Cái chết đứng của anh hùng Benkei và câu chuyện về lòng trung thành

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến rất nhiều cái chết, có cái chết nhẹ tựa lông hồng, chết trong thanh thản nhưng cũng có những cái chết trăn trở, quằn quại. Trong đó, ám ảnh nhất chính là những cái chết đứng, “vạn tiễn xuyên tâm”. Nếu ở Việt Nam có anh hùng Từ Hải chết đứng giữa trận tuyền, Trung Quốc có Dương Thất Lang – Dương Gia Tướng bị ngàn mũi tên đâm vì bị phản bội trên chiến trường Kim Sa Than. Ở Nhật, bạn nhớ đến nhân vật nào?

Tại Nhật, không ai là không biết đến cụm từ “Cái chết đứng của anh hùng Benkei”. Benkei chính là tượng đài của lòng trung thành, minh chứng cho sự hy sinh cao cả vì nghĩa của con người.

Hôm nay, hãy cùng Japo tìm hiểu truyền thuyết về người anh hùng này nhé.

Benkei tên đầy đủ là Saito Musashibo Benkei, là một tăng binh dưới trướng của Minamoto no Yoshitsune. Minamoto no Yoshitsune (1159 – 1189) là một chiến binh huyền thoại thời Heian. Ông là người đã đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của nhà Taira và giúp cho anh trai mình, Yoritomo, trở thành người đàn ông hùng mạnh nhất nước Nhật thời bấy giờ.

Mẹ của Benkei là con gái thợ rèn, sau khi bị một kẻ phóng đãng cưỡng bức đã sinh ra Benkei với ngoại hình dị dạng. Không giống những đứa trẻ khác, mẹ Benkei phải chửa mất 18 tháng mới sinh ra được một đứa trẻ to khỏe lạ thường. Không những thế, ngay từ khi ra đời, Benkei đã mọc đủ răng tóc như người trưởng thành. Chuyện này khiến người dân trong vùng kinh hãi gọi hắn bằng cái tên “đứa con của quỷ” – Oniwaka.

Cũng vì bị căm ghét, xua đuổi, tính tình của Benkei càng ngày càng gắt gỏng, bạo lực. Lên 6 tuổi, do ảnh hưởng của bệnh đậu mùa, Benkei càng trở nên đen đủi, xấu xí, dị hợm. Người mẹ đành phải gửi hắn vào Chùa. Ở đấy, Benkei được huấn luyện võ thuật, đến năm 17 tuổi, hắn được giao nhiệm vụ quan trọng, bảo vệ cầu Gojo ở Kyoto.

Tương truyền rằng các Samurai muốn đi qua cầu phái đối đầu với Benkei. Chỉ với một nhát kiếm, hắn hạ sát các Samurai, tước đoạt kiếm của họ như phần thưởng. Thân hình ngỡ nặng nề nhưng thủ pháp lại nhanh nhẹn, thoắt ẩn thoắt hiện, thiên biến vạn hóa, Benkei chính là nỗi ám ảnh của bất kì ai muốn băng qua cây cầu này.

Vậy mà cũng có khi kẻ ngạo nghễ như hắn phải bại trận dưới tay của vị Samurai vĩ đại Minamoto no Yoshitsune. Tuy thân hình bé nhỏ nhưng kiếm pháp và tốc độ của Yoshitsune vượt trội so với Benkei. Sau thất bại, Benkei quyết định trở thành thuộc hạ dưới trướng của Yoshitsune và quyết định cống hiến bản thân với toàn bộ lòng trung thành của mình.

Trải qua nhiều lần “bể dâu” cùng chủ nhân, Benkei đã ghi nhiều chiến công hiển hách, trung thành hết mực. Cho đến cái ngày định mệnh, khi quân đội của Yoshitsune thất thủ tại chiến trường Lâu đài Koromogawa. Nhắm không còn đường lui, để bảo toàn khí tiết, Yoshitsune quyết định thực hiện nghi lễ mổ bụng tự sát của các Samurai. Trong khi đó, Benkei vẫn kiên cường, một mình chống chọi với 500 Samurai tại cổng Lâu đài, ngăn không cho đám người này tiếp cận và phá hoại nghi lễ thiêng liêng của chủ nhân.

Với sức khỏe phi thường cùng khả năng dùng kiếm điêu luyện, Benkei hạ gục được 300 tên. Những kẻ còn lại nhắm không thắng nổi Benkei, đã hạ kiếm chuyển sang dùng cung tên để bắn hạ người khổng lồ. Bị đâm bởi hàng ngàn mũi tên, vậy mà thân hình ấy vẫn đứng sừng sững, không nhúc nhích, tay giữ chặt thanh kiếm. Dáng đứng oai phong lẫm liệt hiên ngang trong tư thế chiến đấu dù đã chết vẫn khiến kẻ địch kinh hãi, hồn lạc phách xiêu. Dáng đứng ấy đã trở thành huyền thoại, vang danh trong các câu chuyện cổ Nhật Bản.

Từ kẻ xấu xí dị hợm bị người đời kì thị, xa lánh, Benkei đã trở thành vị anh hùng dũng cảm kiên cường và đặc biệt, hết mực trung thành với chủ nhân.

Kayoko Sato, một giảng viên người Nhật của Đại học California, thành phố Berkeley (Mỹ) đã so sánh Từ Hải của Việt Nam và Benkei của Nhật Bản như sau:

“Từ Hải và Benkei đều đón nhận một kết cục bi thảm cho cuộc đời, nhưng có một điều mà tôi nhìn thấy trong cái chết của họ là cả hai người đều chết vì sự trung thành với những người họ yêu thương, và họ có thể chết trong tự hào”.

Đúng vậy, điều quan trọng không phải là bạn sinh ra như thế nào mà là cách bạn sống ra sao, để quyết định cuộc sống của bạn có giá trị hay không. Vì thế hãy ngưng than vãn về những gì bản thân không có, mà bắt đầu tìm kiếm những thứ bản thân có thể làm được, để cuộc sống của mỗi chúng ta có ý nghĩa hơn.

Đó là bài học mà người đời trước muốn gửi gắm đến người đời sau, bất kể là quốc gia nào. Bài học về sự vượt lên số phận và nghĩa khí, sự trung thành của con người.

Sachiko

Câu chuyện loạn luân trong cuốn tiểu thuyết cổ nhất thế giới

Dừng chân ở Aomori, đừng quên lắng nghe câu chuyện anh hùng diệt quỷ dữ qua lễ hội đèn lồng khổng lồ

Kỳ lạ câu chuyện tình ngang trái ngựa  người và truyền thuyết về ông tổ nghề dệt

 

 

 

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: