Tại sao mỗi ngày đi làm khổ thế – Cách làm “bay màu” những phàn nàn thường gặp trong công việc
Có hơi đường đột, nhưng tôi muốn đặt câu hỏi “Các bạn có yêu công việc của mình không?”
Tôi đoán với câu hỏi này, hơn một nửa số người sẽ trả lời “Không”. Công việc có thực sự nhàm chán như vậy?
Ảnh https://togetter.com/li/832131
Thông thường mỗi người làm việc 8 tiếng đồng hồ trong vòng 5 ngày 1 tuần, và lặp đi lặp lại. Tất nhiên hầu hết đều làm hơn số thời gian đó.
8 tiếng đồng hồ trong 1 ngày có 24 tiếng, nếu bao gồm cả thời gian di chuyển và ăn uống, bạn dành trung bình một nửa thời gian trong ngày cho công việc. Nếu bạn thấy công việc của mình nhàm chán, chẳng phải đã phí phạm số lượng lớn thời gian sao. Như vậy quả thật bất hạnh !
Chính vì vậy trong bài viết lần này, tôi hy vọng sẽ giúp mọi người cảm thấy yêu thương công việc của mình hơn, từ đó sống một cuộc đời thú vị hơn.
Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng công việc không phải trò chơi. Khi chơi, nếu vui chúng ta tiếp tục, khi chán chúng ta có thể ngừng lại. Thế nhưng với công việc không đơn giản như vậy, bởi không ai trả tiền để nhận lại một nhân viên có thái độ tuỳ hứng cả.
Công việc gắn liền với tài chính, do đó đi kèm với trách nhiệm.
Trước hết, chúng ta hãy cùng liệt kê một số phàn nàn thường thấy của nhân viên trong môi trường công sở.
1. Tôi mệt mỏi vì ông sếp ngu ngốc
Sếp ngu ngốc không phải là một điều tốt sao? Nói đơn giản, chẳng phải bạn có thể đứng ở vị trí cao hơn sếp của mình ư? Nếu vậy thì tự mình mở công ty luôn cho rồi. Bạn có thể chứng minh bạn vận hành công ty tốt hơn sếp của bạn? Như đã nói ở trên, công việc gắn liền với tiền bạc, người ta chỉ giao việc cho những ai có khả năng. Nếu bạn thấy bản thân thông minh hơn sếp, hãy chứng minh điều đó với mọi người. Còn nếu bạn đã chứng minh rất nhiều lần nhưng không ai công nhận, khi đó hãy nghĩ đến chuyển việc, bởi lẽ cũng có trường hợp sếp phán đoán sai năng lực của nhân viên. Thế nhưng nếu bạn chưa làm mà đã chạy, vậy thì chẳng còn ý nghĩa gì cả.
Chính vì thế, điều tiên quyết là phải chứng minh thực lực của bản thân.
2. Tôi không hợp với công ty này
Rõ ràng chẳng ai hợp với công ty 100% cả, bởi lẽ đây đâu phải tài sản của bạn. Nói ra câu này cũng tương tự như một cầu thủ nói “Tại sao tôi không được tự do dùng tay chơi bóng?”. Tại sao bạn không thể tìm thấy niềm vui trong những quy tắc của công việc, cũng như các cầu thủ đam mê với bộ môn này trong khi chấp nhận các luật lệ của nó?
Nếu bạn chỉ muốn được tự do làm những điều mình thích, vậy thì hãy lập công ty riêng và tạo ra những nguyên tắc của riêng mình. Thế nhưng nếu bạn không thể tìm thấy người đồng hành và chấp nhận những luật lệ của bạn, cả trong thể thao và công việc, sẽ không có cái gì được hình thành.
3. Lương rẻ mạt, với cống hiến của mình tôi phải nhận được nhiều hơn thế
Quả nhiên công ty nào cũng muốn thuê nhân công tốt nhất với giá rẻ nhất. Cảm giác đó của bạn không hề sai. Thế nhưng nếu nhân viên ưu tú của họ có khả năng nghỉ việc, ngay lập tức ban lãnh đạo công ty sẽ có đề xuất tăng lương. Bởi vì họ không muốn đánh mất người tài.
Vì vậy, nếu bạn thấy mức lương hiện tại của mình không xứng đáng, hoặc là việc bạn đang làm không tương đương với mức lương cao hơn, hoặc công ty của bạn đang bóc lột sức lao động. Nếu bạn nghiêng về ý thứ hai, hãy thử đề xuất tăng lương với cấp trên, hoặc có thể nghĩ đến phương án chuyển việc, đến nơi có thể sẽ trả cho bạn số tiền bạn đáng được nhận.
Thế nhưng nếu những gì bạn bỏ ra chưa đủ cho những kỳ vọng về mức lương bạn nên được nhận, có đi đâu thì kết quả cũng như nhau thôi.
4. Tôi không cảm thấy tương lai của công ty này
Tại sao bạn có thể phàn nàn như thể đây là chuyện của người khác vậy? Tương lai của công ty không phải là trách nhiệm của riêng sếp bạn, mà là của tất cả những nhân viên trong công ty. Nếu bạn không cảm thấy tương lai tại nơi mình làm việc, bạn cũng có một phần trách nhiệm. Cảm thấy tương lai doanh nghiệp không ổn định, nhưng không có hành động gì để thay đổi, bạn không thấy bản thân còn tệ hơn những người không nhận ra vấn đề trong quá trình làm việc sao?
5. Công việc của bạn sướng thế, tôi đi làm vất vả lắm
Ảnh https://tenshoku-web.jp/shigoto-tanoshii/
Rất nhiều người hay so sánh công việc của mình với người khác, và thường họ sẽ thấy việc người khác làm “sung sướng” hơn của mình. Những công nhân xây dựng ghen tị với nhân viên văn phòng vì được ngồi máy lạnh, các nhân viên văn phòng lại ghen tị với những người thường xuyên được ra ngoài thay vì suốt ngày “cắm mặt” vào màn hình máy tính.
Mỗi công việc đều có sướng, có khổ, chỉ là bạn chấp nhận chi phí đánh đổi như thế nào. Vì vậy, ngừng so sánh mà hãy tập trung vào những gì bạn đang làm.
Sau khi đã điểm qua một loạt các phàn nàn thường gặp về công việc, bây giờ hãy nghĩ như thế này.
Công việc là công cụ để biến ước mơ của bạn thành hiện thực
Đừng nghĩ rằng làm việc là chịu đựng, hãy tận hưởng công việc mình đang làm bằng cách suy nghĩ tích cực.
Nói vậy có vẻ hơi chung chung, trong những bài sau tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những cách cụ thể để từng chút một, khiến công việc của bạn trở nên thú vị hơn. Khi đã tìm được niềm vui làm việc, bạn không những cải thiện được chất lượng công việc, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân.
Kengo Abe