Tham vọng đưa Kịch Kabuki tấn công thị trường nước ngoài

Hướng đến Olympic và Paralympic Tokyo 2020, Nhà hát Quốc gia Nhật Bản đang cố gắng đưa kịch truyền thống Kabuki đến gần hơn với khán giả nước ngoài thông qua việc tổ chức các buổi biểu diễn kèm phụ đề tiếng Anh.

Một diễn viên kịch Kabuki hướng dẫn tư thế diễn cho khán giả người Iran tham dự chương trình biểu diễn kịch Kabuki dành cho người nước ngoài.

Ảnh: https://www.japantimes.co.jp/culture/

Trong bối cảnh Nhật Bản đang chuẩn bị đón tiếp các vận động viên và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự Olympic Tokyo 2020, kịch Kabuki và các loại hình nghệ thuật diễn xuất khác của Nhật Bản đang tìm cách điều chỉnh để thu hút số lượng khách du lịch đang tăng dần trong những năm qua.

Tại Nhà hát Quốc gia Nhật Bản vào một buổi chiều mùa Hè mưa rả rích, hội trường rất đông khán giả đến từ nhiều nơi trên thế giới. Các sinh viên quốc tế đến theo dõi một vở kịch Kabuki được dựng riêng cho những vị khách không biết tiếng Nhật.

Lorrin Lockwood, 23 tuổi – sinh viên trường Đại học Northen Kentucky, Mỹ đã phát biểu: “Vở kịch rất thú vị và dễ hiểu đối với người nước ngoài”.

Một sinh viên 26 tuổi khác từ Trung Quốc, đang học tại Đại học Tokyo cho rằng cần có sự hiểu biết nhất định về lịch sử Nhật Bản mới có thể nắm được nội dung của vở kịch.

Trong nhiều năm, Hội đồng Nghệ thuật Nhật Bản đã cố gắng tạo ra những chương trình đa ngôn ngữ để quảng bá nghệ thuật biểu diễn của Nhật Bản đến du khách nước ngoài. Một trong những chương trình đó tên là “Discover Kabuki”. Khi xem những vở kịch Kabuki được biểu diễn trong chương trình, bạn sẽ được cung cấp một thiết bị để nghe giới thiệu, hướng dẫn và lời bình luận.

Chương trình năm nay nằm trong dự án của Hội chợ triển lãm văn hóa Nhật Bản, một chiến dịch của chính phủ nhằm quảng bá văn hóa nghệ thuật Nhật Bản kết hợp với Olympic Tokyo, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân.

Discover Kabuki được trình diễn lần đầu năm 2015. Cuối tháng 6 vừa qua vở  kịch mang tên “Shinrei Yaguchi no Watashi” (tạm dịch là “Điều kỳ diệu ở bến tàu Shinrei”) đã công diễn. Kịch bản được sáng tác bởi kỹ sư và nhà phát minh Hiraga Gangu vào thế kỷ 18.

Đây là câu chuyện về một cô gái hy sinh cuộc đời mình để bảo vệ cho người đàn ông cô yêu. Vở kịch được biểu diễn với phụ đề bằng tiếng Nhật, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Pháp. Khán giả tham dự buổi diễn đến từ 66 nước khác nhau, trong đó khách Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất là 28%, Mỹ (17%), Đài Loan (6,3%) và Hàn Quốc (5,3%).

Giám đốc điều hành Hội đồng Nghệ thuật Nhật Bản Fumio Owada phát biểu:

“Tôi biết có nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa phụ đề vào vì sẽ làm mất giá trị thuần tuý của kịch Kabuki. Vì loại hình nghệ thuật này là nơi để khán giả chiêm ngưỡng các bộ trang phục hào nhoáng và thưởng thức khả năng diễn xuất của diễn viên chứ không phải đơn giản chỉ để hiểu nội dung vở kịch. Thế nhưng đối với người lần đầu tiếp xúc, họ sẽ không thể hiểu được vở kịch nếu không nắm được cốt truyện”

“Nếu hiểu được nội dung cơ bản, bất kì cảnh diễn đặc sắc nào cũng sẽ để lại ấn tượng mạnh cho khán giả và tôi hy vọng điều đó sẽ hấp dẫn họ quay trở lại với các buổi diễn sau” . Ông Owada nói, ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng.

Olympic tổ chức tháng 10 năm 1964 cũng đã quảng bá nghệ thuật truyền thống Nhật Bản theo cách tương tự. Trước mỗi buổi công diễn kịch Kabuki, khán giả được phát tờ rơi giới thiệu chương trình bằng tiếng Anh.

Hội đồng Nghệ thuật Nhật Bản-công ty sản xuất kịch Kabuki Shochiku hy vọng rằng họ sẽ có cơ hội tổ chức các buổi trình diễn lớn hơn hướng tới đối tượng là khán giả nước ngoài. Ngoài Kabuki còn có các loại hình nghệ thuật khác như kịch Noh, kịch rối Bunraku và nhạc kịch Kumi-odori cũng sẽ được giới thiệu.

Phó giám đốc của công ty Shochiku, ông Tadashi Abiko cho hay: “Tôi nghĩ số lượng khách du lịch đến tham gia Olympic 2020 sẽ còn nhiều hơn Olympic 1964”.

Vì Olympic sẽ được tổ chức vào mọi thời điểm trong ngày nên công ty Shochiku hy vọng sẽ thu hút được khán giả đến xem kịch Kabuki cả ban ngày lẫn buổi tối.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người đến rạp vào ban ngày vì không phải tất cả du khách sẽ có mặt tại các sân vận động, trừ trận chung kết.”, ông Abiko chia sẻ.

Hiện tại công ty đang tổ chức 02 suất diễn một ngày. Nhằm phục vụ cho Olympic 2020, công ty dự định sẽ tăng lên 04 suất diễn, trong đó có 01 suất diễn vào đêm muộn dành cho khán giả nước ngoài. Chương trình này sẽ diễn ra từ cuối tháng 07 đến tháng 08 năm sau.

“Nhiều khán giả có ý kiến rằng thời lượng của mỗi vở kịch quá dài. Bằng cách tổ chức 04 buổi diễn, chúng tôi sẽ có thể làm cho mỗi vở kịch trở nên ngắn gọn hơn và giữ giá vé ở mức tương đối thấp.” ông Abiko cho biết thêm.

Nếu có cơ hội tham gia Olympic Tokyo, sao bạn không thử xem kịch Kabuki với phụ đề tiếng Anh?

Tham khảo https://www.japantimes.co.jp/culture

KYODO

Kabuki – Nghệ thuật văn hoá đặc sắc của Nhật Bản

Hello Kitty hóa thân thành Momotaro. Vở kịch Kabuki hoành tráng nhất của nàng mèo siêu dễ thương

Cùng xem nghệ thuật kịch múa “Kabuki”?

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: