4 cuộc hôn nhân kỳ quái chốn Hậu Cung Nhật Bản (P.2)

Kết hôn với chính anh trai mình

Không hề thua kém những vị nam Thiên hoàng về sự lừng lẫy trên chính trường cũng như những chiến tích trên tình trường, các nữ Thiên hoàng cũng đã lưu lại trong lịch sử không ít những cuộc hôn nhân kỳ dị vào loại bậc nhất ở xứ sở hoa anh đào. Cuộc hôn nhân với chính người anh trai của mình của Thiên hoàng Suiko, nữ Thiên hoàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, là một ví dụ điển hình.

Thiên hoàng Suiko là vị nữ Thiên hoàng đầu tiên, đồng thời cũng là nữ Thiên hoàng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản. Là một phụ nữ tài năng và đầy tham vọng chính trị, Thiên hoàng Suiko là người đã thực thi hàng loạt những biện pháp cải cách nhằm phát triển nền kinh tế xã hội rất trì trệ ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tích chính trị, vị nữ Thiên hoàng này còn được rất nhiều người biết đến với tình yêu hy hữu mà cô dành cho người anh trai cùng cha khác mẹ của mình. Bởi chính mối tình này là bước khởi đầu để cô công chúa có được thành tích chính trị rực rỡ.

Ảnh: http://ure.pia.co.jp/articles/-/11394

Suiko là con gái thứ 3 của Thiên hoàng Kimmei, Thiên hoàng thứ 29 theo danh sách chính thức của Nhật Bản. Trước khi lên ngôi, Suiko còn có nhiều tên gọi khác như công chúa Nukatabe hay Toyomike Kashiyika. Năm công chúa Nukatabe mới 18 tuổi đã được Thiên hoàng đang tại vị khi đó là Bidatsu nạp làm phi tử.

Bidatsu cũng là con trai của Thiên hoàng Kimmei và là anh cùng cha khác mẹ của Nakatabe. Người ta kể rằng, hoàng gia Nhật Bản cho phép kết hôn nội tộc, nên ngay từ khi còn nhỏ, Kimmei đã để ý cô em cùng cha khác mẹ xinh đẹp của mình.

Và khi đã trở thành Thiên hoàng với đầy đủ quyền lực trong tay, Kimmei đã không ngại ngần đưa cô em gái này vào cung làm vợ. Đó cũng là lý do vì sao, 5 năm sau đó, khi hoàng hậu đột ngột qua đời, Bidatsu đã lựa chọn người em cùng cha khác mẹ của mình thay thế ngôi vị hoàng hậu. Và ở tuổi 23, công chúa Nukatabe chính thức trở thành Okisaki (chính phi của vua).

Tuy nhiên, mọi chuyện đến đây vẫn chưa kết thúc. Năm 585, Thiên hoàng Bidatsu qua đời. Thay thế ông là người em cùng cha khác mẹ và cũng là anh ruột của công chúa Nukatabe, Thiên hoàng Yomei. Và trong hai năm người anh ruột của mình tại vị với tước hiệu Yomei, công chúa Nukatabe vẫn giữ ngôi hoàng hậu của mình.

Hai năm sau đó, năm 587, Thiên hoàng Yomei bạo bệnh qua đời. Ở thời điểm này, công chúa Nukatabe vẫn chưa bước vào vòng xoáy trung tâm quyền lực hoàng thất nếu như không có cuộc tranh chấp diễn ra sau đó.

Ảnh minh hoạ: http://noaidea.me

Thiên hoàng Yomei vừa băng hà ít lâu thì xảy ra một cuộc tranh giành quyền lực, phát sinh từ mâu thuẫn trước đó giữa hai gia tộc là tộc Soga và tộc Mononobe. Tộc Soga ủng hộ cho hoàng tử Hatsusebe và Mononobe chọn hoàng tử Anahobe.

Cuối cùng Soga đánh bại được Mononobe và đưa hoàng tử Hatsusebe lên ngôi tức Thiên hoàng Sushun vào năm 587. Thiên hoàng Sushun là con trai thứ 10 của Thiên hoàng Kimmei và cũng là anh cùng cha khác mẹ với công chúa Nukatabe. Tuy nhiên vị Thiên hoàng mới này không bằng lòng trước việc Soga no Umako cùng gia tộc của mình nắm quá nhiều quyền hành trong triều đình. Việc lo sợ có thể bị hạ sát khiến Umako buộc phải ra tay. Thiên hoàng Sushun bị ám sát vào năm 592.

Sau cái chết của Sushun, một cuộc tranh chấp ngôi báu lại diễn ra giữa hoàng tử Takeda, con của hoàng hậu Suiko và thái tử Shotoku, con trai thứ 2 của Thiên hoàng Yomei. Nhằm lấp đầy khoảng trống quyền lực và ngăn chặn một cuộc nổi loạn tranh giành ngôi báu, cả hai phe đã quyết định, không ai trong số 2 hoàng tử này sẽ làm Thiên hoàng.

Thay vào đó, Soga no Umako thuyết phục hoàng hậu Suiko lên ngôi báu và bà đăng cơ ngay trong năm đó, khi 38 tuổi. Có điều, Umako đã nhầm lớn về Suiko.

Sau khi lên ngôi, Thiên hoàng Suiko không hề hẹp hòi tính toán, ngược lại phong cho thái tử Shotoku làm Nhiếp chính vương, phò trợ bà cai trị đất nước. Dưới sự phò trợ của Thái tử Shotoku, Thiên hoàng Suiko đã thực hiện hàng loạt những cải cách, củng cố quyền lực của hoàng gia, hạn chế quyền lực của quý tộc, mở rộng truyền bá Phật giáo đưa Nhật Bản bước vào giai đoạn cực thịnh. Bà cũng là người đưa ra tư tưởng bình đẳng với Trung Quốc.

Vào năm 607, bà sai sứ sang nhà Tùy, Trung Quốc. Trong quốc thư lên Hoàng đế nhà Tùy, bà yêu cầu thay đổi vị trí thuộc quốc của Nhật Bản, đòi thiết lập mối quan hệ bình đẳng với Trung Quốc. Bà mất năm 628 ở tuổi 74 và trở thành vị nữ Thiên hoàng có nhiều cống hiến hiển hách bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Si mê hòa thượng

Nếu như nữ Thiên hoàng Suiko để lại trong lịch sử bao nhiêu danh thơm thì nữ Thiên hoàng Koken lại để lại nhiều tiếng xấu bấy nhiêu. Điều đáng nói là tiếng xấu của Koken hầu hết không phải đến từ chính trường mà chủ yếu là từ tình trường phức tạp rối rắm và lắm nỗi đa đoan của bà.

Nữ Thiên hoàng Koken lên ngôi vào năm 749, là vị nữ Thiên hoàng thứ 6 trong lịch sử Nhật Bản, cũng là vị nữ Thiên hoàng cuối cùng trong “thời đại nữ đế” của xứ Phù Tang. Trong danh sách chính thống được công nhận của Hoàng gia Nhật Bản, Koken là Thiên hoàng đời thứ 46 và 48 với 2 lần đăng cơ. Và hai lần đều gắn với những cuộc tình khá rắc rối của vị nữ hoàng đa tình này.

Lần thứ nhất với tên hiệu Koken, vị nữ Thiên hoàng này đã trị vì trong gần 10 năm (từ 749 đến 758). Theo luật của hoàng gia, các nữ Thiên hoàng sau khi lên ngôi không có quyền kết hôn cũng không có quyền sinh con để tránh việc quyền lực của hoàng tộc bị truyền cho người ngoài. Vị nữ Thiên hoàng đời thứ 44 trước đó, Gensho, đã sống cả đời trong sự cô tịch khi bà phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo này của Hoàng gia.

Ảnh minh hoạ: https://tvfan.kyodo.co.jp

Cho đến tận cuối đời, Gensho chưa từng một lần được kết hôn và bà đã chết trong sự cô đơn đến lạnh người. Có vẻ như nhìn tấm gương “sáng ngời” của tổ tiên, Koken nhất định không cam tâm tình nguyện “chết già” trên ngai báu Thiên hoàng.

Lên ngôi ở tuổi 28, Koken đã yêu thầm người anh họ của mình là Fujiwara no Nakamaro từ trước đó. Thế nên khi ngồi lên ngai báu và bị ràng buộc chặt chẽ bởi những luật lệ của hoàng gia, Koken và Nakamaro chỉ còn cách ngấm ngầm qua lại với nhau.

Thật khó có ai có thể ngăn cản nổi vị Thiên hoàng nhiều quyền lực gặp gỡ thân mật hay bàn chuyện “quốc gia đại sự” với cận thần của mình. Vì vậy, mối tình trong bóng tối của hai người hẳn sẽ không có chuyện gì nếu như Koken không kiềm chế nổi cảm xúc yêu đương của mình, mượn cớ tu sửa cung điện tiên hoàng, chuyển thẳng đến nhà của Nakamaro ở hơn một năm trời. Chuyện tình vượt lễ giáo của nữ Thiên hoàng thứ 6 trong lịch sử Đông Doanh vỡ lỡ.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Đến năm 754, khi hòa thượng Giám Chân của Trung Quốc sang Nhật Bản truyền đạo, để chứng tỏ lòng hướng Phật của mình, Koken đã xin hòa thượng này cho mình được thụ giới. Rồi trong giây phút thụ giới đó, đột nhiên, Koken giác ngộ. Bốn năm sau đó, vị nữ Thiên hoàng một lòng hướng theo Phật pháp đã nhường lại ngôi báu cho hoàng tử Oi Shinno.

Tuy nhiên vị Thiên hoàng có tước hiệu Junnin này chỉ trị vì được 4 năm thì bị phế bỏ. Nguyên nhân vẫn là từ một cuộc tình của Koken. Sau khi nhường ngôi cho Junnin và làm Thái Thượng hoàng, Koken một mặt “hết lòng hướng Phật”, mặt khác, bà vẫn tìm kiếm những thú vui của riêng mình.

Và rất nhanh, người phụ nữ đa tình này đã tìm được tình nhân mới ngay ở chính nơi cửa Phật, hòa thượng Dokyo. Dokyo được Koken Thiên hoàng cho vào cung hoằng dương Phật pháp từ năm 752, tuy nhiên, mãi đến năm 761, khi Koken bị bệnh, với thân phận thiền sư khám bệnh cho Thiên hoàng, Dokyo mới bắt đầu được sủng ái.

Chuyện tình vụng trộm của hòa thượng Dokyo và nữ Thiên hoàng Koken kéo dài được 3 năm thì vỡ lở. Nhưng mối tình này không hề chấm dứt ở đây mà bước vào giai đoạn công khai. Năm 764, Koken nghe theo lời xúi giục của Dokyo, quyết định quay trở lại chính đàn. Koken ra lệnh phế bỏ Thiên hoàng Junnin, tự mình trở lại ngôi báu, lấy hiệu là Shotoku.

Lần trở lại với ngôi vị Thiên hoàng này của Koken kéo dài 6 năm (từ năm 764 – 770) và trong 6 năm này, dưới sự phù trợ của người tình, nữ Thiên hoàng Shotoku đã có những tháng ngày vui vẻ khoái lạc không kém ông vua xa hoa nào trên thế giới. Được sự sủng ái của người tình Thiên hoàng, hòa thượng Dokyo cũng trở thành nhân vật quyền lực số 1 trong triều đình.

Ngay sau khi trở lại ngôi báu, Shotoku phong cho Dokyo chức Quốc sư Nhật Bản, đồng thời giao cho ông ta rất nhiều quyền lực trong trong triều đình. Tuy nhiên, Dokyo không biết rằng yêu một người phụ nữ quyền lực và đa tình như Shotoku là đang đùa với hổ. Vị hòa thượng lần đầu được nếm vị ngọt của quyền lực này lại còn ngây thơ tới mức âm mưu lật đổ người tình của mình để độc chiếm ngôi vị Thiên hoàng lẫn quyền lực mà ngôi báu này mang lại.

Kết quả chỉ sau vài năm được ngồi ở ngôi vị quốc sư, vị hòa thượng này đã bị nữ hoàng Shotoku thải loại. Thiên hoàng Sotoku mất vào năm 770 vì bệnh đậu mùa chấm dứt 15 năm trị vì khá nhiều tai tiếng của vị nữ Thiên hoàng thứ 6. Khi vị nữ Thiên hoàng này chết, bà mới 52 tuổi. Vì vậy, sẽ chẳng biết bà sẽ còn bao nhiêu tình nhân nữa nếu còn sống và tiếp tục tại vị.

Theo Dulichvietnam

Mê mẩn thể loại tranh đấu cung đình, bạn đã cập nhật từ điển Hậu Cung Nhật Bản chưa?

5 điều bí ẩn về Hoàng gia Nhật Bản: Chỉ có tên mà không có họ, nhiều nữ hoàng nhất th

Học được gì từ phong cách ăn mặc của các nàng công chúa hoàng gia Nhật Bản?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: