Bạn có biết, trước cả ô trong suốt, người Nhật đã “nghiện” Wagasa từ hơn 1000 năm nay ?
Từ thuở xa xưa, hang động và cây cối là nơi trú ẩn của tổ tiên loài người. Theo thời gian, họ dựng lên những mái nhà để bảo vệ bản thân dưới ánh nắng mặt trời hoặc những cơn mưa.
Tuy nhiên, trú ẩn đồng nghĩa với việc bạn sẽ mắc kẹt ở một nơi nào đó cho đến khi những cơn mưa dịu đi.
Một số người đã nảy ra ý tưởng là “mang theo mái nhà khi di chuyển” bằng một cái que. Thế là chiếc ô được khai sinh từ đó. Với công nghệ mới này, con người cảm thấy hài lòng vì có thể ở bất cứ đâu mà không sợ những cơn mưa làm ướt.
Ô từ lâu đã là một phần của văn hoá Nhật. Lịch sử nước nhật trải qua những thăng trầm đều có sự góp mặt của chiếc ô. Một vật rất cần thiết, luôn hiện diện khắp nơi.
Từ giấy đến nhựa
Chiếc ô đầu tiên làm bằng giấy dầu có nguồn gốc từ Trung Quốc sau đó lan sang các nước láng giềng. Không rõ nó thâm nhập vào Nhật Bản từ năm nào nhưng đã có mặt trong suốt thời kỳ Asuka (538-710). Ngay khi mới xuất hiện, nó rõ ràng là một món quà xa xỉ và gắn với một ý nghĩa thiêng liêng nào đó.
Vào thời Edo (1603-1868), nhiều xưởng sản xuất ô thủ công ra đời kéo theo việc nó được sử dụng rộng rãi hơn. Samurai là tầng lớp tiêu thụ nhiều nhất.
Từ thời Minh Trị trở đi, đặc biệt là sau thế chiến thứ II, ô truyền thống bị lu mờ bởi sự xâm nhập của văn hoá phương Tây.
Những chiếc ô bằng nhựa bắt đầu xuất hiện, và xu hướng này ngày càng phát triển. Cho đến hiện tại, ô được sản xuất hàng loạt với kiểu dáng và chất liệu cũng cao cấp hơn. Nhật Bản hiện tại còn rất ít nghệ nhân còn giữ gìn cách làm ô truyền thống, chủ yếu ở Kyoto, Yodoe, và tỉnh Gifu.
Ô dùng với nhiều mục đích khác nhau
Ô truyền thống Nhật bản được gọi tên là Wagasa. Và không phải chỉ một kiểu thôi nhé. Có rất nhiều loại ô, chúng được gọi tên và dùng trong những mục đích khác nhau.
- Bangasa là loại ô lớn, nặng thường được sử dụng cho nam giới.
- Higasa là loại ô giấy nhẹ, không phủ dầu nên chỉ dùng che nắng.
- Honshiki nodategasa là loại ô lớn, chỉ dùng cho các sự kiện ngoài trời như các buổi trà đạo.
- Janome kasa là loại ô nhẹ, ít nan tre và chỉ dùng cho tầng lớp yểu điệu thục nữ.
Kết cấu
Wagasa khác với ô dù của phương Tây ở một số điểm quan trọng. Đầu tiên, chất liệu để làm chúng là giấy dầu chống thấm nước.
Cách đóng mở của chúng cũng khác hoàn toàn. Mỗi chiếc Wagasa được tạo bởi 30 – 70 nan tre phủ rộng quanh một trục chính khi mở chiếc ô ra. Trong khi ở phương Tây thì nan ô được làm bằng kim loại và gấp khúc.
Điểm khác biệt này tạo cho hình dáng của Wagasa sẽ thẳng khi mở, còn ô phương Tây sẽ có mái vòm.
Cách làm
Đầu tiên, người thợ sẽ chuẩn bị vật liệu là các nan tre. Tiếp đến, gắn chúng vào một vòng tròn cố định ở một thanh gỗ dài, bằng những răng cưa phù hợp với cấu trúc đóng – mở.
Cuối cùng, họ sẽ dán giấy dầu được cắt sẵn vào nan tre một cách khéo léo và kín để nước không lọt vào trong mỗi khi đi dưới trời mưa.
Giấy truyền thống này được cắt, nhuộm màu và trang trí, sau đó được phủ bằng dầu hạt Lanh để chống thấm.
Tiếp đến là sấy khô, để vài ngày rồi mới dán lên những nan tre với một vài phụ kiện trang trí đi kèm.
Chiếc ô là văn hoá – nghệ thuật – thời trang của Nhật bản
Trong vở kịch “Sukeroku” được chiếu năm 1713, nhân vật chính đã sử dụng chiếc ô như một phụ kiện để giữ mái tóc mình khi đi dạo trên đường phố Yoshiwara.
Trong những vở kịch Kabuki có khá nhiều điệu nhảy kết hợp với ô. Đặc biệt, chúng còn xuất hiện ở các lễ hội.
Ví dụ như vào tháng 8 hàng năm, điệu nhảy kết hợp với ô ở Tottori. Cùng thời gian này, một cuộc diễu hành cùng với “ô bảy sắc” ở Shan Shan Matsuri.
Được dùng phổ biến hàng ngày, ngoài ra ô còn xuất hiện như một tín hiệu thẩm mỹ trong tranh Ukiyo-e với nhiều bản in khắc gỗ. Có vẻ như Wagasa là vật “không kén chủ”, bởi một diễn viên, Geisha hay một người bình thường đều có thể sở hữu nó.
Là vật dụng hàng ngày, chắc có lẽ chính vì sự quen thuộc mà người ta quên mất, chiếc ô cũng có lịch sử của riêng mình.
Khi thời gian làm cho xã hội và con người thay đổi thì nó cũng không ngoại lệ.
Hy vọng, với việc tìm hiểu về sự ra đời và phát triển của Wagasa, bạn sẽ biết thêm về những giai đoạn văn hoá độc đáo của Nhật.
Nguồn: tofugu.com
TT
Lịch sử về Fuma Kotaro: Ninja mang hình hài nửa người nửa quỷ
Vấn đề nhức nhối người Nhật chẳng muốn dù đó là ngày nghỉ phép.
Sốc văn hoá: Dù phố phường sạch sẽ, Quạ vẫn nhan nhản khắp nơi