Đổi gió đầu năm: “ăn tết” theo kiểu truyền thống Nhật
あけましておめでとうございます
Chúc mừng năm mới, các độc giả yêu quý của JAPO ơi!!
Hôm nay là ngày 1/1, ngày đầu tiên của năm 2018.
Ở Nhật, đây là ngày đầu tiên trong 3 ngày nghỉ tết hay còn gọi là Oshogatsu.
Được thong thả nghỉ ngơi tận 3 ngày (Thật ra có nơi cho phép nhân viên nghỉ từ 30/12 – 3/1), người Nhật cảm nhận rõ hơn 365 ngày bận rộn vừa qua mình đã cố gắng được gì và bỏ lỡ những điều quý báu nào?
Và cùng với gia đình, người Nhật luôn làm một số việc theo truyền thống lâu đời.
Đó là gì? Hãy cùng Japo tìm hiểu nhé!
Ăn súp Mochi (Ozouni)
Sáng ngày 1/1 trong bữa ăn của người Nhật sẽ xuất hiện một món. Đó là Ozouni.
Đây là món súp rau củ hầm với gà, sau đó cho Mochi vào ăn.
Nếu chưa ăn món này, hẳn là ngày tết trong thâm tâm người Nhật vẫn chưa bắt đầu.
Ăn Set cơm thượng hạng – Osechi
Đây có lẽ là món cơm hộp Bento đắt tiền nhất năm mà người Nhật ăn. Thường được bán ở các siêu thị hoặc cửa hàng cơm hộp vào ngày cuối cùng của năm cũ.
Người Nhật thường chỉ muốn có thời gian nghỉ ngơi chứ không vào bếp nhiều. Vì vậy Osechi là món để nhâm nhi từ trưa đến tối, có khi từ ngày này qua ngày khác, có khi thêm cả rượu.
Cũng vì thế mà trong phần cơm này không hề có món dễ ôi thiêu như cá sống Sashimi.
Ngoài ra mỗi món ăn trong Set này đều mang một ý nghĩa riêng mang lại sự đủ đầy và hạnh phúc cho một năm.
Đi viếng đền (Hatsumode)
Nghi thức này diễn ra vào ngày 1/1.
Khi mọi người đã ăn no, uống say thì cả nhà sẽ cùng nhau đến đền thờ gần nhà để cầu nguyện.
Với mục đích gặp gỡ những vị thần của năm mới và cầu mong sự giúp đỡ của thần linh. Người Nhật sẽ luôn chắp tay và nói:
“今年もよろしくお願いします!”
Xem thiệp năm mới
Ở Nhật, lời chào năm mới rất quan trọng trong các mối quan hệ. Vì vậy họ thường có thói quen gửi thiệp năm mới (年賀状) đến các gia đình, họ hàng, bạn bè hoặc khách hàng để chúc mừng.
Các hoa văn trên thiệp năm mới rất đa dạng, từ 12 con giáp đến hình gia đình, con cái họ. Mặt sau sẽ viết lời chúc. Bạn có thể mua ở bất cứ đâu, từ nhà sách, siêu thị cho đến bưu điện. Nhân viên bưu điện sẽ nhận thiếp và gửi ngay vào ngày 1/1 cho các địa chỉ được giao.
Ai nhận được thiệp sẽ mở ra xem và chọn ra tấm thiệp đẹp nhất để khoe với cả nhà. Thật là một phong tục ấm áp và rất Nhật phải không nào!
Thả diều
Đây là phong tục đã không còn phổ biến ở dịp tết, nhưng thời xưa, hễ nhắc đến là bọn trẻ lại háo hức ra bãi cỏ trong vùng thả diều. Từng con diều tung bay như mong ước của trẻ thơ cho năm mới vậy.
Đặc biệt vào mùa đông, ở vùng Kanto, các bé trai mê mệt trò này và thường rủ nhau tham gia.
Chơi đánh cầu (Hanetsuki)
Đáng tiếc rằng, trò chơi dành cho bé gái này cùng dần mai một. Đánh cầu cũng tương tương như môn cầu lông của Việt Nam.
Có điều ở đây, ai thua sẽ bị vẽ mực lên mặt.
Lì xì (Otoshidama)
Hoạt động được trẻ em mong đợi nhất vào dịp tết đây rồi. Chúng sẽ được ba mẹ, họ hàng tặng cho phong bao lì xì. Số tiền cũng không nhiều, có thể chỉ đủ góp vào tiền ăn vặt của các bé. Nhưng cũng tuỳ đối tượng, một khi chưa làm ra tiền thì vẫn được nhận một khoản kha khá.
Và có một câu chuyện thú vị về “mẹ giữ tiền” muôn thuở rằng:
“Nhiều tiền như vậy con sẽ xài hết thôi. Chi bằng đưa cho mẹ, mẹ sẽ giữ giúp con!”
Cứ như vậy, bất cứ đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn đưa cho mẹ mình cất, và nghĩ rằng khi nào cần dùng sẽ lại lấy được thôi.
Tuy nhiên, chúng đã nhầm. Một khi những đứa trẻ ngày nào lớn lên và chợt nhớ lại
“Số tiền lì xì mẹ giữ đâu rồi nhỉ?”
Bởi ba mẹ cho lì xì những đứa trẻ khác cũng “khó khăn” mà, ba mẹ phải lấy lại “vốn” chứ!
Nên các em nhỏ hãy hiểu nhé! Và chỉ cần tận hưởng việc nhận một món tiền mừng tuổi vào đầu năm là được rồi!
Mua túi may mắn (福袋)
Fukuro trong tiếng Nhật nghĩa là chiếc túi nhưng Fuku cũng có nghĩa là Phúc đức, thế nên người Nhật dùng cách chơi chữ này để chỉ những món quà may mắn đựng trong túi màu đỏ hay còn gọi là túi Phúc.
Như trong hình trên, chỉ cần mua túi Phúc giá 1 Man (2 triệu đồng) bạn có thể nhận được giá trị sản phẩm lên đến 3 Man (6 triệu đồng).
Đây thật ra là cách các siêu thị và cửa hàng “tống” đi những hàng tồn kho của năm cũ. Tuy nhiên, vì hoàn toàn không biết bên trong chứa những gì nên đôi khi bạn sẽ vớ phải những thứ dư thừa với mình,
Vậy nên dù giá trị sản phẩm là 6 triệu thì chỉ có 2 triệu là đồ dùng thiết thực cho từng người. Những lúc đó, bạn nên trao đổi với bạn bè để lợi cả đôi đường nhé!
Ngày nghỉ tết kết thúc, các gia đình sẽ bắt đầu chuỗi ngày lao động thường là từ 4/1 hoặc 5/1.
Nếu những bạn đang ở Nhật đọc được bài viết này, hãy cố gắng tận hưởng trọn vẹn không khí tết theo những phong tục truyền thống mà Japo đã giới thiệu trên đây nhé!
Chúc các bạn năm mới nhiều sức khoẻ, niềm vui và may mắn trong cuộc sống!
Kengo Abe
Chuyện nước Nhật: Cái tết đầu tiên xa xứ