Thư pháp, nét nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản
Khi nói về nền văn hoá phương đông, thì phải nhắc đến thư pháp. Đây là một loại hình nghệ thuật hoàn toàn không xa lạ gì ở Việt Nam. Và với một quốc gia mang đậm nét văn hoá truyền thống lâu đời như Nhật Bản, thì thư pháp được xem là một trong những môn nghệ thuật đặc trưng của đất nước này.
Một trong những qui chuẩn bắt buộc phải tuân theo của thư pháp là tính nhất hồi. Chữ phải được viết theo một qui tắt nhất quán, từ đầu đến cuối, và chỉ viết một lần. Do đó, thư pháp đòi hỏi người viết phải có năng lực tập trung tinh thần cao độ. Người Nhật cho rằng thư pháp “thể hiện nhân cách của người viết” và là “trường phái vẽ tâm hồn”. Tác phẩm thư pháp là “hiện thân” của chính đời sống tác giả. Vì vậy, khi ta tiếp xúc với tác phẩm cũng có nghĩa là ta đã chạm vào tâm hồn của chủ nhân những bức thư pháp ấy.
Nghệ thuật thư pháp Nhật Bản được chia ra làm 3 phong cách viết, đại diện cho 3 trường phái khác nhau.
1. Trường phái Kaisho
Kaisho là “kiểu viết chữ vuông”, người mới bắt đầu học thư pháp đều phải luyện từ kiểu viết chữ này. Mỗi nét chữ được viết ra đều thể hiện được sự cẩn thận và rõ ràng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Cách viết này giúp cho những học viên mới, nắm vững được những nguyên tắt cơ bản, cũng như giúp họ rèn luyện được sự kiên nhẫn cho chính bản thân.
2. Trường phái Gyousho
Gyousho có nghĩa là “kiểu viết chữ nhanh”, với cách viết này thì các nét chữ được tạo ra sẽ rời rạc nhau, người viết không chú trọng nhiều đến các chi tiết, mà tập trung chủ yếu vào động tác uyển chuyển và tốc độ của tay, chữ viết theo kiểu này thường phổ thông và dễ đọc đối với đại đa số tầng lớp tri thức ở Nhật.
3. Trường phái Shousho
Sousho là “kiểu viết chữ nhiều nét”, cách viết này tạo ra những nét chữ mềm mại nhưng bị dính liền với nhau, bởi vì tác giả sẽ viết liên tục, và hạn chế các động tác nhất bút lông ra khỏi trang giấy. Chữ thư pháp kiểu này làm cho người bình thường rất khó đọc được nếu như họ chưa từng học qua thư pháp.
Ngày nay, nghệ thuật thư pháp ở Nhật Bản rất được quan tâm và tạo điều kiện để phát triển. Ở các trường học, thư pháp cũng được đưa vào giảng dạy như một môn học bắt buộc, giống với các môn nghệ thuật khác như âm nhạc hay hội họa.
Ngoài ra một số trường như đại học Tsukuba, đại học Tokyo, …còn có bộ phận chuyên nghiên cứu về thư pháp, và luôn hướng tới việc phổ cập, đào tạo chuyên sâu cho tất cả giáo viên về bộ môn nghệ thuật này.
Khi bạn tập trung vào các nét chữ thì đầu óc sẽ không còn nghĩ nhiều đến những chuyện xung quanh, nên đây cũng là một cách để giải toả áp lực cho bản thân.
Hải Âu