Những vị khách “ngoại lai” hiểu về văn hóa truyền thống Nhật Bản còn hơn cả người bản xứ

Nhắc đến Nhật Bản, có lẽ trong đầu bạn sẽ hiện lên cụm từ 日本的にほんてき (Nihon teki – thuần Nhật). Quốc gia này đã từng có thời gian bế quan tỏa cảng khá dài trước thời kỳ mở cửa, do đó không tránh khỏi những lúng túng trong quá trình hội nhập. Thế nhưng cũng chính điều này khiến cho nước Nhật có một nền văn hóa lịch sử độc nhất vô nhị.

Ảnh ameblo.jp

Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đại đang từng bước thay đổi. Đã có một số người nước ngoài nổi tiếng tại Nhật, trong đó có những người thành công ngay tại các lĩnh vực truyền thống mà từ trước đến nay chỉ có người Nhật làm.

Hãy cùng điểm qua những cái tên người nước ngoài đã vượt qua rào cản văn hóa để đạt được thành công trên đất Nhật nhé.

1. Rakugo

Rakugo là nghệ thuật kể chuyện hài Nhật Bản, bắt đầu từ thế kỷ thứ 9. Trong suốt một buổi trình diễn Rakugo, người nghệ sĩ ngồi kiểu seiza trên một tấm đệm, đóng giả hết giọng của nhân vật này đến nhân vật khác sao cho hài hước nhất, gây chú ý và tạo tiếng cười cho khán giả.

Những Rakugo-ka (nghệ sĩ Rakugo) phải lấy giấy chứng nhận mới được phép biểu diễn. Được biết trên toàn nước Nhật chỉ có 2 trung tâm đào tạo Rakugo mà thôi.

Ảnh YouTube

Trong lịch sử phát triển của Rakugo, chỉ có 3 người nước ngoài được chứng nhận là nghệ sĩ Rakugo. Người đầu tiên được biết đến với nghệ danh Kairakutei Black. Tên cúng cơm của ông là Henry James Black, quốc tịch Úc nhưng đã sống ở Nhật từ khi 3 tuổi. Dù gia đình phản đối ông theo nghiệp này nhưng Black vẫn kiên định và có được những điểm nhấn trong sự nghiệp. Đáng tiếc rằng vào ngày 19 tháng 9 năm 1923, Black qua đời và được chôn cất tại Yokohama.

Người tiếp theo là Bill Crowley, tuy chưa từng có buổi trình diễn riêng nào mà chỉ là trợ lý cho Katsura Shijaku II, ông là người tiên phong cho việc biểu diễn Rakugo bằng tiếng Anh. Ngoài ra, Bill còn trở thành động lực cho rất nhiều người nước ngoài có ước mơ hoạt động trong ngành giải trí này.

Ảnh Kyodo News

Trong 3 nghệ sĩ ngoại quốc, chỉ có Katsura Sunshine là còn hoạt động. Sinh ra tại Toronto, Canada vào ngày 6 tháng 4 năm 1970, Sushine theo học khoa cổ điển thuộc Đại học Toronto, sau đó tới Nhật để nghiên cứu về Noh và Kabuki, đồng thời làm giáo viên tiếng Anh tại Học viện ngoại ngữ Daigakushorin. Lần đầu tiên Sunshine xuất hiện với vai trò diễn viên Rakugo vào năm 2009 tại Singapore và mất 3 năm để hoàn thành khóa học.

2. Sumo

Nhắc đến truyền thống Nhật Bản, tất nhiên không thể không đề cập đến Sumo. Để trở thành võ sĩ Sumo đòi hỏi điều kiện khắc khe, chế độ luyện tập và ăn uống vô cùng vất vả, thế nhưng vẫn có 1 số người nước ngoài có thể thành công ở lĩnh vực này.

Akebono Tarō, tên thật là Chad Haaheo Rowan sinh năm 1969 tại Hawaii là võ sĩ đầu tiên không phải người bản xứ đạt tới Yokozuna, cấp độ cao nhất trong Sumo. Tiếp bước ông có 5 võ sĩ khác cũng được nhận danh hiệu Yokozuna, trong số đó có Hakuhō Shō.

Ảnh TOKYO ezine

Hakuhō tên thật là Mönkhbatyn Dayaajargal, sinh ngày 11 tháng 3,1985 tại Ulan Bator, Mông Cổ. Bố của ông là một darkhan  (cấp độ tương đương Yokozuna trong đô vật Mông Cổ), và đã từng nhận huy chương bạc hạng mục đô vật tự do tại Olympic mùa hè năm 1968.

Dù xuất phát với một thân hình thiếu trọng lượng cũng như không đủ kinh nghiệm tại các võ đài địa phương, nghị lực và niềm đam mê Sumo đã giúp Hakuhō ngày càng tiến bộ.

Hiện tại Hakuhō đã là một Sumo bất khả chiến bại. Chủ tịch Hiệp hội Sumo Kitanoumi từng nhận xét “Không ai có thể đụng vào Hakuhō, anh ta sẽ còn tiến xa”.

3. Enka

Hiện tại J-pop nổi tiếng toàn cầu với những nhóm nhạc thần tượng như AKB48 hay Arashi, thế nhưng loại hình âm nhạc truyền thống của Nhật – Enka cũng phổ biến không kém.

Để được gọi là nghệ sĩ Enka, bạn không chỉ cần có chất giọng tốt mà còn có các kỹ thuật về âm rung, âm ngân ở cổ, đồng thời biểu hiện khuôn mặt cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Ảnh Play-Asia.com

Giới trẻ Nhật Bản ngày nay không mấy hứng thú với dòng nhạc truyền thống, thay vào đó họ chuyển sang nghe nhạc Âu-Mỹ. Thế nhưng bên cạnh đó, có những người ở bờ bên kia đại dương đã dành được thành tựu đáng kể trong bộ môn âm nhạc kén người nghe thách thức người hát này.

Ca sĩ Enka ngoại quốc đầu tiên là Sarbjit Singh Chadha, người Ấn Độ. Ông ra mắt Album Enka đầu tiên vào năm 1975 và bán hết với 150,000 bản. Tiếp bước Sarbjit Singh Chadha, Yolanda Tasico người Philipin cũng thành công với loại hình âm nhạc này trên đất bạn.

Ảnh Japan Society

Thế nhưng ca sĩ Enka thành công nhất phải kể đến Jero, người Mỹ. Bố của ông là người Mỹ gốc Phi, gặp gỡ và kết hôn với một người phụ nữ Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này tan vỡ, họ ly hôn khi Jero còn rất nhỏ và được nuôi nấng bởi bà ngoại. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt này mà bên trong Jero tồn tại niềm yêu thích văn hóa truyền thống Nhật Bản từ rất sớm. Năm 6 tuổi, Jero bắt đầu học hát và đến năm lên 10, ông đã có thể hát những bài Enka khó thường được trình diễn bởi những tên tuổi có kinh nghiệm.

Kết luận

Người Nhật thường được biết đến với hình ảnh khá thụ động và lạnh lùng, tư tưởng bài ngoại cao. Điều này cũng có mặt đúng khi một số người nước ngoài đến Nhật vẫn có thể cảm nhận được sự phân biệt trong ánh mắt người Nhật nhìn họ, cũng như một số con lai không có gương mặt giống châu Á vẫn đứng trước nguy cơ bị bắt nạt tại trường học.

Thậm chí có người đã từng phát biểu : Chỉ có người Nhật mới có thể hiểu hết được bề dày văn hóa truyền thống của nước họ.

Tuy nhiên tất cả những ví dụ điển hình ở trên chứng tỏ rằng đâu đó trong đa số vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Không phải cứ là người nước ngoài, không phải cứ có ngoại hình không giống Nhật mà đất nước này quay lưng với bạn. Tất cả đều xuất phát từ sự thấu hiểu lẫn nhau. Vì thế nếu yêu Nhật Bản, hãy cứ mở lòng và cho họ thời gian để trả lời bạn nhé !

Tham khảo Tofugu

Almond

Đồng nghiệp của danh hài Nhật Bản nghĩ như thế nào trước những chỉ trích của người nước ngoài?

Người Nhật nghĩ gì về người nước ngoài yêu văn hoá Nhật ?

“Sự thật là nếu không có người nước ngoài, xã hội Nhật Bản không thể hoạt động được”

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: