Hai khía cạnh đối lập nhau của con ma dù trong truyền thuyết

Nhà bạn có món đồ cũ nào trên 100 năm không? Nếu có, hãy cẩn thận, vì có thể nó đã không còn là một món đồ vô tri vô giác nữa.

Những vật thể như thế có tên gọi chung là Tsukumogami, là những đồ vật sẽ sống lại vào sinh nhật lần thứ 100 của nó. Đó là lí do mỗi năm người Nhật đều thu thập đồ dùng cũ và vứt bỏ chúng trước thềm năm mới. (Tục lệ này gọi là Susuharai- 煤払い có nghĩa là dọn nhà đầu năm) để tránh bị những Tsukumogami này gây phiền nhiễu.

Những đồ vật có tuổi đời trên 100 năm sẽ xuất hiện linh hồn

Đa phần các Tsukumogami đều thù ghét con người vì loài người đã phản bội lại sự trung thành của chúng. Tương truyền rằng những Tsukumogami này đã tập hợp lại với nhau để bàn luận về số phận của mình.

“Chúng ta trung thành phục vụ ngôi nhà cho đến cùng, ấy vậy mà thay vì được thưởng, loài người lại vứt bỏ chúng ta không thương tiếc. Họ ném ta vào thung lũng, để cho bò đạp ngựa xéo. Đây là một sự xúc phạm đáng kinh tởm, chúng ta phải biến thành những hồn ma luẩn quẩn bên họ để nhắc họ về sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta phải báo thù.”

(Theo Tsukumogami Ki –付喪神記 của Noriko T.Reider)

Một trong những Tsukumogami nổi tiếng nhất trong truyền thuyết Nhật Bản là con ma dù một chân Kasa Obake. Đây là con ma biến hình từ nguyên bản những cây dù truyền thống của Nhật.

Tên gọi chính thức của nó là唐傘小僧 (Karakasa kozou – Thằng nhãi dù tre) hoặc còn có những cái tên khác như Karakasa Obake hay Kasa Obake hay Kasabake tùy vào địa phương.

Thông thường, Kasa Obake là con ma có hình dạng cây dù, 1 mắt, vừa thè lưỡi vừa nhảy lò cò. Trong một vài trường hợp cũng có Kasa Obake có 2 chân.

Người ta cho rằng Kasa Obake là một con quỷ trong bức tranh cuộn “Bách Quỷ Dạ Hành” của họa sĩ Kano Enshin có từ thời Muromachi (Sở dĩ bức tranh có tên là Bách Quỷ Dạ Hành vì vào đêm khuya thanh vắng, 100 con ma sẽ xuất hiện, đi chung với nhau, hút sự sợ hãi của con người làm thành sức mạnh riêng). Tuy nhiên, con ma dù trong Bách Quỷ Dạ Hành được mô tả như một cây dù gập lại, ở giữa lộ ra cái đầu người, so với Kasa Obake có phần hơi khác.

Con ma dù trong Bách Quỷ Dạ Hành

Phải đến sau thời Edo, Kasa Obake mới có hình dạng như chúng ta biết ngày nay. Hình ảnh của con ma này có nhiều trên các Obake Karuta (bài ma quỷ- là một loại thẻ bài ở Nhật, mỗi lá bài bao gồm 1 âm tiết minh họa cho một con quái vật trong truyền thuyết Nhật Bản).

Obake Karuta (Nguồn Tofugu.com)

Tuy xuất hiện rất nhiều trong các truyền thuyết hoặc những bức tranh biếm họa, nguồn gốc của Kasa Obake đến tận bây giờ vẫn còn rất mập mờ. Không có nhiều trải nghiệm thực tế liên quan đến con ma này dù nó rất nổi tiếng không những ở Nhật mà trên toàn thế giới. Ví dụ, có những câu chuyện được lưu truyền về việc nhìn thấy tận mắt Kappa (một yêu quái nổi tiếng của Nhật), nhưng chưa một ai từng kể rằng đã thấy Kasa Obake. Do đó đại đa số dân Nhật Bản tin rằng nó chỉ là một sinh vật tưởng tượng.

Trong truyền thuyết, Kasa Obake là một con ma chuyên đi hù dọa, lừa gạt người khác. Nó lảng vảng trên đường phố trong những đêm mưa, thổi tung người đi đường hoặc thình lình xuất hiện từ phía sau, dùng chiếc lưỡi dài để liếm vào mặt con người. Nghe có vẻ đáng sợ, nhưng thực chất con ma này chỉ là một đứa trẻ con thích đùa nghịch và những trò đùa của nó chủ yếu để thu hút sự chú ý của người khác. Tuy đôi lúc đùa quá trớn, nó có thể gây hại cho bạn.

Bạn có “kinh hồn khiếp vía” khi thình lình nhìn thấy con ma này trên đường?

Một số luồng ý kiến khác lại cho rằng con ma dù này có ngoại hình khá đáng yêu, chính vì lẽ đó chúng được ưu ái chọn làm diễn viên quần chúng trong Anime.

Với ngoại hình như thế này, Kasa Obake chẳng còn gì đáng sợ nữa

Theo bạn, con ma này dễ thương hay dễ sợ?

Dù đáng yêu hay dễ sợ, thông qua câu chuyện về Kasa Obake hay những Tsukumogami khác, người Nhật muốn lan truyền bài học về việc trân trọng những đồ vật chúng ta đang sử dụng, bởi không chỉ riêng con người mà chính đồ vật cũng có linh hồn.

Sachiko

8 triệu ngôi nhà tại Nhật Bản: bí mật gì ẩn chứa đằng sau con số rùng rợn này?

Hari Kuyo- linh hồn những chiếc kim gãy

Linh hồn “Ma Da Chết Trôi” ám ảnh người Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: