Quỷ đỏ Hàn Quốc, Samurai xanh Nhật Bản tại World Cup 2018: những cái tên siêu chất này từ đâu mà có?
“Quỷ đỏ” chính là tên gọi chung của các cổ động viên (CĐV) đội tuyển Hàn Quốc. Trong khi đó, đội hình cầu thủ Nhật Bản được biết đến với tên “Samurai xanh”.
Hàn Quốc và Nhật Bản vừa ra sân tại World Cup năm nay với các kết quả thành bại khác nhau. Hàn Quốc thua đau 0-1 trước Thụy Điển, trong khi Nhật Bản mạnh mẽ giành chiến thắng 2-1 trước Colombia.
Kết quả này đã để lại nhiều tiếc nuối, ngậm ngùi cho Quỷ đỏ – những cổ động viên Hàn Quốc xem thi đấu trực tiếp ở Nga hay qua truyền hình ở quê nhà. Trong khi đó, cơn mưa lời khen đã tràn ngập dành cho các cầu thủ Samurai xanh.
Nhưng “Quỷ đỏ” thực ra là gì – có lẽ nhiều người chưa rõ lắm. Còn Samurai xanh nữa – những cái tên “chất phát ngất” của hai đội bóng đến từ Đông Á đã ra đời như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu xem.
1. Quỷ đỏ: “cầu thủ thứ 12” của đội tuyển Hàn Quốc
Có thể bạn đã biết: “Quỷ đỏ” là tên báo chí thường gọi đội tuyển Bỉ, đồng thời cũng là biệt danh của câu lạc bộ Manchester United (Anh).
Quỷ đỏ – CĐV Hàn Quốc cổ vũ đội tuyển ở Nga và từ quê nhà
Thế nhưng, không nhiều fan Việt Nam biết rằng Quỷ đỏ cũng là cái tên chính thức của các CĐV đội tuyển Hàn Quốc. Nó có tên tiếng Anh là Red Devils, ở Hàn được gọi là Bulgeun Angma (붉은 악마).
Truyền thông Hàn Quốc lẫn quốc tế đều rất quen thuộc với Quỷ đỏ Hàn Quốc. Nhưng để tránh nhầm lẫn với các đội từ Bỉ hay Anh, đội tuyển Hàn Quốc hay được gọi là các “Chiến binh Taegeuk” nhiều hơn.
Tạo hình Quỷ đỏ của các CĐV Hàn Quốc
Và cái tên Quỷ đỏ cũng chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 1983, khi Hàn Quốc xuất sắc tiến vào bán kết Giải vô địch bóng đá U20 thế giới. Khi đó, do cầu thủ Hàn Quốc chiến đấu trong màu áo đỏ, nên truyền thông quốc tế gọi luôn CĐV nước này là Red Devils – Quỷ đỏ.
Sau này, vào tháng 12/1995, câu lạc bộ CĐV bóng đá Hàn Quốc được thành lập ở Seoul, ban đầu lấy tên “Great Hankuk Supporters Club” (tạm dịch: Đội cổ vũ Đại Hàn). Nhưng sau hai năm thì tổ chức này đã chính thức đổi tên thành Quỷ đỏ.
Quỷ đỏ tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ trong kỳ World Cup 2002 được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Khí thế, quyết tâm của các cầu thủ Hàn Quốc đã đưa nước này giành lấy hạng 4 năm đó.
Đồng thời, sự cuồng nhiệt, rực lửa từ các CĐV đã lan truyền mạnh mẽ hơn hình ảnh Quỷ đỏ đến toàn thế giới.
Về sau, dù cầu thủ Hàn Quốc thi đấu dưới nhiều màu áo khác nhau nhưng các CĐV nước này luôn “nhuộm đỏ” khán đài trong màu áo chiến thắng, biến hai chữ Quỷ đỏ trở nên “danh xứng với thực”. Họ là nguồn cổ vũ vô cùng lớn, thậm chí được gọi là “cầu thủ thứ 12” của đội Hàn Quốc!
Linh vật chính thức của Quỷ Đỏ là Chiwoo Cheonwang (Xi Vưu) – một nhân vật huyền thoại trong lịch sử cổ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Biểu tượng Red Devils (Quỷ Đỏ).
Chiwoo (hay Xi Vưu) chính là biểu tượng thể hiện uy lực trong chiến tranh. Cái tên Xi Vưu cũng trở nên đồng nghĩa với từ “chiến tranh” trong tiếng Hán. Những người tôn trọng thì xem ông như là “chiến thần”, còn những người bài xích thì xem ông như là “họa thủ”.
Tuy nhiên đối với các CĐV Quỷ đỏ, Chiwoo rõ ràng là tượng trưng cho khí thế hừng hực và khát khao chiến thắng.
Ngoài ra, vị thần Chiwoo lại được cụ thể hóa trong hình dạng dokkaebi (yêu tinh) – sở hữu năng lực phi thường để “chọc ghẹo” hay giúp đỡ con người, rất phổ biến trong văn hóa Hàn Quốc.
Qua mấy điều trên, có thể thấy rằng Quỷ đỏ tại các giải đấu quốc tế không chỉ là lực lượng cổ vũ nồng nhiệt mà còn thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc, giúp thể hiện nét đẹp văn hóa Hàn Quốc đến bạn bè thế giới.
2. Samurai xanh Nhật Bản: màu áo may mắn
Trước giờ, đội tuyển bóng đá Nhật luôn gắn liền với biệt danh Samurai xanh (Samurai Blue).
Bạn có thể nghĩ điều này là hiển nhiên: Với tinh thần chiến đấu, tinh thần thể thao, còn từ nào phù hợp dành cho các cầu thủ Nhật hơn là “samurai” nữa?
Các “Samurai Blue” và cổ động viên, Nhật Bản vừa giành chiến thắng trước đối thủ đáng gờm Colombia
Thế nhưng vì sao lại là màu xanh dương, thay vì màu đỏ và trắng như quốc kỳ của Nhật Bản? Chắc chắn là do một niềm tin nào đó trong văn hóa đặc sắc của người Nhật.
Biết rằng, khi đội tuyển Nhật Bản lần đầu đối diện với một giải quốc tế đầu tiên – Olympics mùa hè năm 1936, họ đã chiến thắng Thụy Điển 3-2 trong màu áo xanh dương và trắng. Đây được xem là một khởi đầu may mắn.
Từ đó đến nay, tuyển thủ nước này đã thay đổi nhiều màu áo khác nhau nhưng chủ yếu vẫn kết hợp các sắc thái xanh dương – trắng.
Cũng từng có thời của HLV Kenzo Yokoyama (các năm 1988 – 1992), màu áo cầu thủ Nhật Bản là đỏ và trắng. Nhưng từ sau thất bại trong việc giành lấy tấm vé tham dự World Cup 1990 và Olympics mùa hè 1992, màu áo đỏ – trắng này chưa bao giờ xuất hiện nữa.
Màu áo Nhật Bản qua hơn 100 năm chủ yếu là hai sắc xanh – trắng
Linh vật của đội tuyển Nhật Bản là Karappe” (カラッペ) và “Karara” (カララ) – hai con quạ Yatagarasu nổi tiếng trong văn hóa Đông Á nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Yatagarasu là quạ 3 chân, được xem là sứ giả của Mặt trời. Một ý nghĩa khác mặc dù không còn phổ biến ngày nay, nhưng Yatagarasu từng biểu trưng cho sự trẻ hóa và tái sinh.
Logo của Đội tuyển bóng đá Nhật Bản
Những chú quạ này được thiết kế bởi họa sĩ truyện tranh Susumu Matsushita. Vào các năm mà trang phục của đội tuyển Nhật Bản thay đổi thì trang phục của quạ cũng thay đổi theo. Trừ dịp World Cup 2014, năm đó linh vật của Nhật chính là… Pikachu!
Ngoài ra, đội bóng đá nữ Nhật Bản có biệt danh là “Nedeshiko Japan”. Nadeshiko là tên một loài hoa cẩm chướng màu hồng. Mặt khác, tên này cũng lấy trong cụm từ “Yamato nadeshiko” – chỉ những người phụ nữ Nhật với vẻ đẹp đơn sơ, thanh khiết.
Tạm kết
Biết được ý nghĩa đằng sau những cái tên, các linh vật từ hai đội tuyển Nhật Bản, Hàn Quốc, ta càng thấy nền văn hóa, thể thao của hai nước này có vô vàn điều thú vị phải không?
Hãy cùng chúc họ may mắn tại các trận sắp tới ở hai bảng H, F của World Cup 2018. Tiến lên đi các chiến binh châu Á!
Tham khảo: Korea Herald, Nippon…
Theo Helino
Huyền thoại bóng đá già nhất Nhật Bản: câu chuyện về giấc mơ vươn ra thế giới