Thẻ gỗ Ema: Sự “mê tín”dễ thương của người Nhật

Khi những ngày cuối cùng của năm cũ gần khép lại. Người Nhật đang tất bật dọn nhà, sắm sửa đón năm mới. Và một phong tục không thể thiếu trong ngày 1/1 hoặc đêm giao thừa 31/12 đó là, đến đền Thần gần nhà để cầu an cho một năm mới tốt lành. Nếu ghé đến các ngôi đền dịp này, bạn sẽ thấy những mảnh gỗ nhỏ có ghi chữ được treo nơi đây. Người Nhật gọi đó là Ema – thư gửi những vị thần.

Ema là một tấm thẻ gỗ được trang trí hình ảnh hơi hướng cầu phúc hoặc tạ ơn. Người ta cho rằng, khi viết lên tấm Ema điều ước nguyện và thành tâm treo lên đền thờ thì thần linh sẽ nghe thấy và biến chúng thành sự thực.

Nó không chỉ là tôn giáo, lịch sử mà còn là đời sống tâm hồn người Nhật. Ema là sự kết hợp của “E” – bức tranh và “Uma” – con Ngựa.

 

Thời kỳ Nara, vào các dịp lễ thần, ngoài rượu gạo truyền thống, các món bánh, người ta còn tế  lễ thêm một con Ngựa trắng với ý nghĩa chuyên chở ước nguyện của họ đến với thần linh.

Tuy nhiên, để kiếm một chú Ngựa trắng không có vết đốm rất khó và tốn kém, việc thay thế bằng đất sét hoặc giấy là không thể. Cuối cùng, người ta nghĩ ra cách vẽ một con ngựa lên mảnh gỗ rồi treo lên. Càng về sau, thay vì cầu khấn, họ viết lên bức tranh Ngựa đó điều ước, và Ema ra đời.

 

Lúc đầu, Ema chỉ giới hạn trong Thần đạo, nhưng sau được Phật giáo chấp nhận. Khắp các chùa cũng treo những bức tranh Ngựa này.

Trong thời Muromachi, những hình ảnh khác ngoài Ngựa bắt đầu xuất hiện với kích cỡ lớn hơn.

Đến Azuchi-Momoyama, Ema phát triển đến mức người ta thành lập nên “hội trường Ema”, nơi đó các nghệ sĩ trình bày tác phẩm thiết kế của mình với hình dạng, màu sắc, bức tranh khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là Ema có vẽ hình vị thần hoặc đền thờ. Đó như một phòng trưng bày nghệ thuật.

 

Ngày nay, Ema lại gắn liền với hình ảnh 12 con giáp. Có nghĩa là đến năm nào thì người ta sẽ vẽ hình con vật đó, rồi bày bán trước đền. Ví dụ, năm 2012 là năm con Rồng, bạn sẽ thấy Ema có vẽ Rồng khắp nơi.

Càng về sau, nó lại được biến tấu thân thiện và hài hước hơn. Bạn có thể bắt gặp một số Ema có vẽ tranh các nhân vật hoạt hình thích hợp với trẻ nhỏ.

 

 

Vào mùa thi, lại xuất hiện những tấm gỗ liên quan đến may mắn cho các sĩ tử. Vào thời gian này, hầu hết sinh viên, học sinh sẽ lên đền cầu nguyện với mong muốn vượt qua kỳ thi.

Thuỷ thủ ra khơi sẽ treo lên ngôi đền gần nhất bức tranh với hình ảnh con thuyền và mặt trời mọc, nhằm gửi lời khấn nguyện đến vị thần Kompira dẫn đường của ngư dân.

Chiến binh ra trận sẽ treo tranh một vị tướng với thanh gươm cưỡi ngựa. Người mẹ muốn có con sẽ treo tranh hình em bé xinh đẹp và khoẻ mạnh.

 

Kỹ nữ treo tranh vẽ chính họ và cầu xin các vị thần bảo trợ. Quả thật, chúng ta có thể tìm thấy ở đây mọi khao khát xuất phát từ trái tim, thuần khiết chân chính đến hài hước.

Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải viết bằng tiếng Nhật. Có vẻ như các vị thần ở đây rất “giỏi ngoại ngữ”.

Bất cứ ai cũng có thể mua Ema, thông thường một miếng gỗ có vẽ tranh giá khoảng 500 – 1000 Yên.

Chúng được bán trong những gian hàng nhỏ trước cổng đền, nếu không có ai, bạn chỉ cần bỏ tiền vào hộp và lấy một thẻ gỗ. Số tiền bán bùa sẽ góp vào công quỹ của đền.

Đối với du khách nước ngoài, Ema là một vật trang trí dễ thương và rẻ khi du lịch Nhật. Dù không treo trước những ngôi đền Thần đạo, nhưng nó xuất hiện trong nhà cũng mang một ý nghĩa tâm linh.

Bạn đã sẵn sàng để viết điều ước của mình lên một tấm gỗ Ema cho năm mới sắp đến chưa?

Nguồn ảnh: zoomingjapan.com

Koibito yo

Lời nguyền công viên Inokashira: Hễ cặp đôi nào đến là chia tay

Không cần cầu mưa, Giáng Sinh này đã có quán cà phê chống cô đơn chào đón bạn

Lạ đời thương hiệu Sake nổi tiếng yêu cầu người tiêu dùng đừng mua giá cao

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: