Những bí ẩn xung quanh Himiko – Nữ vương pháp sư đầu tiên của Nhật Bản

Hầu hết các nhân vật lịch sử tồn tại trong khoảng thế kỷ thứ 3 không thể xác minh rõ danh tính vì khoảng cách thời gian và văn hóa, do đó những nhà khảo cổ sẽ đặt ẩn danh cho những người này nhằm mục đích nghiên cứu. Thế nhưng trường hợp nữ vương Himiko là một ngoại lệ. Theo nghiên cứu của Học viện Giáo dục Tự nhiên, 99% học sinh Nhật Bản có thể nhận ra bà. Nữ vương Himiko được biết đến như nhân vật đầu tiên được xác định rõ danh tính trong lịch sử Nhật Bản.

Ảnh Tofugu

Trái ngược với sự tường minh trong tên tuổi, cả cuộc đời bà là những chuỗi bí ẩn đến ngày nay vẫn chưa có lời giải đáp. Hiện tại có rất nhiều tranh cãi giữa các học giả, cũng như giới không chuyên về vị trí chính xác vương quốc mà Himiko trị vì, hay phần mộ của bà nằm ở đâu?

Theo các nhà khảo cổ, Himiko không chỉ là một con người bình thường mà còn là một nữ pháp sư, có thể sử dụng phép thuật kỳ bí. Để nắm được thân thế của bà, hãy cùng “xuyên không” ngược dòng lịch sử, khi Nhật Bản vẫn chưa phải là thực thể chính trị thống nhất như ta biết ngày nay.

Thời nguyên sơ, khi Nhật Bản chưa hình thành

Khi ấy quần đảo Nhật Bản bây giờ là các quốc gia rải rác, hoặc những tiểu quốc gia liên kết với nhau thành liên minh vùng, tuy nhiên quyền lực chính trị đã bắt đầu hình thành và gây ra xung đột trong nội bộ. Các nhà sử học gọi đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa Yayoi (300BC-300AD) và Kofun (250-538AD).

Ảnh Heritage of Japan 

Vào thời gian này, để nắm được quyền lực thống trị, bạn phải mang trong người thế lực siêu nhiên, hoặc chí ít, thuyết phục người khác tin rằng bạn có phép thuật. Bởi vì giống như các vương quốc cổ đại khác, vào thế kỷ thứ 3, sức mạnh tôn giáo liên kết với một thế giới tâm linh, điều khiển đức tin của con người và khiến họ khiếp sợ.

Khi ấy chính quyền rơi vào tay đàn ông, nhưng vì loạn lạc không ngừng xảy ra, sau nhiều cuộc họp bàn đã để nữ pháp sư Himiko lên làm nữ vương. Từ đó vương quốc Yamatai trở lại trạng thái hòa bình êm ấm trước kia. Nguyên nhân đến giờ vẫn chưa có lời giải.

Ảnh Tofugu

Điều lạ là dù Yamatai thuộc lãnh thổ Nhật Bản, không có tài liệu nào của Nhật đề cập đến Himiko cho đến thế kỷ thứ 8. Các thông tin về bà đa phần tìm thấy trong sử sách Trung Hoa, chủ yếu trong bộ “Hồ sơ Tam Quốc” – một trong những tư liệu lịch sử đáng tin cậy nhất của Trung Quốc. Tuy rằng sự tồn tại của nữ hoàng Himiko và vương quốc Yamatai đã được thừa nhận, đến tận bây giờ, vị trí chính xác của nó vẫn là một nghi vấn.

Những bí ẩn về Himiko 

Ngày nay tại bảo tàng Kyoto có lưu trữ một chiếc gương được xem là chiếc gương ma thuật đã được Himiko sử dụng để làm phép thuật.

Theo các đánh giá sơ bộ, gương ma thuật thuộc dòng gương “sankakubuchi shinjukyo”. Đây là một loại gương hội tụ ánh sáng hình tam giác có vành, thường được sử dụng vào các mục đích tâm linh, thần học.

Ảnh Green Shinto

Theo một số thí nghiệm, chiếc gương có thể phóng chiếu những gì ở phía sau ra phía trước nếu được đưa ra trước ánh sáng mặt trời. Ông Ryu Murakami, người đứng đầu ban khảo viện của Bảo tàng Quốc gia Kyoto, cho biết: “Chắc chắn đã có ai đó nhận biết hiện tượng này và chủ ý tạo chiếc gương theo phương thức tích tụ và phản chiếu ánh sáng như thế này. Tôi tin rằng, cách này có liên quan đến văn hóa thờ thần Mặt trời”.

Sở dĩ người ta tin rằng chiếc gương bí ẩn tại bảo tàng Kyoto có liên hệ với Himiko không chỉ vì nó được khai quật ở nơi được nghi ngờ là hầm mộ của bà, mà còn vì trên đó có khắc dòng số “239”. Đây là năm mà một vị Hoàng đế Trung Quốc đã tặng 100 chiếc gương đồng cho Nữ hoàng Vương quốc Yamatai.

Ảnh Green Shinto

Nghiên cứu này không chỉ gây tranh cãi trong giới khảo cổ Nhật Bản, mà còn thu hút sự quan tâm từ phía Trung Quốc. Thậm chí bên Trung Quốc còn kết luận rằng các nghệ nhân Trung Quốc sống tại Nhật chính là những người tạo ra chiếc gương cho nữa hoàng Himiko thông qua sự quan sát, nghiên cứu từ một chiếc gương khác có hình dáng tương tự.

Mối liên hệ giữa Himiko với văn hóa Nhật Bản hiện nay

Nhắc đến nữ pháp sư, có lẽ sẽ nhiều bạn nghĩ đến những Miko giữ đền. Tại sao Miko lại phải là nữ chứ không phải nam, câu trả lời bắt nguồn từ thời đại của pháp sư Himiko, khi loạn lạc được dẹp bởi phụ nữ chứ không phải là đàn ông.

Ảnh WallDevil

Ngoài ra, như đã nói ở trên, chiếc gương ma thuật của Himiko gợi đến phong tục thờ Thần Mặt Trời của người Nhật.

Mặc dù bị chối bỏ bởi lịch sử nước nhà trong thời gian dài, ngày nay, sự hiện diện của Himiko trở thành một niềm tự hào với người dân xứ xở Hoa Anh Đào. Ở Kyushu có những bức tượng của Himiko nằm rải rác bên ngoài ga Kanzaki, gần hẻm núi Miyazaki Takachiho và tại đền Himiko ở Hayato.

Thành phố Yoshinogari, Saga tổ chức lễ hội đốt lửa hằng năm với sự xuất hiện của những người trong trang phục của Himiko, từ đó cũng cho ra đời loại rượu nổi tiếng của Kyushu là “Himiko Fantasia” shochu. Thành phố Sakurai đã minh họa hình ảnh của Himiko qua Anime, biến bà thành một linh vật. Thậm chí có cả một Website giành riêng cho Mascot này, bạn có thể tham khảo ở đây: “Himiko-chan’s Page.”

Ảnh Kahotan’s Blog 

Himiko – sự xuất hiện của bà dù rằng đã được lịch sử chứng minh là có thật, nhưng xung quanh vẫn có rất nhiều bí ẩn liên quan đến vị trí vương quốc, hầm mộ và những phép thuật bà đã sử dụng.  Tuy nhiên, có một sự thật rằng vị nữ vương ấy đã trị vì vương quốc 2000 năm, trở thành nữ nhân đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản nắm quyền lực chính trị, đồng thời chứng minh được quyền lực tôn giáo trong giai đoạn hiện tại.

Sachiko

Người đàn bà đẹp: Định vị trào lưu vai trò nữ quyền đầy thú vị ở Nhật Bản

Có phải tất cả các nữ Pháp sư trong Đền Thần đều là trinh nữ ?

Té ngửa với 10 tội danh hy hữu nhất trong lịch sử Luật Pháp Nhật Bản

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: