Văn hoá không nói “không” và “đọc không khí” của người Nhật
Đối với người Nhật, thì những cuộc trò chuyện cũng là một nghệ thuật, nhiều người nước ngoài thường thắc mắc rằng, tại sao người Nhật không nói thẳng vào vấn đề mà cứ phải nói lòng vòng để người khác tự phán đoán vấn đề?
Chẳng hạn như trong trường hợp :
A: Kyō wa watashinoie de pāti ga arun dakedo konai? (Hôm nay tôi có tổ chức một buổi tiệc tại nhà, bạn hãy cùng tham gia nhé?)
B: Arigatō. Demo chotto isogashīkara… (Cảm ơn, nhưng tôi hơi bận một chút…)
Thay vì nói ngắn gọn là “Tôi không đến được”, nhưng người Nhật không muốn dùng từ “không” trong những cuộc nói chuyện cũng như trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, nên họ thường trả lời một cách ngập ngừng không dứt khoát như vậy để người nghe có thể đoán và hiểu ra vấn đề mà họ muốn nói.
Có một tình huống khác nữa đó là:
A: Kōhī o nomimasu ka? (Anh uống cafe không?)
B: Kekkō desu. (Được rồi.)
Trong trường hợp này bạn nghĩ câu trả lời là “uống” hay “không uống”?
Nếu tra từ điển, thì bạn sẽ thấy đây là một câu trả lời rất khó hiểu. Thật ra, từ “được rồi” ở đây có nghĩa là “đã được rồi, không cần đâu”, nhưng vì họ không muốn nói thẳng ra mà thôi.
Ngoài ra trong những trường hợp muốn từ chối một lời mời hoặc đề nghị nào đó, họ thường nói “Vâng, tôi sẽ suy nghĩ về điều đó”, từ “suy nghĩ ” ở đây có nghĩa là họ đã từ chối rồi, nên bạn có chờ đợi thì cũng chỉ mất công vô ích mà thôi.
Trong giao tiếp của người Nhật, còn có một nét đặc trưng đáng chú ý nữa đó là “đọc không khí”.
Không khí là một dạng vật chất không màu, không mùi. Vậy tại sao lại dùng từ “đọc”, rất khó hiểu đúng không?
Người Nhật dùng cụm từ “đọc không khí” ở đây có nghĩa là, mọi người phải tự cảm nhận được bầu không khí, cũng như hoàn cảnh của cuộc trò chuyện để hiểu vấn đề, vì đa số người Nhật không muốn nói thẳng mà muốn đối phương tự hiểu.
Đây là một điều khá quan trọng trong cuộc sống cũng như trong công việc mà bạn cần nên chú ý. Nếu không thích ứng được với những việc này, có thể bạn sẽ không thể có được một mối quan hệsâu sắc với người Nhật.
Ví dụ như, khi bạn đến dự một buổi tiệc ở nhà người Nhật, cho dù thời gian đã khuya, nhưng họ không thể nói rằng “khuya rồi, anh hãy về đi”, trong trường hợp này bạn cần thể hiện khả năng “đọc không khí” của mình, chẳng hạn như bạn có thể nói “đã khuya rồi nhỉ, có lẽ nên về thôi”.
Bạn cảm thấy điều này thế nào? Phiền phức quá đúng không?
Nhưng đây là một trong những nét văn hoá đặc trưng của Nhật Bản, vừa nói chuyện, vừa phải phán đoán, cũng như nắm bắt được những suy nghĩ của đối phương.
Bạn nhất định hãy trở thành một người có thể “đọc không khí” nhé.
Kengo Abe
Nguyễn Mẫn Thủy Tiên: Yêu mến con người và văn hóa Nhật Bản