com/2021/02/17/japanese-traditions-on-babys-first-birthday/
Theo truyền thống, người ta thường viết 寿 (kotobuki) lên mặt bánh tượng trưng cho sự trường thọ và đủ đầy nhưng sau này người Nhật có trend viết tên em bé lên mặt bánh cũng như có loại bánh Mochi hình trái tim dành cho bé gái. Với set mochi chia ra làm hai nửa kia thì người ta có thể viết cả tên em bé và 寿 (kotobuki) lên bánh luôn nếu thích.
Ảnh https://thatjapanlife.com/2021/02/17/japanese-traditions-on-babys-first-birthday/
Ngày xưa người ta sẽ gói bánh lại trong 風呂敷 (furoshiki) khăn gói truyền thống của Nhật, nhưng thời hiện đại cũng có nhiều lựa chọn hơn, trong Set Mochi người ta mua cũng bao gồm cả một cái túi để đựng bánh. Sau khi bỏ vào túi chắc chắn, bố mẹ sẽ cho em bé “cõng” trên lưng và bò 1-2 bước.
Ở một số nơi, người ta tin rằng nếu em bé có thể “cõng” Mochi và bò đi một cách vững vàng thì chứng tỏ em bé đó có khả năng tự lập sớm. Vì vậy có nhiều gia đình thậm chí sẽ cố tình làm cho em bé không bò vững được để những đứa con bé bỏng của họ đừng rời xa bố mẹ sớm quá.
Ngoài ra, biểu cảm xuất hiện trên gương mặt em bé lúc “cõng” Mochi cũng được xem như một điềm lành.
Bước tiếp theo khi em bé “cõng” Mochi xong là Mochi fumi (餅踏み), người lớn sẽ cho em bé mang waraji (草鞋) giày rơm rồi đạp lên Mochi.
Ảnh https://thewagamamadiaries.com/japans-spartan-baby-tradition-isshou-mochi/
Ngoài ra vào ngày sinh nhật đầu tiên của em bé còn có một nghi lễ mang tên Erabitori (選び取り). Bố mẹ sẽ cho em bé chọn một trong nhiều đồ vật khác nhau, từ đồ vật đó sẽ dự đoán được nghề nghiệp sau này của chúng.
LINH