Sumo – Nét văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Sumo được xem như một trong những biểu tượng văn hóa tinh thần và là niềm tự hào của người Nhật.

Ở Nhật Bản có cả một Hiệp hội Sumo, gồm các thành viên được gọi là Oyakata, họ đứng ra tổ chức các giải đấu cũng như quản lý các nơi đào tạo Sumo trên toàn đất nước Nhật.

Không phải ai cũng có thể trở thành một Sumo.

sumo

Điều kiện để được chọn vào nơi đào tạo võ sĩ Sumo là thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15 – 23 tuổi, học vấn từ trung học trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,67 m và cân nặng tối thiểu là 67 kg. Không những thế, võ sĩ Sumo phải là người xuất thân từ một gia đình nề nếp, gia giáo, phải có sự tiến cử từ những người trong giới Sumo Nhật Bản thì mới được bước chân vào con đường trở thành võ sĩ Sumo.

Sau khi có đủ điều kiện vượt qua vòng tuyển chọn tiếp đến là các kỳ kiểm tra về sức khỏe như thị lực, tốc độ, sức bền, sự nhanh nhạy… Những ai không đạt tiêu chuẩn sẽ phải quay về nhà. Các võ sinh còn lại sẽ bước vào quá trình luyện tập, sinh hoạt cùng nhau trong vòng hai năm để tăng trọng lượng mà một Sumo cần phải có.

Cấp bậc của các Sumo

sumo2

Sau hai năm đào tạo, các võ sinh lúc này đã trở thành các võ sĩ Sumo và được xếp vào các cấp bậc khác nhau tùy theo năng lực, thành tích và kinh nghiệm thi đấu của mỗi người. Cụ thể trong Sumo sẽ phân thành 6 cấp bao gồm: Yokozuna, Ozeki, Sekiwate, Komusubi, Maegashira và Jyuryo.

Yokozuna (hoàng cương):

Đây là danh hiệu cao quý nhất trong Sumo. Muốn đạt đến cấp bậc này, võ sĩ Sumo phải thắng ít nhất 12/15 trận. Có riêng một hội đồng từ Hiệp hội Sumo Nhật Bản sẽ quyết định cho việc cấp phong cấp bậc này. Cả lịch sử Sumo tính đến nay hơn 1500 năm nhưng chỉ có 67 người được phong cấp bậc Yokozuna.

Ozeki (đại quan):

Cấp bậc phong cho các võ sĩ Sekiwake khi thắng khoảng 33 trận hay đoạt chức vô địch ba mùa đấu Sumo liên tục. Nếu thi đấu không tốt, có số trận thắng ít hơn số trận thua trong hai mùa giải liên tiếp thì võ sĩ Sumo sẽ bị mất cấp bậc này và trở về cấp bậc Sekiwake. Giai đoạn đầu khi chưa có cấp bậc Yokozuna, thì Ozeki là cấp bậc cao nhất trong Sumo.

Sekiwake:

Đây là cấp bậc cho một võ sĩ Komubusi nếu có số trận thắng nhiều hơn số trận thua trong nhiều mùa giải liên tiếp nhau, hoặc chỉ cần một mùa giải nhưng số trận thắng nhiều, khoảng từ 10 trận trở lên. Cũng giống như Ozeki, nếu Sekiwake có một mùa giải không thành công, tức là số trận thua nhiều thì sẽ bị mất cấp bậc, trở về với bậc Komusubi.

Komusubi: 

Là cấp bậc phong cho võ sĩ Maegashira nào có 10 hay 11 trận thắng hoặc thắng một lực sĩ có cấp bậc cao hơn mình.

Maegashira:

 Là cấp bậc thấp nhất trong  năm cấp phía trên (được gọi là Makuuchi).

Juryo:

Là cấp bậc của các võ sĩ chưa lọt được vào nhóm Makuuchi. Các Juryo được phép tham gia thi đấu các giải chuyên nghiệp 15 trận, nhưng đấu riêng giữa họ với nhau. Trong trường hợp có một lực sĩ trong nhóm Makuuchi bị chấn thương phải bỏ giải đang đấu, thì võ sĩ Juryo có thành tích tốt nhất được phép lên đấu cùng nhóm Makuuchi.

Thấp hơn cấp Juryo là những người đang trong quá trình được đào tạo để trở thành Sumo.

Khẩu phần ăn của Sumo.

sumo3

Một Sumo phải có cân nặng ít nhất là 120 kg, vì thế những võ sĩ phải trải qua quá trình vỗ béo vô cùng gian khổ. Một võ sĩ có thể ăn tới 5 kg thịt và mười bát cơm mỗi bữa là chuyện bình thường.

Các Sumo chỉ ăn hai bữa một ngày đó là bữa trưa và bữa tối.

Thực đơn chính của một võ sĩ Sumo sẽ bao gồm thịt bò, cá, đậu nành, rau và nhiều món có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sau bữa ăn, các sumo còn ăn thêm rất nhiều bánh ngọt và kem.

Món không thể thiếu trong thực đơn mỗi ngày của một Sumo chính là món Chanko. Chanko bắt nguồn từ món thịt hầm chỉ khác rằng Chanko trong thực đơn của Sumo chính là một nồi nước dùng thường là từ gà, sau đó bất cứ thứ gì cũng có thể bỏ vào nấu như thịt, rau, cá và cả đậu hũ.

sumo4

Mỗi Sumo cần tới 20.000 calo mỗi ngày, trong khi người bình thường chỉ cần 3.000- 3.500 calo.

Các võ sĩ Sumo tuy có thể trọng đáng nể lại nhưng họ không giống những người mắc bệnh béo phì. Đa số họ đều có lượng mỡ dưới 30% trọng lượng cơ thể, nghĩa là họ chỉ béo hơn người bình thường một chút.

Một trận đấu Sumo

sumo6

Võ đài là một nền đất vuông cao, với một vòng rơm bện rộng 4,55 m được chôn một nửa duới đất. Mái che mô phỏng theo kiến trúc của mái đền Thần Đạo. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Thần Đạo trong Sumo.

Trước mỗi trận đấu là nghi thức giậm chân và khởi động của hai võ sĩ. Tiếp đó là lễ tẩy uế trong Thần Đạo hay còn gọi là lễ ném muối. Hai đấu sĩ tiến về góc võ đài, bốc một nắm muối ném vào sàn đấu, rồi cúi xuống trừng mắt nhìn nhau. Uy lực của mỗi võ sĩ được thể hiện rõ nét từ cái nhìn này. Sau khi lễ kết thúc, hai võ sĩ dùng hết sức mạnh lao vào nhau, đây gọi là Tachi-Ai, nếu chỉ có một bên động thủ thì phải đấu lại từ đầu.

Trọng tài chính trên võ đài được gọi là Gyoji sẽ mặc trang phục truyền thống của Thần Đạo, tay cầm thẻ lệnh trông giống cái “quạt” gọi là “gunbai”. Bốn góc có 4 trọng tài phụ, đều là các tay võ sĩ nổi tiếng đã về hưu. Nếu bất cứ võ sĩ nào có dấu hiệu mệt mỏi hay bế tắc, trọng tài sẽ đến động viên họ.

sumo5

Trong thi đấu các võ sĩ được phép kéo dây đai của đối thủ nhưng không được kéo dây đeo quanh háng, không cho phép dùng chân đá, cùi chỏ, nắm tóc, đấm, tấn công hạ bộ nhưng được húc vào người đối thủ, được ngáng chân thậm chí được tát vào mặt của đối thủ.

sumo7
Người thắng là người đẩy được đối thủ ra khỏi vòng tròn (dohyou) hoặc làm cho một bộ phận trên người đối thủ (trừ lòng bàn chân) chạm đất.

Một trận thi đấu sumo diễn ra rất nhanh nhưng kịch liệt, thường không quá 1 phút.

Trường đấu Sumo

sumo-8

Nếu đến Nhật Bản vào thời điểm không diễn ra giải đấu Sumo thì bạn cũng đừng vội buồn bởi bạn vẫn có cơ hội tham quan trường đấu Sumo hoặc xem các võ sĩ Sumo ngoài đời. Bạn chỉ cần đến trường đấu Kokugikan thuộc quận Sumida, thủ đô Tokyo.

Đấu trường Kokugikan là nơi diễn ra ba trong số sáu giải đấu Sumo mỗi năm ở Nhật, tuy nhiên vào những thời điểm ngoài giải đấu thì đấu trường vẫn mở cửa phục vụ cho mọi người tham quan để hiểu hơn về môn võ truyền thống của đất nước mình. Nếu đi vào thời điểm không có giải đấu bạn sẽ được vô mà không phải mất phí.

sumo9

Không chỉ có cơ sở hạ tầng phục vụ cho giải đấu Sumo mà tại Kokugikan còn có cả một bảo tàng về Sumo. Tất cả những tư liệu liên quan đến Sumo như bảng xếp hạng, trang phục, cúp… đều được trưng bày tại đây.

Tuy nhiên bạn cần phải lưu ý thời gian mở cửa của đấu trường chỉ từ 10:00 – 16:30, vào các ngày thứ 7, chủ nhật, và ngày lễ tết bảo tàng sẽ đóng cửa.

Mặc dù đã trải qua nhiều thay đổi của xã hội cũng như việc du nhập các nền văn hóa từ phương Tây. Hiện nay, có rất nhiều võ sĩ sumo đến từ các nước khác như Mông Cổ, Bulgaria… nhưng sumo vẫn được xem là một nét truyền thống, nghi lễ tôn giáo trong nền văn hóa của Nhật Bản.

Hải Âu

1

“Hoa mắt” với bữa ăn siêu khủng của một võ sĩ Sumo

Sumo hài hước

Khán giả xem Sumo vô cùng giận dữ

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: