Nghệ thuật Kodo: Cách người Nhật “nghe hương”

Tồn tại một cách âm thầm, lặng lẽ suốt 500 năm, cùng với Trà đạo và Hoa đạo (nghệ thuật cắm hoa) kết hợp thành bộ ba mỹ đạo của Nhật. Nhưng dường như Hương đạo có vị trí khiêm nhường hơn “những người bạn” còn lại.

Loại hình nghệ thuật này ít được người đời thưởng thức bởi nhiều lý do, có thể do tính trừu tượng của tên gọi hay cách thưởng thức không bị đóng khuôn theo cảm nhận của một cá nhân nào.

Tuy nhiên, Hương đạo cũng song hành với người Nhật cả một quãng dài lịch sử mà khi nhắc đến, vẫn gợi một nét nghệ thuật rất riêng của con người xứ sở Phù Tang.

Con đường “Hương đạo”

Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức hương Trầm (Kodo) – điều độc đáo ấy chỉ có ở Nhật Bản.

Mặc dù đến thế kỷ XV Hương đạo mới được định hình, nhưng trên thực tế, thú tao nhã này đã bắt nguồn từ khi Phật giáo du nhập vào thế kỷ VI.

Khởi thuỷ của Kodo cách đây khoảng 500 năm. Chuyện kể lại rằng, vào thời Ashuka, có một khúc gỗ trôi dạt vào đảo Awaji.

Một người dân nhặt được đã mang về làm củi, nhưng khi đốt lên thì toả một mùi thơm hết sức lạ lùng, chưa bao giờ họ được ngửi một hương thơm nào kỳ lạ như thế. Biết là gỗ quý, vội dâng lên Tiên Hoàng Suiko. Tiên Hoàng đoán ngay là báu vật Trầm hương, ngài nghĩ Phật đã ban cho dân đảo Awaji món quà quý.

Từ đó, ngài chỉ được dùng Trầm hương làm lễ tế Phật và những dịp đặc biệt liên quan đến tôn giáo.

Đến thế kỷ thứ IX thời Heian, nó vượt ra khỏi giới hạn này và được sử dụng một cách rộng rãi vì mùi thơm thanh nhã rất được giới quý tộc thời đó ưa chuộng. Người đương thời thường làm thành các túi thơm, ủ trong quần áo hoặc mang theo bên mình.

Cuối thế kỷ XII thời Kamakura, với sự ra đời và thâu tóm quyền lực của giới võ sĩ Samurai, ảnh hưởng của Thiền đậm nét đến văn hoá Nhật nên Hương đạo cũng không nằm ngoài khuôn khổ. Người ta không thưởng thức Trầm một cách hào nhoáng như giới quý tộc trước đây, thay vào đó, nó quay trở lại với giới hạn của đền chùa hay lễ tế. Thường được đốt trong những am nhỏ, không khí cũng u huyền, tĩnh mịch như chính tinh thần Võ đạo.

Dưới thời Muromachi (1336- 1573), xã hội Nhật loạn lạc, phận người trở nên mong manh nên những người đương thời cũng thưởng hương theo triết lý vô thường. Giai đoạn này, nó được kết hợp với uống trà (thưởng trà), đôi khi họ còn tổ chức những trò chơi để tìm ra mười vị trà và hương trầm khác nhau.

Đến thời Edo, Kodo được chú trọng hơn cả, những dụng cụ để phục vụ cho nó được chế tác hết sức tinh xảo, cầu kỳ. Đây được xem là thời kỳ vàng son của Hương đạo.

Gần đây, những lớp học về nghệ thuật này đang được mở dần trở lại trên khắp nước Nhật và ngày càng được nhiều người đón nhận.

Nghệ thuật “thưởng hương”

Đối với người Nhật, đã bước vào thế giới Hương đạo thì không thể gọi bằng từ “Kawo kagu” mà phải là “Kawo kigu” hay “nghe hương”.

Tức là lắng nghe tiếng lòng. Không phải ngửi đơn thuần mà phải huy động cả 5 giác quan. Nghe bằng cõi thẳm sâu nhất.

Để “nghe” một mùi hương, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế. Phải ngồi tử tế, tay trái nâng chén hương, tay phải che miệng chén sao cho làn hương chỉ đi qua khe ngón trỏ và ngón giữa, sau đó hít thật sâu.

Làn hương sẽ thấm vào mũi, chạm đến tâm hồn, lúc đó người thưởng sẽ gọi tên mùi hương.

Việc nhận biết các mùi hương rất khó, bởi lẽ, nếu khứu giác không tinh thì đều ngửi thấy những mùi gần giống nhau. Thưởng hương cần phải tập trung cao độ. Nếu người thưởng hương chỉ một giây xao lãng thì cũng có thể không phân biệt được mùi hương của nó”, nghệ nhân hương đạo Imaizumi Fusako, Câu lạc bộ Hương đạo Shinoryu, Kashiwa cho biết.

Hương trầm được chia thành 6 loại bao gồm 5 vị: đắng, ngọt, mặn, chua, cay và không có vị. Để có thể phân biệt được, người thưởng hương phải mất nhiều năm rèn luyện và có một khứu giác nhạy bén.

Khi thưởng thức, xung quanh phải tuyệt đối yên lặng, không gian tĩnh mịch, đồng thời không một đồ vật gì được để trước mặt để tránh sự xao nhãng.

Thưởng hương ngày nay như một giải pháp trị liệu cho tâm hồn với một số mục đích như:  Tăng khả năng cảm giác, thanh tẩy tâm hồn, thanh lọc cơ thể, xua tan cơn buồn ngủ, chữa cô đơn, làm đầu óc bình tĩnh,…

Hương Đạo không đơn thuần về cảm nhận mùi hương mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa của người thưởng thức, là một phương tiện hữu hiệu giúp cho tâm hồn thư thái, thưởng hương để thấy lòng mình thanh thản.

Rõ ràng, đối với người Nhật, bất cứ một điều bình dị nào cũng được nâng tầm thành nghệ thuật. Bạn có muốn một lần thử “nghe hương” như cách của họ không?.

Nguồn ảnh: huong-dao-kodo

Koibito yo

Trà đạo-nghệ thuật thưởng thức đỉnh cao

Cung đạo, tinh hoa nghệ thuật Nhật Bản

Quốc hoa của Nhật Bản có phải là hoa anh đào?

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: