Nhật Bản mở cửa cho “ô sin” nước ngoài
Để đối phó với tình trạng lực lượng lao động giảm mạnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chấp thuận “mở cửa” tiếp nhận các lao động nước ngoài tới Nhật làm nghề giúp việc gia đình.
Trong một căn hộ được thiết kế theo phong cách Nhật Bản, chị Maria Del Bago đang học cách cúi đầu chào, cách làm sạch tấm nệm trải sàn tatami truyền thống của người Nhật và học cả cách sử dụng các thiết bị vệ sinh công nghệ cao. Buổi học không diễn ra ở Nhật mà ở thủ đô Manila của Philippines cách đó 3.000 ki lô mét.
Chị Bago, 37 tuổi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, từng làm giúp việc cho một gia đình người Ảrập, đang tham gia khóa đào tạo ngôn ngữ và kỹ năng kéo dài 400 giờ để thích nghi với người Nhật. Chị là một trong số 26 ứng cử viên có kinh nghiệm, được Công ty Pasona chọn vào vòng cuối cùng và có thể sẽ được tuyển dụng sang làm việc tại Nhật Bản vào mùa xuân năm nay.
“Tôi tin rằng việc đào tạo này sẽ giúp tôi thích nghi dễ dàng hơn và tránh được nguy cơ sốc văn hóa khi sang Nhật”, chị Bago nói với hãng tin Mỹ Bloomberg.
Bổ sung lao động
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe gần đây đã quyết định “mở cửa” cho lao động nước ngoài làm nghề giúp việc gia đình, để đối phó với tình trạng lực lượng lao động giảm, đe dọa nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều người Nhật phản đối xu hướng nhập cư ồ ạt của lao động nước ngoài, thì chính phủ và các công ty liên quan đã phải nỗ lực dung hòa bằng việc tuyển chọn người rất kỹ lưỡng.
Việc mở cửa cho người giúp việc nước ngoài – diễn ra đầu tiên ở các tỉnh Kanagawa và Osaka sau đó tới Tokyo – nhằm mục đích làm cho giá dịch vụ này giảm xuống một mức hợp lý để nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của Nhật có thể chấp nhận được. Từ đó nhiều phụ nữ Nhật Bản sẽ được giải phóng khỏi công việc nhà và gia nhập lực lượng lao động. Theo số liệu của các cơ quan chính phủ, lực lượng lao động khoảng 65 triệu người ở Nhật dự kiến sẽ giảm hơn 40% vào năm 2060.
Ông Heizo Takenaka, một nhà kinh tế đang là thành viên một nhóm tư vấn cho chính phủ về đặc khu kinh tế, đồng thời là Chủ tịch Công ty Tuyển dụng lao động Pasona, cho rằng chương trình tiếp nhận người giúp việc gia đình nước ngoài là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của Nhật Bản nhằm bổ sung lực lượng lao động cần thiết cho nền kinh tế. Một số người phản đối lo ngại rằng, nếu các quy định nhập cư được nới lỏng, sự đổ bộ của lao động nước ngoài có thể làm gia tăng tội phạm ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Takenaka đã dẫn chứng Singapore là một ví dụ điển hình của một quốc gia có nhiều người nước ngoài làm việc nhưng tỷ lệ tội phạm thấp.
“Mở cửa cho lao động nước ngoài sẽ không làm thay đổi mọi thứ một cách nhanh chóng” – ông Takenaka nói về chương trình tuyển người giúp việc. “Đó là một cách làm rất Nhật Bản. Chúng ta sẽ không để cho lao động nước ngoài tràn ngập như những gì đang diễn ra ở Hồng Kông”.
Theo tiêu chuẩn cấp thị thực mới áp dụng cho các vùng đặc biệt, những người giúp việc được các công ty ký hợp đồng lao động toàn thời gian, được trả lương tương đương với người Nhật làm công việc tương tự. Thay vì ở chung với gia đình chủ, người giúp việc được bố trí chỗ ở riêng. Họ cũng phải nói được tiếng Nhật ở mức cơ bản.
“Thái độ làm việc cũng quan trọng không kém gì kỹ năng” – Contessa Tadena, một huấn luyện viên Philippines đang làm việc tại Trung tâm Magsaysay nói. “Tôi dạy cho các học viên của mình giá trị của sự trung thực, tôn trọng và lịch sự. Bạn không những phải chăm chỉ mà cần hoàn thiện”, chị nói. Trước đó có hai người bị từ chối tham dự khóa học vì không thể hiện đủ sự khiêm nhường.
Thủ tướng Abe đã đưa ra ý tưởng mở cửa cho người giúp việc nước ngoài và những lao động làm công việc chăm sóc người cao tuổi từ năm 2014. Tuy nhiên, do quá trình tuyển dụng kỹ, phải mất ba năm mới có thể đào tạo ra vài chục người đáp ứng được yêu cầu và sẵn sàng lên đường, dù không có một giới hạn nào về số người nhập cư được đưa ra.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga tuần trước cho biết, sự chậm trễ một phần cũng là do năm 2014 là năm bầu cử. “Chúng tôi triển khai lần đầu tiên, vì vậy cần có những sự phối hợp”, ông Suga nói. “Dù sao, mọi việc cuối cùng sẽ bắt đầu vào tháng tới. Trách nhiệm của chúng tôi là tạo ra một hệ thống có thể được sử dụng rộng rãi”.
Khó khăn pháp lý
Theo ông Yuki Takahashi, người sáng lập Công ty Cung cấp người giúp việc Bears KK có trụ sở ở Tokyo và đang có kế hoạch thuê người Philippines – dự án đang gặp một số khó khăn do những quy định chặt chẽ của pháp luật.
“Nếu các quy định không nới lỏng, các công ty liên quan đến việc cung cấp người lao động có nguy cơ thua lỗ”, ông Takahashi nói. “Người giúp việc ở Nhật Bản không cần có trình độ, họ chỉ cần có đức tính tốt và chúng tôi sẽ đào tạo. Vậy tại sao chúng ta không thể làm như vậy với người lao động nước ngoài?”, ông đặt câu hỏi.
Trong khi người giúp việc khá phổ biến tại các thành phố châu Á như Singapore và Hồng Kông, việc thuê người làm việc nhà hiện nay chỉ phù hợp với những người giàu ở Nhật Bản. Đó cũng là một trong những lý do tại sao nhiều phụ nữ Nhật phải từ bỏ sự nghiệp của mình sau khi sinh con. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ đi làm đã tăng lên 2 điểm phần trăm, từ mức 48% năm 2012, kể từ khi ông Abe lên nắm quyền, nhưng nhiều người vẫn chỉ làm các công việc bán thời gian, được trả lương thấp.
Công ty Pasona dự kiến thu giá dịch vụ dọn nhà là 5.000 yen (43 đô la) cho hai giờ. Mức giá này khá phải chăng đối với nhiều hộ gia đình mà có cả vợ cả chồng đều đi làm.
Theo quy định, hiện nay các công dân Nhật Bản không được phép sử dụng người giúp việc nước ngoài. Một số ít người nước ngoài được phép mang người giúp việc nước ngoài vào Nhật Bản, và con số này là khoảng 1.000 lao động tính đến tháng 6 năm ngoái. Mức này thấp hơn nhiều so với 300.000 người giúp việc tại Hồng Kông, trong khi tổng số dân của Hồng Kông chỉ bằng một nửa so với riêng thủ đô Tokyo.
Mặc dù số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản tăng gấp đôi, lên mức kỷ lục 908.000 người vào năm 2015 nhưng đa số những người này làm việc trong lĩnh vực sản xuất.
Những quy định phức tạp hiện nay của Nhật cũng đang cản trở việc mở cửa cho những người nước ngoài làm công việc chăm sóc người già. Bộ Y tế Nhật dự kiến vào năm 2025, nước này sẽ thiếu khoảng 377.000 người làm nghề này. Điều đó khiến chính phủ buộc phải mở rộng chương trình gọi là “thực tập sinh” cho người nước ngoài. Nhưng chương trình này lại đang gây tranh cãi, bởi những người phản đối cho rằng đây là lao động cưỡng bức.
Miyoko Miyazawa, cố vấn tại Bệnh viện Eisei ở vùng Hachioji ngoại ô Tokyo, cho biết Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng hệ thống thực tập sinh để chấp nhận những người nước ngoài làm công việc chăm sóc người già. “Sự thiếu hụt lao động đang thực sự trở nên nghiêm trọng”, cô nói. “Một số cơ sở thậm chí không thể mở do thiếu cán bộ”. Hiện chỉ có khoảng 2.600 y tá và những người chăm sóc đang làm việc tại Nhật là đến từ các nước Đông Nam Á.
Cô Miyazawa kể một câu chuyện thành công, đó là trường hợp của y tá 31 tuổi John Denmark Pineda, người Philippines. Anh đến Nhật Bản từ năm 2009 và bây giờ đã trở thành một nhân viên nổi tiếng tại bệnh viện. Anh có thể trò chuyện với các bệnh nhân cao tuổi bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh.
Pineda, đã kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản và đặt mục tiêu vượt qua kỳ thi cấp bằng y tá nổi tiếng là khó khăn của Nhật Bản. Anh cho rằng lao động nhập cư cần được phép giữ một vai trò lớn hơn. “Nghe có vẻ táo bạo, nhưng người nước ngoài chúng tôi rất quan tâm và chăm chỉ”, anh nói. “Nếu nhiều người muốn đến làm việc, tôi nghĩ rằng họ nên được chấp nhận”, anh cho biết.
(Nguồn thesaigontimes)
Nhật Bản thu hút học viên nước ngoài sang học nghề Điều dưỡng
Chính thức công bố bảng tăng mức lương tại 47 tỉnh thành Nhật Bản từ 01/01/2017