4 cuộc hôn nhân kỳ quái chốn Hậu Cung Nhật Bản (P.1)
Lấy dì làm hoàng hậu
Cuộc hôn nhân kỳ quái vào loại “để đời” đầu tiên trong lịch sử hậu cung Nhật Bản diễn ra vào khoảng năm 717 dưới thời trị vì của vị Thiên hoàng Shomu. Tuy nhiên, tác giả của cuộc hôn nhân chính trị này không phải là vị Thiên hoàng trẻ tuổi mà chính là nhà chính trị lão luyện đầy tham vọng Fujiwara no Fuhito.
Dưới thời Thiên hoàng Mommu (683 – 707), dòng họ Fuhito là một thế lực chính trị mới nổi và đầy tham vọng, trong đó, người thành công nhất chính là Fujiwara. Làm tới chức Tả đại thần, một trong 3 chức vụ quan trọng nhất trong triều đình, Fujiwara là một quyền thần “thét ra lửa” lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một khi ở ngôi cao tất có nhiều người dèm pha, đố kỵ.
Chính vì vậy, Fujiwara mới nghĩ cách để củng cố địa vị của mình. Suy đi tính lại, cuối cùng Fujiwara cũng nghĩ ra được một cách “thập toàn thập mỹ”, đó là gả con gái cho Thiên hoàng “đương nhiệm”, và một khi gả được con gái cho vị Thiên hoàng Fujiwara sẽ trở thành “ông nhạc” của Thiên hoàng, nghĩa là đã trở thành hoàng thân quốc thích thì không còn ai có đủ khả năng thay thế vị trí Tả đại thần của Fujiwara hiện tại nữa.
Nghĩ vậy, Fujiwara lập tức chạy vạy khắp nơi nhờ cậy những người thân quen của mình trong triều đình, nhờ họ làm bà mối để cô con gái trưởng Miyako trở thành hoàng hậu. Những vị đại thần đã được nhờ cậy tới gặp Thiên hoàng Mommu nói: “Bệ hạ tuổi tác cũng không còn nhỏ nữa, đã đến lúc cưới một người vợ, lập hoàng hậu, điều này có liên hệ tới hạnh phúc của trăm họ và sự ổn định của quốc gia xã tắc, không thể chần chừ”.
Thiên hoàng gật gù, nói có lý, nhưng biết cưới ai bây giờ? Thế là các vị đại thần có cơ hội trở thành “bà mối”: Con gái Tả đại thần Fuhito là Miyako vừa nết na lại xinh đẹp, từng nhiều lần đoạt ngôi vị quán quân trong các kỳ thi tuyển người đẹp, xứng đáng là “ứng cử viên” xuất sắc nhất cho ngôi vị hoàng hậu.
Ảnh minh hoạ
Thiên hoàng nghe thấy có một người con gái “thập toàn” đến như vậy cũng tò mò, vì vậy mới cho gọi Miyako tới gặp. Và may mắn cho Fujiwara, Miyako cũng là một cô gái xinh đẹp và vừa mắt Thiên hoàng Mommu. Vì vậy, ít lâu sau đó, Fujiwara trở thành “nhạc phụ đại nhân” của Thiên hoàng.
Miyako có thể nói là một cô gái cực kỳ có hiếu. Cô không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trở thành hoàng hậu đương triều, biến cha mình trở thành “nhạc phụ đại nhân” mà chỉ ít lâu sau khi trở thành bà chủ hậu cung, Miyako đã sinh hạ cho Mommu một thái tử kháu khỉnh tên là Obito, một lần nữa củng cố địa vị cho dòng họ Fuhito.
Và rồi chỉ vài năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ với tổ tông, vào năm 707, Thiên hoàng Mommu qua đời ở tuổi 24. Người được lựa chọn kế vị không ai khác chính là thái tử Obito khi đó mới 6 tuổi. Tuy nhiên, do thái tử Obito còn quá nhỏ nên thái hậu Gemmei đảm nhiệm chức vị Thiên hoàng. Cho tới năm 724, khi Thái tử Obito tròn 19 tuổi mới chính thức lên nắm quyền, trở thành Thiên hoàng Shomu.
Lãnh đạo mới lên nhậm chức, đương nhiên phải có một món quà ra mắt. Nhưng biết tặng quà gì bây giờ? Suy đi tính lại, gia tộc Fuhito vẫn đưa ra kết luận: mỹ nữ vẫn là món quà đắt giá và hiệu quả nhất. Cuối cùng, sau khi rà soát hết tất cả những cô con gái mang họ Fuhito, người ta quyết định đem Komyo, cô con gái thứ hai của Fujiwara dâng lên Thiên hoàng làm món quà mừng ngày đăng cơ.
Vị Thiên hoàng trẻ tuổi cũng không nỡ nào cự tuyệt tấm thịnh tình của dòng họ đã có nhiều đóng góp cho triều đình như gia đình Fuhito. Chính vì vậy, ông mỉm cười chấp nhận nạp người dì của mình vào hậu cung làm hoàng hậu. Thành ra, Fujiwara vừa là ông ngoại lại vừa là “ông nhạc” của Thiên hoàng Shomu.
Ảnh minh hoạ
Ảnh: http://ure.pia.co.jp/articles/-/11394
Đây có thể nói là một trong những chuyện hôn nhân hy hữu bậc nhất không chỉ trong lịch sử Nhật Bản mà trên cả thế giới. Tuy nhiên, cũng chính nhờ cuộc hôn nhân “oái oăm” này mà cả bốn người con trai còn lại của Fujiwara đều là những đại thần nắm giữ những chức vụ quan trọng bậc nhất dưới thời của Thiên hoàng Shomu. Ngay cả cô con gái thứ hai, hoàng hậu Komyo cũng chẳng hề “kém chị kém em”.
Chỉ ít lâu sau khi trở thành vợ của cháu mình, Komyo cũng nhanh chóng sinh hạ một cậu con trai và ngay lập tức được Thiên hoàng Shomu lập làm thái tử. Tuy nhiên, Komyo không được may mắn như chị mình, vì chỉ ít lâu sau thái tử qua đời vì bệnh nan y. Cũng từ đó, quyền lực của dòng họ Fuhito dần dần bị tước bỏ.
Gả con gái cho em trai
Nếu như Thiên hoàng Shomu phải lấy chính người dì của mình thì Tenmu, Thiên hoàng thứ 40 của Nhật Bản, bị buộc phải kết hôn với cô cháu gái, con của người anh trai mình là Thiên hoàng Tenji. Câu chuyện bắt đầu từ thời kỳ Thiên hoàng Tenji vẫn còn là hoàng tử Naka đang trên con đường tranh giành quyền lực với công cuộc “cách tân đại hóa”.
Trong quá trình ấy, hoàng tử Naka nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ tích cực của người em là hoàng tử Oama. Tuy nhiên, tới năm 661, khi hoàng tử Naka chính thức đăng cơ trở thành Thiên hoàng Tenji đầy quyền lực thì cũng là lúc cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai anh em họ bắt đầu.
Vì là một công thần, lại là một thân vương, em trai của Thiên hoàng nên quyền lực của hoàng tử Oama trong triều đình là vô cùng lớn. Lại thêm, hoàng tử Oama là người vô cùng thông minh và cơ trí. Điều này khiến Thiên hoàng Tenji lo sợ, rằng một ngày nào đó, người em trai đã cùng kề vai sát cánh với mình nảy sinh ý định soán ngôi báu.
Sau khi suy đi tính lại, cuối cùng Thiên hoàng Tenji mới nghĩ ra một kế sách vẹn toàn để kiềm chế ý định soán ngôi của người em trai. Bỏ qua tất cả những người con trai của mình, Thiên hoàng Tenji quyết định “bổ nhiệm” hoàng tử Oama trở thành người kế vị sau khi ông qua đời. Đây là một trường hợp hy hữu khi Thiên hoàng Tenji hoàn toàn không phải là một ông vua “hiếm muộn”.
- Ảnh minh hoạ
Ảnh: http://www.baoquangngai.vn
Tenji cho rằng, nếu như hoàng tử Oama yên tâm rằng mình sẽ trở thành người kế vị ngôi báu thì sẽ không bao giờ tính đến chuyện cướp nó nữa. Tuy nhiên, dường như cho rằng như thế vẫn chưa đủ yên tâm, Thiên hoàng Tenji còn có một quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoàng cung Nhật Bản: gả con gái của mình cho hoàng tử Oama.
Mới 15 tuổi, công chúa Ota chính thức trở thành một quý phi của chính người chú của mình. Tuy nhiên, có lẽ chuyện kết hôn cùng huyết thống là chuyện hoàn toàn bình thường với những người trong hoàng thất Nhật Bản thời bấy giờ nên chỉ ít lâu sau khi “về nhà chồng”, công chúa Ota đã sinh hạ cho hoàng tử Oama hai người con, một nam và một nữ.
Đáng tiếc, công chúa Ota đã không hoàn thành được nhiệm vụ chính trị mà cha mình, Thiên hoàng Tenji, giao cho. Khi cô con gái đầu lòng mới lên 7 thì công chúa Ota cũng mắc bạo bệnh qua đời ở tuổi 25. Và lúc này mối quan hệ giữa vị “nhạc phụ đại nhân” kiêm anh trai Tenji và Hoàng tử Oama bắt đầu rạn nứt.
Tuy nhiên, nguyên nhân của chuyện rạn nứt này hoàn toàn không phải bắt nguồn từ cái chết của công chúa Ota mà từ một người con gái khác. Đó chính là nữ thi sĩ Nukata lừng danh. Thực tế thì làm thơ chỉ là nghề tay trái của Nukata. Công việc chính thức của cô là thầy tế. Chính vì nghề nghiệp này mà Nukata xuất hiện trong đoàn quân của hoàng tử Naka khi ông còn chưa có chức vị.
Cô “phù thủy” xinh đẹp nhanh chóng lọt vào mắt xanh của hoàng tử Naka. Do nghề nghiệp không cho phép Nukata kết hôn, cô chỉ có thể trở thành người tình bí mật của hoàng tử Naka. Cũng vì thế, khi gặp vị thân vương Oama và bị theo đuổi một cách ráo riết, Nukata đã không thể nào cưỡng lại được. Và thế là một mối tình tay ba đầy ngang trái bắt đầu.
Mọi chuyện chỉ vỡ lỡ trong một lần Thiên hoàng Tenji tổ chức một chuyến đi săn có sự góp mặt của thân vương Oama và cả Nukata. Thân vương Oama có lẽ lâu ngày không gặp người tình Nukata nên hôm ấy không nề hà các quan văn võ đang dồn hết sự chú ý vào mình, vẫn vẫy tay, liếc mắt với Nukuta.
Câu chuyện trong buổi đi săn hôm ấy trở thành đề tài bàn tán của không ít các đại thần trong triều, khiến cả Thiên hoàng Tenji và thân vương Oama đều cảm thấy khó chịu nhưng không ai muốn là người phá vỡ lớp bọc tưởng chừng rất êm đềm ở bên ngoài.
Bản thân Nukuta đã cảm thấy mệt mỏi với cuộc tình tay ba kéo dài triền miên, thành ra muốn nhân cơ hội này để kết thúc. Cô quyết định chọn Thiên hoàng Tenji, nên đã viết một bức thư chia tay gửi cho thân vương Oama. Bức thư chia tay đương nhiên đã khiến Oama suy sụp. Trong bữa dạ tiệc tối hôm đó, Oama uống rượu như điên rồi rút thanh kiếm của tên lính canh đang đứng hầu múa may quay cuồng trước mặt Thiên hoàng Tenji.
Sự oán hận mà Oama dành cho người anh trai kiêm “nhạc phụ đại nhân” của mình càng tăng thêm khi vào những năm cuối đời, Tenji đã lập người con trai làm thái tử thay cho Oama, vốn đã được chọn làm người kế vị. Chưa hết, để trừ hậu họa, Tenji còn dùng vũ lực bắt Oama phải cạo đầu đi tu.
Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, Oama đã tổ chức một đội quân nổi loạn hùng mạnh, tấn công vào kinh thành giết chết Thiên hoàng Kobun, con trai củaTenji, và tự mình lên làm vua, tức Thiên hoàng Tenmu, đồng thời bắt Nukuta về làm vợ mình.
(Còn tiếp)
Theo Dulichvietnam
Mê mẩn thể loại tranh đấu cung đình, bạn đã cập nhật từ điển Hậu Cung Nhật Bản chưa?
5 điều bí ẩn về Hoàng gia Nhật Bản: Chỉ có tên mà không có họ, nhiều nữ hoàng nhất thế giới
Học được gì từ phong cách ăn mặc của các nàng công chúa hoàng gia Nhật Bản?