Tìm hiểu về hài Kyogen – “Món đính kèm” không thể bỏ qua khi xem kịch Noh

Nhắc đến nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, thông thường kịch Noh là cái tên được biết đến nhiều nhất. Nhưng bạn có để ý, xen lẫn những vở Noh nặng nề sẽ có một số vở hài kịch vui nhộn. Những vở hài kịch đó được gọi là Kyogen.

Có thể nói, Noh và Kyogen là hai người bạn đồng hành không thể tách rời, như mặt trăng và mặt trời, như ngày và đêm vậy…

Để tìm hiểu kỹ hơn về  “người bạn” này của kịch Noh, hãy cùng Japo đi vào cụ thể nhé.

Nguồn gốc

Kyogen (nghĩa trong tiếng Nhật là “cuồng ngôn”) là để chỉ các lời nói, cử chỉ mang tính khôi hài hoặc vượt khỏi những khuôn khổ thông thường.

Cả Noh và Kyogen đều có nguồn gốc từ một loại kịch được gọi là Sarugaku.

Từ Sarugaku đã hình thành nên Nogaku, một loại hài kịch mang tính ứng tác. Khi Noh và Kyogen chưa phát triển và phân hóa ra như ngày nay thì Nogaku là cội nguồn của cả 2 thể loại này.

Sau đó, phần hài hước trong Nogaku được đẩy lên và được tinh luyện để chuyển thành Kyogen. Phần còn lại chuyển dần sang sự nghiêm chỉnh và huyền ảo gọi là kịch Noh.

Kyogen được chia thành có ba loại: Honkyogen – biểu diễn giữa 2 vở kịch Noh; Aikyogen – xuất hiện giữa 2 màn trong 1 vở kịch Noh và Betsukyogen – kịch Kyogen đặc biệt (diễn riêng).

Hình thức 

Nó giống với kịch Noh về nguồn gốc cũng như bề dày lịch sử, nhưng bản chất thì lại khác biệt rất lớn.

Ngược với bầu không khí căng thẳng và thế giới huyền bí trong kịch Noh, Kyogen lấy mục tiêu là chọc cười khán giả.

Một vở Kyogen có không quá 3 nhân vật, chỉ diễn trong vòng 10 phút cùng với các loại nhạc cụ như sáo, trống và chiêng. Tuy nhiên, hài kịch này tập trung vào các đoạn đối thoại và chuyển động của diễn viên, chứ không phải là về âm nhạc hay nhảy múa.

Trang phục của các diễn viên Kyogen thường là Kamishimo (trang phục thời Edo bao gồm áo Kataginu và quần Hakama), nếu có vai người thầy hoặc chủ nhân thì thường mặc Nagabakama (quần dài).

Giống như Noh và Kabuki, tất cả các diễn viên Kyogen (kể cả những người đóng vai nữ) đều là nam giới.

Vai diễn của phụ nữ được thể hiện bằng một bộ trang phục đặc biệt, Binankazura – bao gồm một chiếc khăn dài màu trắng, quấn quanh đầu, dài đến tận đầu gối, chỗ thắt lưng được giắt vào trong đai. Ở hai bên đầu được quấn lên như hai cái sừng nhỏ.

Sân khấu là một phần quan trọng của kịch Kyogen, hỗ trợ cho các bước chuyển động của nhân vật. Kyogen thường được biểu diễn trên sân khấu Noh.

Tuy nhiên, Kyogen cũng có thể được biểu diễn trên các sân khấu khác và thường do các nghệ sĩ trẻ tuổi hoặc nghiệp dư thể hiện.

Nội dung

Nội dung của nó đi vào mô tả khía cạnh phức tạp trong tính cách của người Nhật.

Nhân vật chính trong mỗi vở Kyogen là tầng lớp dân thường trong xã hội, với những mô típ điển hình như người hầu và lãnh chúa, những ông chồng lười, những bà vợ lắm mồm, những chàng Samurai ngờ nghệch…

Kyogen dùng ngôn ngữ thường ngày, gần gũi với cuộc sống bình dân nên trực quan và rất dễ hiểu.

Mặc dù thường được biểu diễn ở chùa chiền cho tầng lớp quý tộc thưởng thức, nhưng cũng không thiếu những vở Kyogen được dựng nên để châm chọc Phật giáo và giới tăng lữ…

Chúng biến các lãnh chúa hay các nhà sư thành trò cười, đôi khi chúng cũng “thêm mắm muối” vào những câu chuyện ngớ ngẩn của dân chúng.

Chẳng hạn như tác phẩm “Lãnh chúa Hagi” phê phán một lãnh chúa nhà quê được người hầu Taro dẫn đi thăm vườn hoa Hagi, trong khi đi thăm, do ít học nên gây ra rất nhiều sự cố, kể cả việc đọc sai thơ Waka (thơ Tanka) cũng vậy.

Hay như Imoji – câu chuyện về những người đàn ông muốn tìm nàng dâu bèn đi cầu nguyện với thần linh, hay chuyện Obagasake nói về người nghiện rượu đến mức uống rượu mãi cho đến khi hóa thành quỷ…

Kyogen đem lại tiếng cười cho khán giả, giúp họ thư giãn sau quá trình xem kịch Noh nghiêm túc.

Khi đi xem kịch Noh thì bạn sẽ có cơ hội thưởng thức cả Kyogen nữa, lúc ấy hãy bỏ hết gánh nặng trên vai để thưởng thức vui vẻ nhé.

Nguồn ảnh: hai-kich-kyogen

Koibito yo

Bạn đã từng xem Kịch Noh Nhật Bản?

Những điều bạn chưa biết về đám cưới truyền thống của đạo Shinto

Bạn biết gì về thể thơ quý tộc ra đời sớm nhất Nhật Bản?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: