Có một văn hóa Nhật rất riêng ẩn trong phim kinh dị “Trò chơi sinh tồn”

“Kamisama no Iu Toori” (được khán giả Việt Nam biết đến với tên gọi Trò chơi sinh tồn) là một bộ phim kinh dị Nhật Bản, chuyển thể từ truyện tranh cùng tên, với những chi tiết, hình ảnh đáng sợ nhưng không kém phần độc đáo, mới mẻ.

Một thầy giáo đang giảng bài thì bị nổ tung sọ và một con Daruma xuất hiện, kéo nhân vật chính cùng các bạn của mình cuốn vào 5 trò chơi nguy hiểm. Bất cứ ai thua cuộc đều bị trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Điều đáng chú ý ở đây so với các bộ phim kinh dị khác thì, hình ảnh trong những trò chơi ấy vô cùng quen thuộc với văn hóa Nhật Bản, cho thấy tác giả đã khéo léo lồng ghép vào để quảng bá hình ảnh đất nước đến các bạn độc giả trên thế giới.

Năm trò chơi đó lần lượt là:

Búp bê Daruma.

Mèo Manekineko.

Búp bê Kokeshi.

Gấu bắc cực Shirokuma và Búp bê Nga.

Trong bài viết này, Japo không chú trọng nội dung phim mà muốn giới thiệu những đồ chơi có liên quan đến văn hóa Nhật Bản, để các bạn hiểu lý do tại sao tác giả lại chọn nó vào trong tác phẩm của mình.

1. Trò chơi 1 – Búp bê Daruma

Búp bê Daruma – hiện thân cho sự thịnh vượng và may mắn của người Nhật Bản. Với chữ “Phúc” được viết lên bụng Daruma, người ta thường đặt búp bê ở những nơi trang trọng để cầu mong một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Điểm đặc biệt ở Daruma là đôi lông mày đậm và cong, cùng đôi mắt to tròn, hiện lên một gương mặt nghiêm nghị. Và nó khá giống con lật đật ở Việt Nam, dù đẩy ngã thế nào Daruma vẫn đứng bật dậy đầy mạnh mẽ, thể hiện nghị lực kiên cường, vượt qua khó khăn.

Chính vì đặc điểm ấy mà một trò chơi dân gian ra đời, rất được trẻ con Nhật Bản ưa chuộng, đó là “Daruma-san ga koronda”.

Một bé làm “kon” sẽ bị bịt mặt và đếm từ 1 đến 10, thay vì đếm số bé sẽ hát  “Daruma-san ga koronda”. (Thật ra cụm từ này vừa đủ 10 âm tiết, có nghĩa là Búp bê Daruma đã ngã rồi). Còn những bé khác sẽ cố gắng lại gần mà không để cho bé “kon” biết họ đang di chuyển. Nếu nói xong cụm từ đó mà bé “kon” thấy ai đang di chuyển thì người đó sẽ thua và thay vị trí bé ”kon”

Trò này cũng được áp dụng trong phim “Trò chơi sinh tồn” với sự trừng phạt vô cùng tàn khốc.

2. Trò chơi 2 – Mèo Manekineko

Một biểu tượng may mắn khác nữa là Mèo vẫy tay Manekineko, thường thấy ở cửa ra vào của quán ăn, nhà hàng, tiệm kinh doanh…

Người Nhật tin rằng cái vẫy tay của mèo Manekineko là đang mời gọi thần tài, may mắn vào nhà. Hơn nữa, bạn sẽ thấy nhiều hình ảnh mèo chỉ vẫy một bên tay, đôi khi là cả hai. Mỗi bên mang ý nghĩa khác nhau. Vẫy bên trái là gọi được nhiều khách, vẫy bên phải mang nhiều tiền bạc, tài lộc. Còn vẫy hai bên thì mang đến cả hai thứ.

Nhưng chú mèo trong phim “Trò chơi sinh tồn” lại không mang may mắn mà đem đến sự chết chóc và hủy diệt.

3. Trò chơi 3 – Búp bê Kokeshi

Kokeshi là búp bê truyền thống làm bằng tay của người nghệ nhân Nhật Bản. Chúng mang hình bé gái với cái đầu tròn khá to và thân hình trụ bằng gỗ. Họa tiết trên thân cũng khá đơn giản với hoa lá cỏ cây với những gam màu cơ bản như đỏ, xanh, vàng, tím…

Với người Nhật Bản, búp bê Kokeshi mang ý nghĩa tâm linh vô cùng độc đáo. Có người cho rằng búp bê sẽ che chở, mang đến sự an toàn cho các bé gái. Người khác lại bảo Kokeshi biểu tượng cho sự an lành, bảo vệ ngôi nhà khỏi hỏa hoạn.

Do được làm bằng tay nên không búp bê nào giống nhau, là một sản phẩm độc nhất nên ngày nay vẫn còn rất nhiều người ưa chuộng, mua về làm quà cho trẻ em.

Còn lại là hai hình ảnh gấu Shirokuma và búp bê Nga. Tuy chúng không có liên quan đặc biệt gì đến văn hóa Nhật Bản, nhưng gấu Bắc cực cũng là một trong những con vật yêu thích của trẻ em Nhật, và người sản xuất ra búp bê Nga lấy ý tưởng dựa trên bộ búp bê gỗ về Thất phúc thần (Shichi fuku jin), bảy vị thần may mắn trong thần thoại Nhật Bản.

Thất phúc thần

 

Khi lần đầu tôi xem bộ phim này đã thắc mắc rằng, tại sao tác giả lại lấy những đồ vật trông lạ lùng để tạo nên các trò chơi kinh dị đến thế. Tên gọi và hình dáng của chúng làm tôi tò mò và sau khi tìm hiểu thì mới biết được ý nghĩa thú vị xung quanh chúng.

Các bạn hãy thử xem bộ phim này và cho tôi biết cảm nhận của mình nhé.

Kim Ngân

“kagome, kagome” – Trò chơi kinh dị

Chuyện Kinh dị ở trường học Nhật

Kinh dị bốt điện thoại liên lạc với người chết ở Nhật Bản

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: