Câu chuyện về Samurai “số một của Nhật Bản” – Sanada Yukimura

Các bạn có biết người được mệnh danh “anh hùng số một của Nhật Bản” là ai không? Không ai khác, đó chính là Sanada Yukimura. Ông được xem là người đàn ông mạnh mẽ và nam tính hơn bất kỳ người đàn ông nào khác. Yukimura không sở hữu lãnh địa rộng lớn, cũng không phải là người nổi bật nhất trong lịch sử Samurai. Tuy nhiên, câu chuyện về người đàn ông này chắc chắn sẽ khiến cả nữ giới lẫn nam giới phải ngưỡng mộ.

Sanada Yukimura là nhân vật không có thật?

Trước hết, thực ra trong lịch sử không có ai tên là Sanada Yukimura cả. Vị Samurai mà mọi người đều biết đến với cái tên Sanada Yukimura thực chất tên là Sanada Nobushige. Trong tài liệu ghi chép về cuộc đời của ông, không có ai đề cập đến cái tên “Yukimura”.

Sau khi ông chết, vào năm 1672, có một cuốn tiểu thuyết được xuất bản. Trong đó, tên của ông được viết là Sanada Yukimura. Sau đó, điện ảnh, tiểu thuyết, phim truyền hình cũng bắt đầu phổ biến cái tên này. Đến bây giờ, lý do vì sao cuốn tiểu thuyết kia lại dùng tên “Sanada Yukimura” vẫn còn là một bí ẩn. Nói tóm lại, dù cái tên Sanada Yukimura là hư cấu nhưng bản thân Samurai này thì vẫn thật sự tồn tại.

Biểu tượng Rokumonsen

Đây là biểu tượng của gia tộc Sanada có tên là Rokumonsen. Biểu tượng này được trang trí trên mũ giáp sắt của họ. Không chỉ là biểu tượng của gia tộc, Rokumonsen trên mũ giáp sắt còn mang ý nghĩa tâm linh. Ngày xưa, 1 đồng xu có giá trị bằng 1 Mon. Như vậy, 6 đồng xu trong biểu tượng Rokumonsen có giá trị bằng 6 Mon.

https://sanadada.com/719/

Dân gian truyền rằng sau khi chết, con người cần băng qua con sông có tên là Sanzu để đến được thế giới bên kia. Phí để đi thuyền qua sông là 6 Mon.

Đặt sẵn 6 đồng xu lên mũ giáp sắt cũng đồng nghĩa với việc các chiến binh của tộc Sanada sẵn sàng tử trận bất cứ lúc nào.

Quả là tinh thần quả cảm khiến bất kỳ kẻ địch nào cũng khiếp sợ.

Không phản bội dù biết rằng sẽ phải chết

Cho đến giây phút cuối cùng Yukimura cũng quyết hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Totoyomi Hideyori. Ông rất được Toyotomi Hideyoshi trọng dụng và xem như một người trong dòng dõi Toyotomi.

Lúc bấy giờ, anh trai của Yukimura đang cùng chiến tuyến với phe đối lập là Tokugawa Ieyasu. Tokugawa Ieyasu không thật sự cần đến Yukimura nhưng ông ta biết Yukimura là một vị tướng tài giỏi nên đã thử mời gọi Yukimura về cùng phe với mình. Nếu Yukimura đồng ý, ông sẽ tránh được cái chết và được chia cho một phần lãnh thổ rộng lớn. Thế nhưng, Yukimura nhất quyết không quay lưng lại với đồng minh.

Trước khi trận chiến định mệnh nổ ra, Yukimura đã viết một bức thư với nội dung:

“Một thời đại với tương lai mờ mịt

Hãy xem như Yukimura không còn trên thế gian này nữa.”

Thời gian ra trận đã gần kề, Yukimura biết rằng, ông sẽ phải bỏ mạng nơi chiến trường. Dẫu vậy, ông vẫn chọn hy sinh cùng một trái tim tràn đầy tình nghĩa. Cho đến bây giờ, câu chuyện của ông vẫn là câu chuyện độc nhất vô nhị.

Tổng số quân của phe Yukimura và Toyotomi Hideyoshi là 55000 người. Mặt khác, số quân của phe Tokugawa Ieyasu là 155000 người. Nhìn vào sự chênh lệnh này, thật khó để hình dung được kết cục tốt đẹp dành cho quân của Yukimura.

Dẫu vậy, Yukimura vẫn bình tĩnh lập chiến lược. Quân của Tokugawa phải di chuyển một quãng đường dài để chiến đấu. Yukimura dự tính sẽ tấn công bất ngờ vào buổi tối, khi quân của Tokugawa đã kiệt sức. Tuy nhiên, sương mù dày đặc khiến quân của Tokugawa không thể đến nơi như dự tính. Thay vào đó, quân đoàn sử dụng súng của Date Masamune cùng phe địch lại xuất hiện.

Trận chiến giữa súng và kiếm

Tưởng chừng như quân của Yukimura sẽ thua đậm nhưng không. Để tránh bị trúng đạn, Yukimura ra lệnh cho quân đoàn của mình đánh tới và nằm xuống luân phiên. Nhờ vậy, quân của Yukimura là bên chiếm ưu thế hơn. Khi hai bên vẫn đang giằng co, quân của Yukimura được lệnh rút lui và tập trung về bản doanh ở thành Osaka.

Trong tình cảnh đó, phải có người ở lại để cầm chân phe địch và giúp những người còn lại trốn thoát. Những người ở lại cầm chân phe địch được gọi là “Shingari”(những người có tỷ lệ hy sinh cao)

Yukimura đã quay về để thủ thành Osaka. Vì lo sợ và dè chừng trước Yukimura, quân của Tokugawa không dám đuổi theo. Biết được điều này, ông đã hét lên ngay trước mặt Tokugawa rằng: “Có vẻ như trong số 100 Vạn quân của Tokugawa chẳng có lấy nổi một người đàn ông!” Sau khi nghe xong câu này, Tokugawa vẫn không dám manh động.

Được ăn cả, ngã về không

https://www.atpress.ne.jp/news/116141

Mặc dù có sự chỉ đạo tài tình của Yukimura, số lượng quân của phe ông vẫn là một bất lợi rất lớn. Do đó, để lật ngược tình thế, ông chỉ còn cách nhắm vào Tokugawa – “đầu não” của phe địch. Nếu bạn chơi game, chắc hẳn bạn cũng hiểu được việc bỏ qua tất cả các vòng và nhảy thẳng lên để đánh “boss” là một việc không tưởng.

Trong trận chiến này, Yukimura đã ra lệnh cho đội quân Akazonae tinh nhuệ của mình mặc giáp màu đỏ tươi. Thông thường, màu chủ đạo của áo giáp là màu đen, vì vậy bộ giáp màu đỏ của họ trông cực kỳ nổi bật. Đây cũng chính là mục đích của Yukimura. Vì là bên thiệt thòi về số lượng, nên nếu bị phân tán trong chiến trận, quân ông sẽ nắm chắc phần thua. Vì vậy, ông cho quân của mình mặc giáp đỏ để thu hút kẻ thù và tụ về một điểm.

Ngày xưa, đầu của vị tướng càng dũng mãnh, càng nổi tiếng càng có giá trị. Người thành công mang chiếc đầu đó về nhà sẽ trở nên cực kỳ nổi tiếng và nhận được nhiều tiền thưởng. Là vị tướng khét tiếng, đầu của Yukimura có giá trị rất lớn và bị nhiều kẻ săn lùng. Ấy vậy mà Yukimura vẫn quyết định xông trận hàng đầu, điều này đủ thể hiện sự gan lì và gai góc của ông.

Binh đoàn Akazonae bao gồm 3,500 người, bố trận trên một ngọn núi nhỏ. Theo lệnh của Yukimura, họ cùng nhau tấn công và đối đầu với đội quân 13,000 người của phe địch, tiêu diệt nhiều kẻ thù và làm tan rã đội hình của Tokugawa. Nhờ vậy, họ đánh thẳng được vào thành trì của Tokugawa như dự tính. Sợ hãi trước quân đội của Yukimura, nhiều binh lính của Tokugawa tháo chạy. Tuy nhiên, sự chênh lệch về lực lượng vẫn là một trở ngại quá lớn. Dù vậy, Yukimura vẫn quyết tâm tới cùng.

Mặt khác, Tokugawa Ieyasu gần như muốn bỏ cuộc và có ý định thực hiện Seppuku (mổ bụng tự sát).

Trải qua trận chiến kéo dài 3 tiếng, rất nhiều binh lính chết vì kiệt sức. Khi đội quân của Yukimura rút về để nghỉ ngơi, quân lính của phe địch đã tìm thấy và giết chết họ. Không còn Yukimura, không ai có khả năng và sức mạnh để tiếp tục chiến đấu. Quân đội của Totoyomi sụp đổ trong chớp mắt, Toyotomi Hideyori cùng mẹ tự sát. Gia tộc Totoyomi diệt vong. Người con trai 16 tuổi của Yukimura được ông gửi gắm phục vụ cho Hideyori để tỏ lòng trung thành cũng tự sát theo những thành viên còn lại.

Lịch sử không thể nào thay đổi, tuy nhiên, nếu Yukimura có số lượng binh lính gấp đôi, có lẽ ông đã có thể chiến thắng Tokugawa Ieyasu. Một Samurai với trí tuệ và trái tim nồng nhiệt được xem là người anh hùng số 1 của Nhật Bản. Đến tận bây giờ câu chuyện về người đàn ông anh dũng này vẫn làm lay động con tim của biết bao người.

Trong xã hội hiện đại, có lẽ những người sống đạo nghĩa, không màng địa vị và tiền tài, có ơn tất báo như như Yukimura không nhiều, mặc khác còn ngày càng trở nên hiếm hoi. Vì thế càng đọc những câu chuyện anh hùng thế này có lẽ tôi lại càng tiếc thay cho xã hội mà mình đang sống.

Kengo Abe
Xem thêm: