Kỳ lạ câu chuyện tình ngang trái ngựa – người và truyền thuyết về ông tổ nghề dệt
Những câu chuyện dân gian Nhật Bản ngợi ca về công lao của các vị Thần linh vẫn được người dân gìn giữ lưu truyền suốt bao thế hệ. Người Nhật quan niệm rằng “Vạn vật hữu linh” vì thế họ quý trọng từng nhành cây ngọn cỏ, những báu vật thiên nhiên đã trao tặng cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Tono thuộc Iwate chính là một trong những nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất các câu chuyện dân gian Nhật Bản. Tại đây, bạn sẽ được lắng nghe câu chuyện cổ từ chính những người kể chuyện lâu đời vẫn luôn âm thầm gìn giữ những nét đẹp văn hóa cổ xưa.
Đây cũng chính là vùng đất khai sinh ra câu chuyện về quái vật Kappa.
Chính vì thế Kappa rất nổi tiếng ở vùng này.
Khác với một Tokyo hay Osaka phồn hoa đô hội, Iwate lặng lẽ và bình dị, nhưng trong nó chứa đựng nhiều nét truyền thống lâu đời của người Nhật. Tại Tono, Iwate còn lưu giữ những căn nhà cổ xưa theo lối kiến trúc hình chữ L gồm 2 phần, một phần người sống và một phần nuôi ngựa tại làng cổ Furusato Mura.
Người dân sống ở phần bên phải của ngôi nhà, phần còn lại dùng để nuôi ngựa
Trong những ngôi nhà cổ, bạn sẽ thấy một chiếc hộp gỗ, bên trong có 2 con búp bê được làm bằng gỗ cây dâu tằm. một con mang hình thù cô gái, con còn lại là một con ngựa. Cả hai đều được che chắn cẩn thận bằng một miếng vải.
Hai bức tượng trên là Vị thần đại diện cho ông Tổ nghề dệt và Thần Nông nghiệp của vùng đất Tohoku Nhật Bản – được gọi là Oshira Sama.
Câu chuyện dân gian đằng sau Vị thần này nhuốm màu đau thương nhưng cũng có phần rùng rợn về một tình yêu dang dở giữa hai giống loài khác nhau.
Chuyện kể rằng người nông dân nghèo khó nọ không có vợ, nhưng lại có một cô con gái xinh đẹp. Trong nhà có nuôi một con ngựa duy nhất làm của. Thế nhưng cô con gái lại đem lòng yêu thương con ngựa. Họ đã âm thầm kết làm vợ chồng. Một ngày nọ, người cha phát hiện ra sự tình, trong cơn tức giận, ông giết chết con ngựa và đem treo lên cây dâu tằm.
Đêm hôm đó, cô gái hỏi người cha về sự biến mất của con ngựa và phát hiện ra được nó đã chết. Đau lòng, tức giận, cô chạy đến cây dâu tằm, vừa ôm đầu ngựa vừa khóc. Nhìn thấy cảnh trên, người cha không những không động lòng mà còn nổi cơn thịnh nộ vì ghê tởm hành động của con gái, ông rút lưỡi hái chém đứt đầu ngựa.
Kỳ lạ thay, đầu ngựa không rơi xuống đất mà lại bay lên trời, đem theo cô gái người nông dân nghèo. Cả hai hóa thân thành thần.
Câu chuyện trên còn có nhiều biến thể. Một trong số đó kể rằng cô gái sau khi ra đi hiện hồn trong giấc mơ của người cha, bảo rằng cô đã được hóa kiếp. Sau khi tỉnh dậy, người cha phát hiện một con tằm nhả tơ màu trắng như tuyết. Ông dùng tơ đó đan thành vải, đem đi bán. Cuộc sống từ đó trở nên sung túc hơn trước.
Câu chuyện tình yêu dở dang của người và ngựa, nhưng lại đem đến của cải vật chất cho người cha đã trở thành câu chuyện lưu truyền nổi tiếng tại vùng này. Qua câu chuyện ta lại càng thấm thía hơn vai trò của ngựa, loài vật đóng vai trò vận tải quan trọng trong cuộc sống người dân Nhật Bản thời bấy giờ.
Chú ngựa nuôi tại Làng Furusato, Tono, Iwate
Thông thường, hộp gỗ chứa hai con búp bê sẽ được đóng lại. Tuy nhiên hằng tháng, người dân sẽ mở hộp ra để thay miếng vải mới. Nguyên do tại sao lại có miếng vải này? Có lẽ để tránh ghê tởm vì con ngựa trong truyền thuyết chỉ có mỗi cái đầu mà thôi.
Ngoài câu chuyện về Oshira Sama, tại làng cổ Furusato Mura, bạn còn biết thêm được rất nhiều phong tục sinh hoạt của người Nhật cổ. Điểm đặc biệt thu hút ở nơi đây chính là cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ được giữ gìn cẩn thận, điều này khiến ngôi làng trở thành địa điểm lý tưởng để thực hiện ghi hình các bộ phim cổ trang.
Thông thường, người Nhật xây dựng các trụ điện trên không. Thế nhưng tại làng, bạn sẽ không nhìn thấy nét hiện đại này lẫn lộn trong khung cảnh về một miền đất xa xưa. Vào màu thu khi lá phong chuyển màu đỏ, khung cảnh sẽ càng nên thơ hữu tình.
Nếu có dịp, bạn nhất định phải ghé nơi này nhé.
Sachiko
Quái vật Kappa là có thật; hóa thạch của chúng được tìm thấy ở khắp nơi trên nước Nhật
“Nhà sư đi biển” Loài thủy quái khổng lồ quái vật Loch Ness ở Nhật Bản
Hai khía cạnh đối lập nhau của con ma dù trong truyền thuyết