Ý nghĩa những chiếc mặt nạ kì quái ở Nhật Bản
Chắc hẳn các bạn chẳng còn lạ gì với những chiếc mặt nạ ở Nhật Bản.
Tại các khu đô thị đông đúc người qua lại, người ta thường mang những chiếc khẩu trang y tế khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng virus, thời tiết. Tuy lý do là như vậy, nhưng thực tế, người ta thường đeo khẩu trang vì sự riêng tư nhiều hơn. Người Nhật rất ngại việc bị người khác nhìn vào hay soi mói khuôn mặt cũng như phong cách ăn mặc của họ khi đi lại trên đường phố đông đúc.
Ngoài những chiếc khẩu trang y tế ngày nay, đất nước “mặt trời mọc” từ lâu đã nổi tiếng trên toàn thế giới với những chiếc mặt nạ truyền thống phong phú đã đi vào lịch sử . Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn về nó:
1. Mặt nạ Samurai
Mempo, là cách gọi của một Samurai khi đeo lên chiếc mặt nạ của mình chuẩn bị lao vào trận chiến. Chúng được thiết kế để bảo vệ toàn bộ khuôn mặt khỏi những cú đánh chí mạng của đối thủ.
Mỗi samurai sẽ có một chiếc mặt nạ riêng được các nghệ nhân chế tạo theo sở thích và tính cách của mỗi người, điều nay làm nên nét riêng biệt cho mỗi vị tướng lĩnh.
2. Mặt nạ Kendo
Kendo có nghĩa là “kiếm đạo”, là một môn võ thuật nổi tiếng của Nhật Bản sử dụng kiếm tre và áo giáp bảo vệ. Trong đó, bộ phận bảo vệ đầu và toàn bộ gương mặt là một chiếc mặt nạ gọi là “Men”, được gắn phần cổ và vai áo giáp.
3. Mặt nạ lễ hội
Tại các lễ hội diễn ra khắp nước Nhật Bản, các công ty du lịch thường bán những chiếc mặt nạ với vô số hình dạng các nhân vật hoạt hình, thần thoại… Chúng được thiết kế với kích cỡ phù hợp với trẻ em nên người ta thường đeo nó bên hông hoặc đằng sau đầu.
Những chiếc mặt nạ này giúp trẻ em cũng như người lớn được hóa thân thành các nhân vật được yêu thích như cô gái Geisha, Pikachu, siêu nhân Gao… họ sẽ cảm thấy rất vui khi thay đổi bản thân một chút để hợp với không khí lễ hội náo nhiệt.
4. Mặt nạ Hyottoko
Hyottoko là một nhân vật huyền thoại ở Nhật Bản, người ta đã chế tạo chiếc mặt nạ mô phỏng theo khuôn mặt mà “ai nhìn vô cũng phải cười” của ông. Câu chuyện về ông ta được thêu dệt khác nhau theo từng vùng, ví dụ như ông là một cậu bé có thể tạo ra vàng từ rốn của mình.
Trong tất cả các biến thể về huyền thoại Hyottoko thì ông ta được xem như một thần may mắn với gương mặt buồn cười. Hyottoko còn được biết đến là một chú hề với những bước nhảy điên cuồng trong các điệu múa truyền thống.
5. Mặt nạ Okame
Okame được biết đến như phiên bản nữ của Hyottoko. Cả hai đều có khuôn mặt gây cười và thường xuất hiện cùng nhau như một cặp.
Okame như một nữ thần đem lại vận may cho con người. Người ta thường trưng bày những chiếc mặt nạ Okame để tăng thêm phần sinh động trong các lễ hội.
6. Mặt nạ quỷ Oni
Oni là một loài quỷ hoặc yêu tinh trong nền văn hóa truyền thống Nhật Bản. Chúng là những sinh vật có vẻ ngoài độc ác, những thế lực xấu xa gieo rắc nỗi sợ hãi khiến con người tránh xa. Mặt nạ Oni phân loại từ hài hước cho đến vô cùng đáng sợ. Trong các lễ hội ở nông thôn Nhật Bản, người ta thường mang những chiếc mặt nạ Oni chạy khắp đường phố với vẻ ngoài hoang dại và tinh nghịch.
Vào ngày lễ Setsubun, các ông bố bà mẹ trên khắp Nhật Bản đeo lên mình một chiếc mặt nạ Oni và dọa những đứa trẻ. Sau đó, chúng sợ hãi và ném những hạt đậu để đuổi Oni đi khỏi, người Nhật quan niệm rằng làm như vậy thì sẽ không có bọn yêu tinh bám theo con của họ dạy chúng làm điều xấu.
7. Hannya
Cũng như Oni, Hannya là những con quỷ nữ trên đầu có sừng. Một truyền thuyết về Hannya kể rằng có một của một phụ nữ xinh đẹp đã có tình yêu với một linh mục, nhưng cô đã bị từ chối trong khi những người con gái khác đều có các linh mục trở về với tình yêu của mình. Cô không biết vị linh mục kia đã bị cấm không được yêu cô bởi chính lời thề của mình. Nỗi tuyệt vọng và niềm khao khát, bi kịch và nỗi đau của tình yêu không được đáp lại đã biến cô thành một quái vật với chưa đầy sự ghen ghét, tức giận và trả thù.
Ngày nay loại mặt nạ ghê rợn này được sử dụng trong các vỡ kịch truyền thống trong nhà hát Noh như Aoi no Ue và Dojoji, với các vai diễn nói về một người phụ nữ ghen tuông mù quáng và oán hận, đã trở thành một phần đặc trưng cho kịch nghệ xứ sở Phù Tang
8. Mặt nạ Noh
Noh là một dạng nghệ thuật biểu diễn cổ điển Nhật Bản được trình diễn khắp nơi trên đất nước Nhật Bản bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp, chủ yếu là đàn ông. Thêm vào đó là một lượng lớn các nghệ sĩ không chuyên cả nam lẫn nữ đảm trách nhiệm vụ hát, múa và đàn.
Trong kịch Noh, diễn viên không trang điểm mà sử dụng mặt nạ được làm rất công phu. Những chiếc mặt nạ này được nhìn nhận như những vật thể tuyệt đẹp và là phương tiện diễn cảm tuyệt vời. Bất cứ nhân vật được miêu tả nào không phải là đàn ông trung niên sống trong thời hiện tại, đều đeo mặt nạ.
9. Mặt nạ Ultraman
Trong những năm 1970, những anh hùng đeo mặt nạ chiến đấu với kẻ ác là đề tài thường xuyên xuất hiện trên phim truyền hình Nhật Bản.
Ví dụ như Ultraman hay Kamen Rider, các nhân vật này đã đi vào trong tiềm thức của trẻ em Nhật Bản với nhiều ấn tượng khó phai. Điều này tạo một động lực về tinh thần quả cảm chiến đấu chống lại các thế lực xấu, được làm anh hùng thì ai mà không thích phải không nào?
10. Animegao
Animegao nghĩa là “khuôn mặt truyện tranh”, những chiếc mặt nạ được thiết kế bao phủ toàn bộ gương mặt trông giống như các nhân vật anime và manga. Chúng đang ngày càng phổ biến trong giới cosplay trên toàn thế giới, bao gồm cả Nhật Bản.
Những chiếc mặt nạ này giúp cho người hâm mộ các bộ anime, manga Nhật được thỏa mãn sở thích hóa trang một cách hoàn hảo từ trang phục cho đến gương mặt, mọi thứ sẽ trở nên sống động hơn.
11. Mặt nạ Kappa
Kappa những con tiểu yêu quái sống dưới sông ở Nhật Bản.
Chúng thường xuyên tấn công những con người tắm hay bơi lội ở đây và rất thích thách đấu với các võ sĩ đấu vật sumo. Kappa là mặt nạ tương đối hiếm thấy. Người ta chế tạo ra những chiếc mặt nạ này để hù dạo những đứa trẻ không một mình đến nơi sông suối và nguy hiểm.
12. Kitsune
Kitsune là từ dùng để chỉ loài hồ ly ở Nhật Bản. Theo truyền thống của người Nhật, những chú hồ ly được cho là sứ giả của nữ thần Inari.
Trong một số câu chuyện khác, thì hồ ly chuyên cải trang thành những phụ nữ xinh đẹp để lừa gạt con người. Mặt nạ hồ ly đóng vai trò quan trọng trong nhiều lễ hội, nhiều người tôn thờ chúng như một vị thần vì sức mạnh và quyền năng siêu nhiên của loài hồ ly.
13. Mặt nạ Tengu
Tengu là một sinh vật thần thoại trong lịch sử Nhật Bản, những con quỷ thường xuyên đem đến những rắc rối, kém may mắn cho con người.
Tuy nhiên, quan điểm này dần bị quên đi qua nhiều thế kỷ và giờ đây, Tengu trở thành một vị thần hộ mệnh cho các khu núi rừng thiêng liêng được mọi người tôn trọng. Ban đầu, người ta cho rằng Tengu là một sinh vật giống chim nhưng sau một thời gian tiến hóa, chúng trông gần giống với con người hơn với một chiếc mũi dài. Mặt nạ Tengu được sử dụng khá nhiều trong các lễ hội ở Nhật Bản và là một vật trang trí phổ biến trong các ngôi chùa, nhà hàng,…
Chisai Yuki