Ngồi dưới đất nhiều như vậy, bí quyết nào khiến người Nhật không thấy mỏi
Bạn đã bao giờ bị thu hút bởi những buổi tiệc trà ở Nhật. Tất cả mọi người tham dự sẽ ngồi trên chiếu Tatami, thưởng thức trà đắng trong khi tuân thủ nghiêm ngặt một số lễ nghi cơ bản. Trà đạo, cũng như rất nhiều nghệ thuật truyền thống khác của Nhật như Kado (cắm hoa), Thư pháp, Aikido,… đều chứa đựng triết lý Thiền (Zen).
Ảnh http://www.wallpapername.com/
Trong suốt buổi tiệc trà, mọi người sẽ ngồi trên gót chân theo kiểu Seiza (正座), trong đó 正 (sei) có nghĩa là chính (đúng đắn, chuẩn mực) còn 座 (za) mang nghĩa tọa (ngồi). Bởi vì cái tên này, rất nhiều người nghĩ rằng đây là kiểu ngồi chính quy của người Nhật từ xa xưa.
Đúng vậy, Seiza là kiểu ngồi truyền thống của người Nhật, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người Nhật thời xưa đều bị buộc phải quỳ kiểu Seiza. Ngoài ra, người Nhật còn rất nhiều kiểu ngồi độc đáo khác vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Hidemasa Yatabe, một nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí trong quan niệm người Nhật xưa cho biết, Seiza là phát minh của chế độ Thiên Hoàng Minh Trị, cuối thế kỷ 19, trở thành kiểu ngồi chuẩn mực của người Nhật. Tuy vậy, đáng ngạc nhiên, đây lại là một phong tục khá mới đối với người Nhật.
Vậy thì trước sự ra đời của Seiza, người Nhật ngồi như thế nào? Hãy cùng xem xét bức tranh Ukiyo-e sau.
Ảnh Manji blog
Dưới đây là hình ảnh của chủ tọa tiệc trà, Sen no Rikyu (千利休), bà ấy đang pha trà trong tư thế ngồi chồm hổm – Tatehiza (立て膝) Bạn có ngạc nhiên không, ngồi như vậy ngay trước mặt người quan trọng như Shogun ư?
Ảnh Potku.net
Còn môt kiểu ngồi khác gọi là ngồi bắt chéo chân – Anza (安座). Nếu là người học Yoga có lẽ bạn sẽ biết cách thực hiện tư thế ngồi này.
Tương tự như Anza, nhưng bạn nhấn chân xuống sâu hơn để tạo thành tư thế Agura (あぐら). Đây là kiểu ngồi rất phổ biến của người Nhật trong thời đại hiện nay, và là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng “chân vòng kiềng” của đa số nữ giới Nhật Bản.
Ảnh Twitter
Rakuza (楽座) – Lạc tọa, cái tên này không hề đúng với cách ngồi bởi nó không hề dễ dàng. Rakuza là kiểu ngồi sao cho lòng bàn chân chụm lại với nhau. Có vẻ như đây là kiểu ngồi phổ biến của Hoàng đế hoặc các Shogun (Tướng quân).
Ảnh Naverまとめ
Wariza (割座) hay còn gọi là onesan zuwari (お姉さん座り). Đầu tiên, bạn ngồi theo kiểu Seiza sau đó trượt chân ra 2 bên, để mông xuống sàn.
Ảnh aikatu.jp
Sonkyo (蹲踞) là cách mà người Nhật gọi unching style (うんちんぐスタイル) – kiểu ngồi khi đi vệ sinh (trong trường hợp sử dụng bệ xí truyền thống). Vào thời Edo, Sonkyo là kiểu ngồi phổ biến trong giới Samurai. Nếu bạn thấy kiểu ngồi này quen quen, đúng vậy đấy, Sonkyo còn có một tên gọi khác là Yankii zuwari (ヤンキー座り) – kiểu ngồi của Yankee (giang hồ Nhật Bản).
Ảnh USMRスキースクール
Kikyo (跪居) – gần giống với sonkyo nhưng bạn lấy thăng bằng dựa trên các đầu ngón chân. Các Sumo sử dụng tư thế này khi chuẩn bị thi đấu.
Ảnh フォト蔵
Bạn nghĩ rằng các Samurai ngồi ở tư thế Seiza là do ảnh hưởng của TV và các bộ phim cổ trang Nhật Bản. Thế nhưng nếu nghĩ kỹ, bạn có thể ngồi ở tư thế Seiza trong bao lâu, cùng lắm cũng chỉ 10 phút mà thôi. Ở tư thế này, bàn chân dễ bị tê và mất nhiều thời gian để có thể vận động trở lại. Trong khi đó các Samurai lại là những người phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho sự tấn công bất thình lình. Vì thế có lẽ Seiza không phải kiểu ngồi thích hợp dành cho Samurai.
Hay nói đúng hơn, họ không chỉ ngồi ở một tư thế. Họ chỉ cần phải ngồi đúng tư thế Seiza khi đến tiếp diện Tướng quân vì đó là kiểu ngồi thể hiện sự nhún nhường và trung thành.
Ảnh Hindustan Times
Trong một số trường hợp ngày nay, Seiza được sử dụng như một hình phạt tại các trường học. Do đó bạn đừng nghĩ rằng người Nhật không mỏi khi ngồi kiểu này. Thật ra họ cũng như chúng ta, cũng rất vất vả khi phải ngồi im một chỗ, trong khi dồn hết trọng lượng cơ thể lên bàn chân. Thế nhưng họ chịu đựng được một phần vì biết cách thay đổi linh hoạt từ kiểu ngồi này sang kiểu ngồi khác, và phần khác là do luyện tập mà thành.
Nếu bạn chịu khó luyện tập, kết hợp với trọng lượng cơ thể không quá nặng nề, bạn có thể ngồi kiểu Seiza vài giờ đồng hồ một cách thoải mái đấy.
Người ta thường nói phong thái làm nên con người. Đôi khi chỉ cần nhìn vào cách ngồi người khác đã có thể nhận xét được bạn là người chu đáo tỉ mỉ hay bộp chộp, hấp tấp, người có khả năng thích nghi chịu đựng tốt hay dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường,… Từ bây giờ bạn có nghĩ đến việc thay đổi tác phong qua tư thế ngồi?