1001 phép xã giao để xin việc thành công tại Nhật Bản
Thực trạng thiếu lao động trẻ ở Nhật Bản dẫn đến tình trạng cứ mỗi ứng viên ở Tokyo đi tìm việc lại có đến hai vị trí trống để lựa chọn. Điều này khiến một số doanh nghiệp Nhật xem xét thuê tuyển lao động nước ngoài. Song một cuộc phỏng vấn xin việc tại quốc gia Đông Á là cả “một rừng” nghi thức, đặc biệt với người ngoại quốc. Theo Bloomberg, sinh viên bản xứ phải tập trung nhớ và làm theo quy tắc. Vì thế, người nước ngoài cũng cần hiểu luật.
“Đây như là một bài kiểm tra để cho thấy bạn có thể thích nghi tốt đến mức nào”, Rochelle Kopp, người đứng đầu Intercultural Consulting, hãng giúp các cơ sở làm việc đa quốc gia hoạt động tốt hơn, cho hay. Dưới đây là vài quy tắc ứng xử đặc biệt tại Nhật Bản.
“Bộ suit tuyển dụng”
Tính đồng nhất là tối quan trọng: Một bộ suit đen tuyền, hay còn gọi là “bộ suit tuyển dụng”, một chiếc áo sơ mi trắng đơn giản, chiếc túi và đôi giày trang trọng màu đen. Ứng viên xin việc nên tránh để râu, nhuộm tóc, mang bông tai lớn, trang điểm đậm, sơn móng tay màu chói, thắt cà vạt màu trắng hoặc cà vạt lớn.
Nếu bạn có mặc áo choàng, hãy cởi chúng ra trước khi bước vào tòa nhà. Đây là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng và cũng được dùng vào nhiều dịp trang trọng khác. Đơn cử, bạn sẽ hiếm khi nhìn thấy một chiếc áo khoác trong lễ tang tại Nhật.
Bước vào phòng phỏng vấn
Luôn gõ cửa ba lần. Theo trang web tuyển dụng Rikunabi, gõ cửa hai lần sẽ khiến nhiều người khó chịu vì nó giống như số lần bạn phải gõ cửa để kiểm tra một nhà vệ sinh còn trống hay không. Sau khi gõ cửa, hãy chờ đến khi bạn được cho phép bước vào.
Khi đã vào trong phòng, hãy cố gắng đóng cửa mà không gây tiếng động lớn song đừng cố gắng hướng mặt về phía trước khi thực hiện động tác này. Cuối cùng, bạn có thể nói “xin lỗi”, cúi chào và đi đến bên trái ghế ngồi. Giới thiệu tên, trường đại học, cúi đầu lần nữa và chờ được cho phép trước khi ngồi xuống.
Cúi chào
Đừng chỉ cúi đầu khi chào. Bạn nên uốn cong người (từ hông trở lên) về phía trước, song cố giữ lưng thẳng. Giữ hai tay sát thân người, không cong gối. Trang web tuyển dụng MyNavi gợi ý ứng viên xin việc nên cúi chào theo góc 30 độ khi bước vào, và theo góc 45 độ khi rời khỏi buổi phỏng vấn.
Hãy đứng yên khi cúi chào. Khi đã ngồi vào ghế, hãy giữ lưng thẳng. Đàn ông nên đặt hai tay lên hai đầu gối còn phụ nữ thì được khuyên là để hai tay chồng lên nhau bên trên đùi.
Từ ngữ
Ứng viên xin việc nên dùng ngôn ngữ trang trọng. Người Nhật có nhiều từ ngữ khác nhau cho các tình huống khác nhau, tùy thuộc vào người đối diện. Nếu bạn phải nộp giấy tờ, hãy cầm cả hai tay để đưa chúng cho người phỏng vấn.
Đây là cử chỉ cho thấy tầm quan trọng của hồ sơ mà bạn trao đi.
Rời khỏi buổi phỏng vấn
Trang Rikunabi gợi ý vào cuối buổi phỏng vấn, ứng viên nên cảm ơn nhà tuyển dụng và cúi đầu khi đang ngồi. Sau đó, đứng lên và cúi đầu lần nữa. Nói “xin lỗi” khi rời khỏi phòng và đóng cửa nhẹ nhàng hệt như khi bước vào. Đừng kiểm tra điện thoại di động khi rời đi.
Thay vào đó, hành xử trang trọng như buổi phỏng vấn vẫn còn tiếp diễn. Sinh viên Nhật thường được cảnh báo rằng nhân viên công ty có thể theo dõi họ bất cứ lúc nào từ thời điểm họ rời ga tàu đến lúc bước vào buổi phỏng vấn.
Những điều nên tránh
Đừng bao giờ đến trễ. Tại Nhật Bản, có mặt từ 5-10 phút trước giờ hẹn được xem là đúng giờ. Hãy bảo đảm rằng bạn không quên đặt ghế của mình về vị trí ban đầu khi rời khỏi phòng.
Làm gì khi bạn trúng tuyển?
Dù quy tắc phỏng vấn xin việc nghe phức tạp nhưng nó chẳng là gì so với bộ quy chuẩn mà sinh viên mới ra trường phải học một khi họ được nhận vào công ty.
Nhật Bản có tập quán cho mọi tình huống kinh doanh, từ việc đứng ở đâu trong thang máy, ngồi ở đâu trong chiếc taxi đến việc làm thế nào để trao đổi danh thiếp. Với một nhân viên mới, tất cả nhân viên trong công ty đều là cấp trên và họ cần được cư xử với sự tôn trọng lớn. Khác với ở phương Tây, nơi phụ nữ luôn được ưu tiên, tại Nhật Bản, người lớn tuổi phải luôn được nhường bước.
Nguồn: Thanh Niên