Ranh giới trong giao tiếp ứng xử của người Nhật

Trong văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là khi làm việc, người Nhật luôn đề cao sự nghiêm túc. Dù có thân nhau đến đâu, khi làm việc họ luôn có sự kính trọng và giữ chừng mực với đối phương. Đó chính là văn hoá けじめ(kejime), có thể hiểu nôm na “mọi việc đều có ranh giới rõ ràng”.

Nếu bạn muốn làm trong công ty Nhật và giao tiếp hiệu quả hơn với khách hàng Nhật, đây là một chủ đề chắc chắn bạn không thể bỏ qua!

けじめ (kejime) là gì?

Nếu tra nghĩa của けじめ (kejime) trên các từ điển tiếng Nhật, bạn sẽ thấy họ giải thích từ này theo hai nghĩa. Một là “sự khác nhau” giữa các sự vật sự việc này với sự vật sự việc kia, giữa trái phải, đúng sai. Một nghĩa nữa trừu tượng hơn, đó là thái độ, hành động ứng xử theo luân thường đạo lý hoặc quy tắc xã hội.

ảnh tham khảo Pixabay 

Người Nhật quan niệm rằng cần thiết phải có ”公私のけじめをつける” (Kōshi no kejime o tsukeru), câu này có nghĩa là “công tư phân minh”, phải biết phân biệt rạch ròi giữa việc công và tư.

Trong các mối quan hệ xã hội cũng phải biết hành xử theo quy tắc như vậy. Ví dụ trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì 親子の間にもけじめが必要だ” (Oyako no ma ni mo kejime ga hitsuyōda) có nghĩa là, ranh giới giữa bố mẹ và các con là cần thiết.

けじめ (kejime) trong văn hoá xã hội

Với tinh thần けじめ (kejime) trong văn hóa Nhật Bản, người Nhật luôn hành động theo quy tắc ứng xử chung của xã hội Nhật.

ảnh tham khảo Generation

Nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy những hành vi, thói quen, lối suy nghĩ của người Nhật đều có sự liên quan tới nhau. Ví dụ, với tư tưởng けじめ(kejime), người Nhật sẽ luôn tỏ thái độ có chừng mực, giữ khoảng cách với người khác.

Như vậy, rất khó để hiểu được người Nhật nghĩ gì. Từ đây dẫn đến cách nói vòng vo không đi vào vấn đề để tránh gây tổn thương người nghe. Hoặc, chỉ nói ngập ngừng nửa chừng mà không nói hết câu, để cho đối phương tự hiểu.

ảnh tham khảo WOW

Xã hội và văn hóa Nhật Bản có hàng tá quy chuẩn về đạo đức, phép lịch sự, phép đối nhân xử thế…Vì thế, dần dà để có thể “công tư phân minh”, họ học cách bỏ qua những mong muốn, suy nghĩ của bản thân để nhìn nhận sự việc khách quan hơn. Thế là người Nhật dễ bị “người ngoài” đánh giá là “hai mặt”. Một mặt là 本音 (honne, bộ mặt thật ít khi thể hiện) và một là 建前 (tatemae, bộ mặt ứng xử ngoài xã hội).

けじめ (kejime) trong công việc

Trong công việc, họ không để tình cảm riêng tư xen vào. Và ngược lại, ngoài công việc thì người Nhật hoàn toàn có thể quẩy hết mình, vui vẻ cởi mở chẳng thua ai cả. Việc nào đi việc đó, rất rõ ràng.

ảnh tham khảo Passenger6A

Còn nói về “văn hoá công sở” ở Việt Nam, khi làm việc cùng nhau một thời gian thì các mối quan hệ trở nên thân với nhau như anh em trong nhà. Tuy nhiên đôi khi điều này lại dẫn đến tình trạng cả nể người thân thiết, hoặc tệ hơn là suồng sã quá mức. Người Nhật luôn luôn giữ thái độ nghiêm túc trong công việc. Dù là người thân quen, khi làm với nhau, họ cũng sẽ kính cẩn cúi chào, làm việc cẩn trọng và nghiêm túc.

ảnh tham khảo japantimes

Ngoài ra, nhiều người Việt Nam khi làm việc với người Nhật nhận ra rằng, けじめ của dân Nhật khiến cho họ trở nên “khách sáo” thái quá. Điều này dẫn đến ấn tượng “trước sau bất nhất” của người Việt với khách hàng Nhật Bản. Đơn cử như trong dự án gia công phần mềm cho khách Nhật. Có thể đối tác Nhật không hài lòng với sản phẩm bạn làm. Nhưng họ sẽ hành động theo “chuẩn mực lịch sự” của họ, và thay vì chê thì lại… khen động viên bạn:

“Mọi người thật là vất vả, mọi thứ tốt lắm. Chỉ có vài điểm mà Tôi nghĩ nếu sửa lại đôi chút có lẽ sẽ tuyệt vời hơn”.

Trong trường hợp này nhiều người nghĩ rằng mọi việc đã hoàn thành tốt đẹp, có chăng cũng chỉ sửa đôi chút thì tất cả sẽ ok. Nhưng sau đó lại nhận được một file gồm cả chục trang giấy ghi hàng trăm thứ cần sửa. Ôi trời, như thế thì ai chẳng bị sốc có phải không?

Kinh nghiệm giao tiếp với người Nhật

ảnh tham khảo pinterest

Đúng mực

“Đối tác” làm ăn trong văn hóa làm việc của người Nhật là những người thuộc “vòng ngoài”. Trong công việc, họ đối xử với nhau không phải bằng tình cảm cá nhân. Vì thế, người Nhật giữ thái độ khách sáo, không muốn làm mất lòng ai. Trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Chuyên nghiệp

Khi bạn làm việc với khách hàng Nhật Bản thì đừng nghĩ gì nói nấy. Hãy hiểu văn hóa làm việc của họ và ứng xử theo chuẩn mực họ mong muốn. Đặc biệt khi bạn làm những vị trí như biên dịch Việt-Nhật, hay bạn làm vị trí sales, BrSE. Hãy luôn giữ thái độ niềm nở. Nói một cách “vui vẻ” thì “quan trọng là thần thái”. Bạn không nên biểu lộ cảm xúc cá nhân trực tiếp khi làm việc với người Nhật. Nhất là những lúc có bất đồng hay cần thương lượng giữa đôi bên.

ảnh tham khảo cw

Nắm bắt nội dung

Làm với khách hàng Nhật Bản, bạn sẽ cần phải lắng nghe thật kĩ lời nói của họ. Họ nói lòng vòng quanh co và bạn là người phải chốt lại điều họ muốn nói. Bạn không bao giờ được nghe chính miệng khách hàng Nhật nói ra mong muốn của họ. Hoặc câu “chỗ này sai rồi, chúng tôi muốn thế này”. Bạn – người làm cầu nối giữa khách Nhật và team Việt, phải tinh ý nhận ra trong nội dung cuộc họp.

Tôn trọng

Văn hóa “giữ thể diện” của người Nhật cũng khá tương đồng với một số nước châu Á. Cụ thể như Trung Quốc, Việt Nam. Trong các cuộc gặp gỡ đối tác, họ đề cao “giữ thể diện” cho đối phương”.

ảnh tham khảo NewBranch

Ngay cả khi việc đó trái với những gì họ tin là đúng, nhưng họ cũng không phản bác một cách thẳng thắng làm đối phương khó chịu. Đây là cách để duy trì sự hòa hợp trong các mối quan hệ.

Điều này dường như trái ngược với phương Tây. Văn hóa phương Tây khuyến khích mọi người nên tranh luận mở. Họ quan niệm “tranh luận trực tiếp” là phương án tốt nhất để tìm ra nguyên nhân cũng như khắc phục một vấn đề.

Có nên học hỏi và học hỏi và áp dụng けじめ (kejime) ?

Đầu tiên, chúng ta chắc chắn nên học tinh thần nghiêm túc trong công việc của họ. Chúng ta cần học người Nhật ở cách đối xử tôn trọng với đối phương. Điều này không chỉ giúp người Việt biết suy nghĩ cho người khác, gạt bỏ cảm xúc cá nhân. Từ đó, chúng ta có thể thể hiện sự tin cậy lẫn nhau trong team work.

ảnh tham khảo Pulpiciak

Hơn nữa, けじめ(kejime) còn giúp giảm bớt những mâu thuẫn giữa cá nhân trong cùng một team. Hay xóa đi tình trạng kém năng suất trong làm việc vì cả nể. Đặc biệt là giữa các thành viên đã làm việc cùng nhau lâu năm.

Tuy nhiên, điều gì cũng có những mặt tốt và mặt xấu. Mang theo tinh thần けじめ(kejime) một cách cực đoan sẽ khiến bạn bị dồn nén cảm xúc bản thân. Chắc chắn chúng ta không giỏi kìm nén như người Nhật.

Vì thế, hãy học cách “xả” stress, dung hòa giữa sự nghiêm túc và thái độ cảm thông. Như vậy, bạn có thể làm việc tốt với cả team Nhật cũng như team Việt của chính mình.

Hải Âu (theo morningjapan)

Hiệp hội Sumo Nhật lại gây tranh cãi trong việc đối xử phân biệt với nữ giới

Bộ ảnh chứng minh: khi người nước ngoài cuồng văn hoá Nhật sẽ bá đạo hơn cả người bản địa

Nghịch lý nửa dân số Nhật không tôn giáo, nhưng thích kết hôn trong nhà thờ và chết ở chùa?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: