Ikebana – Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản

IKEBANA là gì?

cam-hoa-1

Ikebana còn gọi là kado hay Hoa đạo, có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa cho Đức Phật, rồi phát triển thành một hình thức nghệ thuật đặc biệt từ thế kỷ 15, với nhiều phong cách và trường phái. Giữa thế kỷ 15, cùng với sự nổi lên của những phong cách cổ điển đầu tiên, Ikebana trở thành một môn nghệ thuật đặc trưng của tôn giáo cho dù nó vẫn tiếp tục giữ lại được tính tượng trưng và ý nghĩa triết học.

cam-hoa-2

Cuối thế kỷ 16, một hình thức cắm hoa mới gọi là nageire bắt đầu được sử dụng trong trà đạo với khuynh hướng thật mộc mạc, thanh tao. Bước sang thế kỷ 17 một hình thức cắm hoa của trường phái cắm hoa shoka hay seika ( hoa sống ) bắt đầu phát triển. Shoka kết hợp giá trị những nét đẹp riêng của mỗi hình thức lại với nhau và cuối thế kỷ 18 trở thành phong cách phổ biến nhất.

Sau thời kỳ phục hưng Minh Trị 1868, các nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản trong đó có Ikebana nhất thời bị văn hóa phương Tây lấn át. Tuy nhiên sau đó đã hồi sinh mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19 và tiếp tục phát triển mạnh cho đến hiện nay. Ngày nay, có khoảng 3000 trường phái Ikebana ở Nhật Bản, với khoảng 15 đến 20 triệu người theo học, hầu hết là phụ nữ tuổi từ 18 đến 26. Phong cách phổ biến nhất là Ikenobo, Ohara và Sogetsu, mỗi phong cách thu hút khoảng 3 triệu người theo học.

IKEBANA và tình yêu thiên nhiên của người Nhật.

cam-hoa-3

Sự phát triển lên đến đỉnh cao của nghệ thuật cắm hoa ở Nhật có thể được lý giải bởi tình yêu của người Nhật đối với thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên được hầu hết mọi người yêu thích nhưng ở Nhật còn có thật sự nâng niu giá trị của thiên nhiên, và tình yêu thiên nhiên của ngươi Nhật lớn đến nỗi gần như trở thành một tôn giáo.

Người Nhật luôn cảm thấy có một mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên xung quanh, ngay cả trong đời sống hiện đại, sự đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng những du khách nước ngoài khi đến Tokyo họ vẫn bất ngờ khi thấy những bình hoa với một hoặc vài bông hoa được treo trên xe, ở các cạnh của kính chắn gió bởi những người lái taxi. Và cũng thật khó mà tìm thấy ở Nhật một ngôi nhà nào mà quanh năm không được tô điểm bởi sắc hoa.

camhoa-4

Trong nghệ thuật cắm hoa phải cần đến sự hiểu biết về dòng thời gian, nếu ai có cách nhìn sâu sắc sẽ dễ dàng nhận ra được điều này. Sự cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng

cam-hoa-5

Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá phải được phối hợp với phong tục tập quán và văn hóa theo từng vùng. Vào các ngày quốc lễ sẽ có một số cách cắm hoa được ấn định trước. Các nghi lễ ở gia đình có thể bị coi là không trọn vẹn nếu như chọn không đúng loại hoa và phong cách cắm không phù hợp với ngữ cảnh.

Chẳng hạn như hoa cúc trắng là hoa của ngày tết đầu năm, trong khi vào ngày tết búp bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa đào, hoặc hoa diên vĩ (iris) là loại hoa được chọn vào ngày Tết của con trai (mồng 5 tháng 5).

Triết Lý  ẩn chứa bên trong Nghệ Thuật Cắm Hoa Nhật Bản

cam-hoa-6

Nói một cách tổng quát thì nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là sự tượng trưng cho Trời – Đất – Người (Thiên, Địa, Nhân). Dựa theo qui luật này mà Ikebana đã được tạo nên.

Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời” (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta sẽ chọn cành hoa nào mạnh nhất cho nhiệm vụ này.

Tiếp theo cành chính là cành thứ (soe), đại diện cho con người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển được phát ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính và có phần hơi nghiêng về cành chính.

Cành thứ ba (hikae) tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần này được cột chặt vào một bộ phận để diễn tả được sự xuất phát từ một nguồn cội.

Sau đó các bông hoa khác được trang trí thêm vào nhưng bố cục của ba phần chính kể trên là phần quan trọng cốt lõi nhất.

cam-hoa-7

Trong khi cắm hoa người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành… về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60cm trước mặt người cắm hoa. Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao bởi vì nếu đặt thấp thì khi cắm mọi người sẽ có ánh nhìn từ trên xuống, nhưng khi trưng bày ở vị trí cao thì hình ảnh sẽ bị thay đổi.

Phong cách cắm hoa cơ bản

cam-hoa-8Phong Cách Rikka

Rikka là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và vẫn được phổ biến cho đến ngày nay. Rikka có nghĩa là cắm hoa thẳng đứng, yêu cầu của kiểu cắm hoa này là bình dùng để cắm hoa phải cao và to, hoa cắm trong bình ở tư thế thẳng. Rikka thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên. Một bình hoa Rikka luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên.

cam-hoa-9Phong Cách Shoka

Shoka là phong cách cắm hoa thông dụng nhất trong Ikebana. Nó có nghĩa là hoa sống. Xét về hình thức thì kiểu cắm hoa Shoka khá đơn giản nhưng để lột tả hết ý nghĩa của nó thì không phải ai cũng làm được. Một bình hoa shoka đạt yêu cầu phài có sự hội tụ đủ 3 thành phần: Ten, Chi và Jin nghĩa là Trời, Đất và Con người.

Khi cắm, chiều cao và độ dài của các cành hoa phải thể hiện rõ vị trí của 3 yếu tố trên. Người ta dùng chiều cao của bình hoa làm chuẩn, nhành hoa cao nhất trong bình đại diện cho Thiên, chiều cao của nó bằng 3 lần chiều cao của bình hoa. Nhành hoa thứ 2 đại diện cho Nhân, cao chỉ bằng 2/3 nhành hoa Thiên và cành Địa thấp nhất, chỉ bằng 1/3. Một bình hoa được cắm theo đúng phong cách Shoka phải đáp ứng các quy tắc cân bằng nêu trên.

Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu Năm Mới.

cam-hoa-10Phong Cách Jiyuka

Một phong cách cắm hoa tự do được phát triển từ những chuyển hướng nghệ thuật trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Jiyuka không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc truyền thống nào và người thực hiện có thể sử dụng bất kỳ vật liệu nào để tự do sáng tạo theo cá tính của mình. Vì là một phong cách cắm hoa mới phù hợp với thời đại công nghiệp và đô thị hóa nên Jiyuka được người Nhật chào đón nồng nhiệt vào những năm 1920.

Với tình yêu và sự nâng niu lớn lao dành cho thiên nhiên của người Nhật, nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản và được rất nhiều người quan tâm biết đến ở khắp mọi nơi.

Hải Âu

1

Đỉnh cao của nghệ thuật chơi trống.

Nghệ thuật vẽ tranh Hanga truyền thống ở Nhật

Nghệ thuật gấp giấy Origami không bao giờ lỗi thời

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: