Truyền thống trang trí Tết kiểu Nhật và những điều cần lưu ý

Giáng sinh qua đi cũng là lúc người Nhật dọn dẹp cây thông và những món đồ trang trí lấp lánh để nhường chỗ cho không khí Tết tràn về. Nào là Kagami Mochi (鏡餅), Kadomatsu (門松), Shimenawa (しめ縄) đây là 3 món đồ trang trí cơ bản của các gia đình vào dịp năm mới. Ngay cả người Nhật không phải ai cũng không thật sự hiểu về ý nghĩa của các món đồ này, vì thế thông qua bài viết hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về các kiến thức cơ bản khi trang trí nhà dịp Tết nhé.

Thời điểm bắt đầu và tháo các đồ trang trí là khi nào? 

Có một từ riêng trong tiếng Nhật để chỉ hoạt động trang trí năm mới gọi là Shogatsu Kazari (正月飾り). Năm mới là thời điểm mà người Nhật chào đón vị thần năm mới hay còn gọi là Toshigami-sama (年神様) đến nhà. Vào ngày 1/1 vị thần này sẽ dạo quanh các gia đình và ban phát phước lành. Vì thế những món đồ trang trí Shogatsu Kazari chính là để chào đón vị thần này. Theo thông lệ 13/12 được xem là ngày bắt đầu trang trí Tết nhưng thời gian gần đây, do sự du nhập của văn hoá Giáng Sinh nên người Nhật thường sẽ bắt đầu trang trí nhà cửa từ sau đó, nghĩa là khoảng từ 26/12. Nhiều gia đình sẽ hoàn thành việc trang trí vào ngày 28/12. Nhưng nếu không kịp thời gian này, bạn nên tiến hành vào ngày 30/12, đặc biệt tránh 2 ngày 29/12 và 31/12. Vì trong tiếng Nhật ngày 29 (nijukyu) đồng âm với từ 二重苦(苦立て) – khổ đau gấp bội và 31 là ngày Ichiya Kazari (一夜飾り) nên sẽ bất kính với thần linh.

Về thời điểm dọn dẹp các đồ trang trí, ngày xưa, “thời điểm chơi Tết” của người Nhật kéo dài đến 15/1 (hay còn gọi là Matsu no Uchi – 松の内) tuy nhiên hiện nay tuỳ thuộc vào vùng miền mà sẽ có sự thay đổi, có nơi chỉ kéo dài đến 7/1. Điều quan trọng trong quá trình xử lý các món đồ này đó là không được tuỳ tiện vứt đi. Bạn có thể mang đến các ngôi Chùa có tổ chức lễ đốt (Donto yaki -どんと焼き) hay vứt theo lịch bỏ rác của địa phương nhưng phải mang theo tấm lòng cảm tạ.

Ảnh: https://hint-pot.jp/archives/106060

Ý nghĩa của 3 món đồ trang trí ngày Tết:

○Kadomastu (門松)

Ảnh: https://www.pakutaso.com/

Kadomatsu thường được trưng bày ở trước cửa hoặc cổng nhà được xem như một dấu hiệu khi Toshigami đến. Từ xa xưa cây Tùng (松) được cho là loại cây cao quý nơi trú ngụ của thần linh, lúc đó trên Kadomatsu cũng chỉ trang trí mỗi cây Tùng. Vào thời Edo, Kadomatsu đã có sự biển đổi, phía trên cây Tùng, người ta chống ba cây tre và gắn thêm các cành hoa mận. Kadomatsu thường đi theo một cặp tương xứng đặt ở hai bên trái phải ở cửa vào.

Trong đó, tre mọc thẳng, không uốn cong, là biểu tượng của sự “mau lớn”, còn hoa mận có hương thơm thanh tao, đã được coi như một thứ bùa may mắn từ xa xưa. Tuy nhiên dù cây tre có phần nổi bật nhất trong tổng thể nhưng “nhân vật chính” phải kể đến cây Tùng. Cây Tùng đọc là Matsu đồng âm với chữ chờ đợi (待つ) nên có thể hiểu là đợi chờ thần năm mới đến. Những năm gần đây, để tiết kiệm diện tích nhiều gia đình chỉ mua những Kadomatsu nhỏ thay vì đầu tư những Kadomatsu lớn như những nhà có điều kiện. Ngoài ra trên Kadomatsu còn được buộc thêm các dây Mizuhiki trắng – đỏ và bạc – vàng để tăng thêm màu sắc.

○Shimenawa (しめ縄)

Ảnh: https://www.pakutaso.com/

“Shimenawa” là chiếc vòng được kết bằng rơm, bên trên được gắn giấy Shide (紙垂) là một loại giấy dùng để trừ tà ở Đền Thần Đạo và câu chúc mừng năm mới. Tục lệ này bắt đầu từ thời cổ đại với vai trò ngăn cách giữa thế giới thần lịnh và trần thế.

Trước đây, các gia đình thường trang trí Shimenawa trong nhà như hốc tường, bếp, nhà vệ sinh, nhưng hiện nay nhiều gia đình chỉ đơn giản hóa việc trang trí bằng cách gắn ở trước cửa nhà.

○Kagami Mochi (鏡餅)

Ảnh: https://www.pakutaso.com/

Có lẽ Kagami Mochi là hình ảnh không còn xa lạ vào ngày Tết của Nhật Bản. Đó là hình ảnh hai miếng bánh dày Mochi chồng lên nhau, trên cùng đặt một quả Daidai (gần giống quýt). Đây được xem là món ăn dâng lên vị thần năm mới. Hai chiếc bánh dày lớn và nhỏ tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, đặt chồng lên nhau nghĩa là hạnh phúc đong đầy và cuộc sống viên mãn. Bạn có thể đặt Kagami Mochi trên bàn phòng khách nhà mình.

Ngoài 3 món đồ trang trí cơ bản trên, còn có nhiều món đồ khác mà nhiều gia đình sẽ đầu tư để trang trí cho ngôi nhà của mình dịp năm mới. Ở Việt Nam, các bạn có thể tìm mua này ở nhiều cửa hàng chuyên bán đồ Nhật Bản như Daiso, Aeon Mall… sẽ thật tuyệt nếu mang một chút không khí Giao Thừa kiểu Nhật vào tổ ấm của mình phải không nào?

Chee
Xem thêm: