Những điều bạn chưa biết về đám cưới truyền thống của đạo Shinto

Hôn lễ ở Nhật Bản được chia làm hai loại: kiểu truyền thống và kiểu phương Tây, với những phong tục mang ý nghĩa hết sức đặc biệt.

Tuy hình thức rất khác nhau nhưng điểm chung của hai kiểu hôn lễ là cô dâu chú rể đăng ký kết hôn tại chính quyền địa phương, sau đó mới tổ chức cưới hỏi trước sự chứng kiến của cha mẹ và bạn bè hai bên.

Ngày cưới, vì thế thường được lấy là ngày làm thủ tục chứ không phải ngày tổ chức nghi thức cưới xin.

Đám cưới truyền thống

1. Trao lễ vật

Một buổi lễ đính hôn với sự có mặt của cô dâu chú rể và bố mẹ hai bên

Nghi thức đính hôn (hay còn gọi là Yuino) là khi hai gia đình gặp mặt và trao đổi quà tặng.

Ngày nay, nghi thức này không thịnh hành như trước nhưng nhiều cặp đôi vẫn thực hiện phong tục này sau khi cầu hôn thành công.

Những món quà thường thể hiện niềm hy vọng và sự lạc quan trong hôn nhân, ví dụ như Shiraga (sợi gai), tượng trưng cho ước muốn cặp đôi sẽ sống với nhau đến già hoặc chiếc quạt – biểu tượng của sự giàu có và phát triển.

2. Đám cưới được thực hiện theo nghi thức đạo Shinto

Đám cưới truyền thống theo đạo Shinto của Nhật

Theo truyền thống, cặp đôi Nhật sẽ làm đám cưới theo kiểu Shinto (Thần đạo) ở một ngôi đền và được cử hành bởi một tu sĩ.

Thần đạo là quốc giáo của Nhật Bản và là một trong những tôn giáo chính ở đất nước này, vì vậy kết hôn theo nghi thức Thần đạo có thể coi là phổ biến nhất ở Nhật thời xưa.

Sau khi làm lễ ở đền, các nghi lễ chính được tổ chức ở nhà chú rể.

3. Cô dâu chú rể mặc thay rất nhiều bộ quần áo

Bộ trang phục truyền thống của cô dâu chú rể trong lễ cưới

Trong đám cưới, cô dâu chú rể sẽ thay rất nhiều bộ quần áo, đặc biệt là cô dâu. Thông thường, trong một đám cưới truyền thống, cả hai sẽ mặc bộ kimono.

Chú rể mặc montsuki, một dạng kimono trang trọng màu đen. Còn cô dâu mặc shiromuki, một bộ kimono trắng truyền thống, thể hiện sự thuần khiết và mang ý nghĩa cô dâu sẽ trở thành một màu sắc trong gia đình chồng.

Ngoài ra, cô dâu còn đội một chiếc mũ dài trắng để giấu đi ‘chiếc sừng’ – ý nói người phụ nữ sẽ không ghen tuông mù quáng, trở thành một người vợ hiền đảm.

Nếu cô dâu mặc một bộ kimono cưới nhiều màu sắc, nó được gọi là iro-uchikake.

Cô dâu búi tóc và mang theo người một chiếc túi xách nhỏ gọi là hakoseko, một thanh gươm nhỏ (kaiken) và một chiếc quạt trong đai obi, tượng trưng cho tương lai hạnh phúc sau này.

4. Rượu giao bôi

Nghi thức San san ku do

Đây là nghi thức xuất hiện trong đám cưới truyền thống. Trước khi uống rượu giao bôi, cặp đôi sẽ được thanh tẩy, nghĩa là họ được xua đuổi những linh hồn quỷ dữ.

Thay vì trao lời thề, cô dâu chú rể uống rượu sake từ 3 chiếc cốc khác nhau (gọi là sakazuki), mỗi cốc 3 ngụm.

Sau đó, cha mẹ họ sẽ nhấp một ngụm, tượng trưng cho việc kết giao giữa hai gia đình.

Mỗi ngụm rượu ở từng chiếc cốc đều có ý nghĩa độc đáo riêng. 3 ngụm đầu tiên tượng trưng cho đôi vợ chồng mới cưới và bố mẹ hai bên; 3 ngụm thứ hai thể hiện sự căm ghét, mê muội và ngu dốt còn 3 ngụm cuối là mong muốn không mắc phải những sai lầm trên.

Nghi thức này có tên gọi ‘san san ku do’, nghĩa là ‘ba, ba và chín’. Với người Nhật, 9 là con số may mắn.

Theo Quỳnh Anh/ Gia đình mới

Mốt đám cưới không chú rể ở Nhật Bản 

Người Việt Nam quẫy tới bến, người Nhật khóc lóc đầm đìa trong lễ cưới

Những điều chưa biết về đám cưới ở Nhật Bản

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: